Phía sau những sự vụ gây chấn động xã hội thời gian qua: Ai cảm thông cho nỗi đau của người làm cha mẹ?

Việt Anh Trần. Design: Bi,
Chia sẻ

Cô sinh viên nhẫn tâm thả đứa con mới sinh từ tầng 31, chàng ca sĩ trong cơn ngáo đá nhét tỏi vào mồm bạn cho đến chết, những người trẻ bỏ mạng tại một lễ hội âm nhạc vì sốc ma túy… Đằng sau những sự việc gây chấn động ấy có một nỗi đau còn lớn hơn của người làm cha mẹ.

Phía sau những sự vụ gây chấn động xã hội thời gian qua: Ai cảm thông cho nỗi đau của người làm cha mẹ? - Ảnh 1.

Người ta nói về cô sinh viên năm 3 nỡ lòng ném đứa con mới sinh từ tầng 31 xuống đất với đủ thứ kì thị, dè bỉu, thậm chí thóa mạ rằng đó chẳng phải hành động của con người. Nhưng nếu nhìn kỹ lại, đó là hệ quả tất yếu của lối sống buông thả bản thân, khi nhân vật chính trải qua hết mối tình này đến mối tình khác, đã hai lần phá thai và thay bạn trai với tốc độ chóng mặt. Đó là tình yêu chân chính ư? Không! Đó chỉ là cái cớ của lối sống buông thả, sống nay biết mai. Chưa biết cô gái này sẽ nhận hình phạt nào từ pháp luật, nhưng bản án lương tâm sẽ theo cô suốt cuộc đời.

Chỉ một tháng trước thôi, dư luận xôn xao với vụ việc 7 người tử vong ở một lễ hội âm nhạc do sốc ma túy. Hay xa hơn một chút là câu chuyện Châu Việt Cường - anh chàng ca sĩ chuyên hát nhạc hội chợ, trong cơn ngáo đá đã nhét tỏi vào mồm bạn gái cho đến chết.

Phía sau những sự vụ gây chấn động xã hội thời gian qua: Ai cảm thông cho nỗi đau của người làm cha mẹ? - Ảnh 2.

Cuộc sống 4.0, người trẻ được khuyến khích giữ cho mình cái tôi khác biệt, nhưng ít ai dạy cho họ biết rằng: Giữ cái tôi khác biệt thì khác buông thả cái tôi theo những đam mê bản năng. Ít ai nhắc họ rằng, dù làm bất cứ việc gì, quan trọng nhất vẫn là phải có trách nhiệm trước hết với bản thân mình. Ai cũng nói trẻ thì được quyền làm sai, nhưng có những sai lầm phải trả giá bằng cả cuộc đời.

Phía sau những sự vụ gây chấn động xã hội thời gian qua: Ai cảm thông cho nỗi đau của người làm cha mẹ? - Ảnh 3.

Người Việt Nam thường hay có thói quen đổ lỗi: "Con hư là do cha mẹ không biết dạy dỗ". Không biết từ bao giờ, việc một đứa con trở nên hư hỏng, lầm đường lạc lối thì trách nhiệm lại đổ hết lên đầu cha mẹ.

Trong câu chuyện cô sinh viên ném con ở Linh Đàm vừa qua, khi gia đình cô gái từ chối nhận lại xác đứa bé mà chỉ gửi một khoản tiền hỗ trợ, cư dân mạng đã ầm ầm nổi sóng. Họ rủa xả, dành những từ ngữ kinh khủng nhất cho bố mẹ cô, nguyền rủa đó là một gia đình vô phúc, tàn ác, con nào bố mẹ nấy…

Nhưng mấy ai hiểu được nỗi đau mà họ đang phải chịu đựng?

Họ cũng chỉ là những ông bố bà mẹ ngày ngày chăm chỉ lao động để con được đi học đại học, với những khát vọng thay đổi cuộc sống. Họ sinh ra những đứa con lành lặn, lương thiện. Khi sự việc xảy ra, đành rằng tội lỗi của cô gái đã rõ rành rành, nhưng tòa án nào sẽ xóa đi những lời đàm tiếu dị nghị, những dè bỉu chê bai của xã hội. Họ có gì sai khi mong ước cả đời chỉ là con mình hạnh phúc và sống tốt?

Phía sau những sự vụ gây chấn động xã hội thời gian qua: Ai cảm thông cho nỗi đau của người làm cha mẹ? - Ảnh 4.

Hồi đại học, lớp tôi có một cậu bạn đến từ tỉnh xa, nhà rất nghèo, bố mẹ cậu phải cố gắng tích cóp để cậu được lên Hà Nội học. Tới năm thứ ba, vì mải chơi game mà cậu bị nhà trường đình chỉ học sau khi phải học lại đến 2/3 số môn. Tôi vẫn còn nhớ cảnh bố mẹ cậu, những người nông dân ngơ ngác với đôi dép lê, xấu hổ lên gặp nhà trường để đón con về. Bấy lâu nay họ vẫn yên tâm con được đi học đại học, đủ lông đủ cánh, ra trường có việc làm rồi tự xây nên cuộc sống của mình. Vậy mà kết quả họ nhận lại đắng ngắt.

Những người trẻ khi tham gia các cuộc vui và lạm dụng ma túy, khi buông thả bản thân đến mức đánh mất cả mạng sống quý giá, đã bao giờ họ nghĩ về bố mẹ mình? Những người sẽ không bao giờ còn gặp lại được họ, nhưng vẫn mang theo cái gánh nặng còng vai đến muôn đời: Gánh nặng của những người "vô phúc, không biết dạy con".

Phía sau những sự vụ gây chấn động xã hội thời gian qua: Ai cảm thông cho nỗi đau của người làm cha mẹ? - Ảnh 5.

Mọi người hay nhầm tưởng rằng cha mẹ luôn mong con cái phải trở thành ông nọ bà kia, phải đạt được thành tựu nào đó để cha mẹ được nở mày nở mặt. Nhưng thực ra đó là điều ngộ nhận. Điều mọi ông bố bà mẹ mong muốn chỉ là con mình sống trên đời cho đến ngày mình nhắm mắt xuôi tay, và sống tốt, không gặp bất kỳ hoạn nạn nào cả. Đó mới là điều mong ước cả đời của người làm cha, làm mẹ.

Cũng đã đến lúc, chúng ta nên xóa bỏ cái định kiến từ bao đời, con hư thì lỗi do cha mẹ. Cha mẹ ban cho chúng ta cuộc sống, được có mặt trên đời, đó đã là một may mắn. Việc bạn trở thành ai, tốt hay xấu, thiện lương hay độc ác, hoàn toàn do thái độ sống và nỗ lực của bạn.

Chữ "hiếu" không thuộc về việc bạn trở thành ai đó có danh vọng trong đời, cũng không phải phụ thuộc việc bạn đi làm kiếm được bao nhiêu, thỉnh thoảng biếu tặng cha mẹ một chút tiền. Chỉ cần bạn sống tốt, có trách nhiệm với bản thân, đó là món quà lớn nhất của sự hiếu thảo bạn dành cho cha mẹ mình.

Phía sau những sự vụ gây chấn động xã hội thời gian qua: Ai cảm thông cho nỗi đau của người làm cha mẹ? - Ảnh 6.

Đôi khi, tôi thích cách sống của người phương Tây ở điểm những đứa trẻ được tự lập từ rất sớm, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Cây non sớm được mang đón gió, sẽ dần trở thành những chiếc cây cứng cáp, vững chãi qua bão tố. Hơn ai hết, hãy cảm ơn cha mẹ bằng cách giản đơn nhưng ý nghĩa nhất: Tự chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình.

Chia sẻ