Phi tần bị Hoàng đế Càn Long lãng quên hơn nửa đời người: Hạ sinh Ngũ a ca Vĩnh Kỳ yểu mệnh, sống thọ nhưng cô đơn ở tuổi xế chiều
Nếu không có Ngũ a ca Vĩnh Kỳ, phần đời còn lại của Du phi đã định sẵn sẽ chìm vào bóng tối.
Nếu nói về những vị hoàng tử xuất sắc dưới thời Hoàng đế Càn Long nhà Thanh, ngoài Thái tử Vĩnh Liễn (con trai đầu lòng của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát thị) và Hoàng tử Vĩnh Diễm (con trai của Lệnh Ý Hoàng Quý phi Ngụy Giai thị, sau trở thành Hoàng đế Gia Khánh) thì chắc chắn ai cũng sẽ nghĩ đến Hoàng tử Vĩnh Kỳ (con trai của Du Quý phi Kha Lý Diệp Đặc thị).
Lúc bấy giờ, Vĩnh Kỳ là vị hoàng tử tài giỏi nhất và được Hoàng đế Càn Long nhất mực yêu thương, chính vì thế Du Quý phi Kha Lý Diệp Đặc thị cũng được hưởng vinh hoa cùng con trai.
Du Quý phi Kha Lý Diệp Đặc thị sinh năm Khang Hi thứ 53 (tức năm 1714), là người Nam Uyển Hải Tử, thuộc Mông Cổ Tương Lam kỳ. Phụ thân của bà là Viên Ngoại Lang Ngạch Nhĩ Cát Đồ. Trong thư tịch Hán, tên gia tộc là Hải thị.
Trong thời kỳ nhà Thanh, gia tộc Kha Lý Diệp Đặc thị (hay Hải thị) không quá hiển hách và cao quý. Xuất thân của Kha Lý Diệp Đặc thị thua xa những nữ nhân khác trong hậu cung Hoàng đế Càn Long bởi Tương Lam kỳ là một trong 5 kỳ thấp nhất và phụ thân của bà cũng không giữ vị trí cao trong triều.
Kha Lý Diệp Đặc thị bước vào Tiềm để (là nơi Hoàng đế ở trước khi đăng cơ), trở thành Cách cách của Bảo Thân vương Hoằng Lịch.
Năm Ung Chính thứ 13 (tức năm 1735), ngày 3 tháng 9 (âm lịch), Bảo Thân vương Hoằng Lịch đăng cơ. Tháng 9 cùng năm, Hoàng đế Càn Long đại phong phi tần, Cách cách Kha Lý Diệp Đặc thị được phong làm Thường tại, thường được gọi là Hải Thường tại. Lúc đó, phân vị này là thấp nhất trong các phi tần đã hầu hạ Hoàng đế từ Tiềm để.
Năm Càn Long nguyên niên (tức năm 1736), Kha Lý Diệp Đặc thị tiếp tục được thăng làm Hải Quý nhân. Trong hậu cung, Hải Quý nhân là một người mờ nhạt và ít nói, bà cũng không hề muốn tranh sủng của những phi tần khác.
Năm Càn Long thứ 6 (tức năm 1741), Hải Quý nhân sinh hạ Ngũ a ca Vĩnh Kỳ. Sau đó, bà được Hoàng đế phong thành Du tần. Tháng 11 cùng năm, Kha Lý Diệp Đặc thị được sắc phong thành Du phi.
Ngũ a ca Vĩnh Kỳ rất thông minh, văn võ song toàn, được Hoàng đế Càn Long yêu thương, thậm chí Hoàng đế còn muốn Ngũ a ca Vĩnh Kỳ kế thừa ngôi vị. Mẫu dĩ tử quý (phú quý của người mẹ dựa vào con cái), nhờ Ngũ a ca Vĩnh Kỳ mà cuộc sống của Du phi càng ổn định hơn.
Tuy nhiên, đến năm Càn Long thứ 30 (tức năm 1765), Ngũ a ca Vĩnh Kỳ mắc bệnh viêm xương tủy có mủ. Đây không phải là bệnh nan y nhưng với y học kém phát triển ngày xưa, tình trạng của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ ngày càng nghiêm trọng hơn. Ba tháng sau khi Hoàng đế phong làm Hòa Thạc Vinh Thân vương thì Ngũ a ca Vĩnh Kỳ qua đời.
Du phi vì mất đi con trai duy nhất nên tinh thần suy sụp nặng nề. Sẽ không quá lời khi nói Ngũ a ca Vĩnh Kỳ chính là trụ cột chống đỡ cho cuộc đời của Du phi. Không có Ngũ a ca Vĩnh Kỳ, phần đời còn lại của Du phi đã định sẵn sẽ chìm vào bóng tối. Du phi đã dành nửa sau cuộc đời trong nỗi cô đơn và ký ức về Ngũ a ca Vĩnh Kỳ. Trong khoảng thời gian đó, Hoàng đế Càn Long cũng không quan tâm đến bà.
Ngoài Uyển Quý phi Trần thị thì Du phi hầu hạ Hoàng đế Càn Long ở Tiềm để lâu nhất. Mặc dù không được sủng ái nhưng vị trí của bà tương đối vững chắc. Sau khi Lệnh Ý Hoàng quý phi Ngụy thị và Khánh Quý phi Lục thị lần lượt qua đời, địa vị của bà trong hậu cung được xem là đứng đầu chúng phi cho tới khi mất.
Du phi sống rất thọ, mất ở tuổi 78 (năm 1792). Sau khi bà mất, nghĩ đến chuyện bà đã hạ sinh Ngũ a ca Vĩnh Kỳ và tình nghĩa hơn 60 năm bên cạnh mình, Hoàng đế Càn Long đã nâng bà thành Quý phi.
Năm Càn Long thứ 58 (tức năm 1793), Du Quý phi được an táng tại Dư lăng Phi viên tẩm.
Du Quý phi ở cạnh Càn Long Đế sau khi lên ngôi hơn 50 năm nhưng không thực sự được sủng ái. Việc phong được tước Phi chủ yếu là do Càn Long Đế yêu thương Ngũ a ca Vĩnh Kỳ chứ không phải thực sự do sủng ái bà.
Nguồn: Sohu, Baidu, KKnews