Phố đi bộ Nguyễn Huệ: Nơi buôn bán ế ẩm, chỗ đông nghẹt khách mua

Hương Thu,
Chia sẻ

Cứ ngỡ khi con phố đi bộ Nguyễn Huệ hoàn thành, việc buôn bán sẽ khá hơn nhưng chị Thu lại không thể ngờ không bán được dù một món hàng nào trong 15 ngày qua.

Cuối tháng 7/2014, cơ quan chức năng quyết định rào chắn phần lớn không gian tuyến đường Nguyễn Huệ để xây dựng ga ngầm Nhà hát Thành phố - nhà ga đầu tiên trong tuyến tàu điện (metro) số một của TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) đồng thời thực hiện cải tạo, xây dựng con đường thành quảng trường đi bộ đầu tiên ở Việt Nam. Nhiều cửa hàng kinh doanh lâu năm ở đây đành ngậm ngùi chờ con đường hoàn thành, dỡ rào chắn để có thể buôn bán thuận tiện như trước.

Tuy nhiên, sau khi phố đi bộ Nguyễn Huệ mở cửa trở lại dịp 30/4 vừa qua với diện mạo một tuyến phố hiện đại nhất cả nước, việc kinh doanh của các cửa hàng này vẫn không được cải thiện.

15 ngày liền không bán được mặt hàng nào

Tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, khi hỏi về tình hình kinh doanh, chị Ngọc Thu nói như mếu: “Nếu không tính khách quen ghé lấy sỉ thì đã là nửa tháng nay không một khách nào ghé quán mua hàng. Tôi mở tiệm ở đây 5 năm mà chưa bao giờ thất thu như vậy, nguyên tháng này coi như phải bỏ tiền túi trả mặt bằng chứ nói chi được huề vốn”.

Cửa hàng của chị bán những mặt hàng lưu niệm, vật dụng in hình ảnh Việt Nam cho khách nước ngoài. Trước khi làm rào chắn, việc kinh doanh của chị thuận tiện trên khu đất vàng của Sài Gòn. Đến lúc cơ quan chức năng rào chắn để xây dựng công trình thì “vẫn lai rai khách vãng lai nhưng chủ yếu là khách quen lại mua vì có chỗ để xe và mát mẻ”, chị giải thích.

Cứ ngỡ khi con phố hình thành, người tham quan nhiều thì việc kinh doanh sẽ ổn định trở lại nhưng việc bán buôn của chị còn ế ẩm hơn trước. Khách quen thì không biết chỗ để xe hoặc không nghĩ là vẫn được lưu thông trên đường Nguyễn Huệ. Khách vãng lai thì không một người nào ghé mua, nếu vào cửa hàng cũng chỉ ngắm nghía xíu rồi đi.

phố đi bộ Nguyễn Huệ
Chị Ngọc Thu không ngờ rằng, từ khi mở phố đi bộ đến giờ, chị vẫn không bán được dù là một món hàng.

Tôi ráng cầm cự đến hết tháng 5 rồi chắc phải đi tìm mặt bằng khác. Mấy ngày nay, tôi phải nhận gói hàng, làm tranh… để gỡ lại chút vốn”, chị Thu chia sẻ.

Tại cửa hàng photo copy của chị Hồ Thị Phương, người ta cũng dễ nhìn thấy cảnh đìu hiu. Lẻ tẻ vài sấp tài liệu, không một máy photo coppy nào hoạt động và các nhân viên thì ngồi tán gẫu. “Tháng rồi, tôi buộc phải cho 16 người nghỉ, giờ chỉ còn 14 người làm. Khách thì giảm ít nhất phải 70%”, chị Phương nói.

phố đi bộ Nguyễn Huệ
Tiệm photo coppy của chị Phương đìu hiu, các máy photo ngừng hoạt động và nhân viên đã giảm đi hơn một nửa.

Theo chị Phương, việc không có chỗ để xe và hạn chế lưu thông khiến khách hàng rất ngại khi vào tiệm. Hiện tại, chị cũng đã trả mặt bằng và dừng lại công việc kinh doanh ế ẩm.

Chung cảnh ngộ, cửa hàng bán thú nhồi bông của chị Ngọc Quyên đã giảm 50% lượng khách, giờ chỉ còn bán cho khách quen. “Từ khi hàng cây cổ thụ bị đốn hạ khiến cả con đường trở nên nóng nực vào buổi trưa nên rất ít khách qua lại mua bán. Rồi con phố đi bộ hiện đại hình thành thì chủ mặt bằng tưởng kinh doanh tốt nên lăm le đề nghị tăng giá”, chị Quyên than vãn.

phố đi bộ Nguyễn Huệ
Tương tự, cửa hàng bán thú nhồi bông của chị Ngọc Quyên cũng giảm 50% lượng khách.

Nhiều cửa hàng bán những mặt hàng  như tranh, băng đĩa, máy ảnh… vốn đã kinh doanh hàng chục năm ở đây cũng chịu cảnh thất thu và chỉ dựa vào lượng khách quen để tồn tại.

phố đi bộ Nguyễn Huệ
Tiệm máy ảnh này hầu như chi còn bán cho khách quen. Khách vãng lai giờ chủ yếu là khách nước ngoài.

phố đi bộ Nguyễn Huệ
Một cửa hàng bán thuốc tây đã treo bảng đóng cửa.

Uống cà phê phải đặt chỗ trước một ngày

Trong các cửa hàng trên ế ẩm thì các cửa hàng bán nước, thức ăn nhanh lại khá hút khách. Hàng quán đua nhau mọc lên nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Có chỗ phải xếp hàng cả 15 phút hoặc đặt chỗ từ trước đó 1 ngày mới có chỗ ngồi uống cà phê. Nhiều khách sạn, tòa cao ốc cũng tận dụng mặt tiền để cho thuê hoặc tự mở quán ăn uống, giải khát.

phố đi bộ Nguyễn Huệ
Nhiều quán cà phê cũng nhanh chóng mở cửa tại những chung cư xung quanh, nơi khách có thể ngắm toàn cảnh phố đi bộ.

Như tại một chung cư cũ cạnh phố, một số nhà hàng mới mở phục vụ cà phê ngắm phố đi bộ từ trên cao. Chị Nguyễn Hoài Thu có nhà ở chung cư tiếp giáp ngay với vị trí trung tâm phố đi bộ nên đã nhanh chóng mở quán cà phê nhỏ. Chị cho biết: “Khách lúc nào cũng đông, nhất là vào dịp cuối tuần nên có khi phải điện thoại đặt chỗ từ trước thì mới sắp xếp được”.

phố đi bộ Nguyễn Huệ
Khách tập trung đông nghẹt, ngồi chờ 15 phút mới mua được nước uống tại một quán cà phê.

Tại khách sạn Oscar Saigon, thay vì chỉ tập trung bán nước tại quầy trong khách sạn thì nay đơn vị này đã di chuyển một số bình nước la hán quả, dâu tây, chanh dây ra phía bên ngoài bán cho khách. “Với một ly có giá 10.000 đồng nên mỗi ngày bình quân chúng tôi bán được hơn trăm ly. Riêng thứ bảy, chủ nhật số lượng trên 200 ly”, nhân viên khách sạn này cho biết.

phố đi bộ Nguyễn Huệ
Nhân viên khách sạn Oscar Sài Gòn cũng ra ngoài bán nước cho ngươi dạo phố đi bộ.


phố đi bộ Nguyễn Huệ
Một cao ốc đã tận dụng mặt tiền để mở quán ăn và rất đông khách.

Bên cạnh đó, các cửa hàng tiện lợi cũng nhanh chóng được mở ra để phục vụ khách tham quan mỗi đêm. Vào ngày cuối tuần, dễ bắt gặp cảnh khách chen chúc mua hàng. 

phố đi bộ Nguyễn Huệ
Các cửa hàng tiện ích mọc lên để phục vụ nhu cầu mua sắm.
Chia sẻ