Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch: Từ lưu ý đến giá cả, nơi nên thực hiện được chuyên gia chia sẻ tường tận

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

TS.BS Phạm Thị Việt Dung mới đây đã có những chia sẻ rất cụ thể về phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch nhằm giúp bố mẹ chuẩn bị mọi thứ tốt nhất trước khi bước vào hành trình đem lại diện mạo mới cho con.

Trong số những dị tật bẩm sinh thường gặp, sứt môi, hở hàm ếch có lẽ là loại dị tật thường gặp hơn cả ở trẻ. Tại Việt Nam, cứ khoảng 700 trẻ em chào đời thì có 1 bé không may mắn bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Dị tật không gây tử vong nhưng nó cũng đáng sợ không kém khi khiến con bạn gặp khó khăn trong ăn uống, giao tiếp và hòa nhập với xã hội.

Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch: Từ lưu ý đến giá cả, nơi nên thực hiện được chuyên gia chia sẻ tường tận - Ảnh 1.

TS.BS Phạm Thị Việt Dung chia sẻ cụ thể những vấn đề liên quan đến phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch.

Nhiều năm trở lại đây, phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch trở thành nhu cầu được nhiều gia đình có con em không may mắn mắc phải quan tâm. Nhiều phụ huynh mong muốn được tìm hiểu kỹ về phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, quy trình thực hiện, lưu ý trong – sau phẫu thuật cũng như nơi uy tín kèm giá cả thực hiện để chuẩn bị tốt nhất hành trang cho con em mình một diện mạo mới tự tin hơn. Trước những vấn đề liên quan đến phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, TS.BS Phạm Thị Việt Dung (Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình - trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai) đã có những chia sẻ vô cùng thiết thực ngay dưới đây!

PV: Sứt môi, hở hàm ếch là tình trạng bệnh lý như thế nào, thường gặp ở độ tuổi nào thưa BS?

TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Khe hở môi, vòm miệng hay sứt môi, hở hàm ếch trong ngôn ngữ đời thường là bệnh lý bẩm sinh, xuất hiện ngay từ khi trẻ trong bụng mẹ với tỷ lệ khá cao 1 trẻ bệnh trên 600-1000 trẻ ra đời. 

Trẻ nam có tỷ lệ mắc 67% cao hơn trẻ nữ 33%. Khe hở môi thường đi kèm khe hở vòm miệng (70%) hoặc cũng có thể xuất hiện đơn lẻ khe hở môi đơn thuần (30%). Trong thời kỳ bào thai, môi và vòm miệng được tạo thành bởi sự hợp nhất lại của nhiều nụ mầm xương sọ mặt. 

Do vậy, khi có rối loạn xảy ra trong quá trình gắn liền giữa các nụ mầm này sẽ tạo ra cấu trúc môi, vòm miệng bất thường với sự xuất hiện của khe hở môi, vòm ở các mức độ và vị trí khác nhau.

Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch: Từ lưu ý đến giá cả, nơi nên thực hiện được chuyên gia chia sẻ tường tận - Ảnh 3.

PV: Phẫu thuật cho trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch trải qua những bước cơ bản như thế nào, xin BS chia sẻ?

TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Phẫu thuật đóng khe hở vòm nhằm phục hồi lại sự liên tục giải phẫu, xóa bỏ sự thông thương bất thường giữa khoang mũi và khoang miệng. Phẫu thuật phải đáp ứng các yêu cầu sau: đóng kín khe hở, đẩy lùi vòm miệng ra sau và thu hẹp được eo họng. Phẫu thuật được tiến hành ở độ tuổi 18-30 tháng. Lứa tuổi này trẻ không quá bé để tiến hành phẫu thuật, các cấu trúc giải phẫu tương đối rõ ràng thuận lợi cho phẫu thuật và đặc biệt đây là thời điểm trẻ bắt đầu tập phát âm. Vòm miệng hồi phục tốt trẻ sẽ ít bị ngọng về sau.

Biến dạng khe hở môi liên quan đến tổ chức phần mềm che phủ và hệ thống xương bên dưới, có thể kéo theo sự sai lệch của cung răng, thiểu sản cung hàm trên gây đẩy lùi hàm trên vào trong (móm). Sự mất liên tục của cơ vòng môi, làm cơ này có vị trí bám lệch lạc gây co kéo biến dạng mũi: thiểu sản cánh mũi, biến dạng đỉnh mũi, nền mũi rộng với cánh mũi bè, trụ mũi vẹo về bên khe hở. Do có nhiều loại hình khe hở môi khác nhau nên lứa tuổi phẫu thuật cũng khác nhau dao động từ 3-12 tháng tuổi. Phẫu thuật gồm chỉnh sửa vị trí bám sai lệch của cơ vòng môi, phục hồi sự liên tục của cơ này, khâu đóng khe hở da môi trên, chuyển vị trí sai lệch của trụ mũi cánh mũi về bình thường. Trong khi chờ đến tuổi phẫu thuật, một số dụng cụ hỗ trợ có thể được sử dụng. Nếu có khe hở cung răng, phẫu thuật ghép xương được tiến hành vào thời điểm 7-8 tuổi. Tình trạng sẹo biến dạng mũi môi sau phẫu thuật có thể chỉnh sửa vào khoảng 14-16 tuổi, kể cả sau tuổi trưởng thành cho đến khi đạt yêu cầu về thẩm mỹ.

Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch: Từ lưu ý đến giá cả, nơi nên thực hiện được chuyên gia chia sẻ tường tận - Ảnh 5.

Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch: Từ lưu ý đến giá cả, nơi nên thực hiện được chuyên gia chia sẻ tường tận - Ảnh 6.

Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch: Từ lưu ý đến giá cả, nơi nên thực hiện được chuyên gia chia sẻ tường tận - Ảnh 7.

PV: Trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch cần lưu ý những gì trước - sau phẫu thuật thưa BS?

TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Trước phẫu thuật, trẻ cần được đảm bảo các yêu cầu cho quá trình gây mê diễn ra an toàn bao gồm: đạt đủ trọng lượng cơ thể, không mắc các bệnh lý nền nặng hoặc các bệnh lý nhiễm trùng... thông thường các bác sĩ sẽ cho trẻ khám sàng lọc trước phẫu thuật. Trong một vài ngày đầu sau phẫu thuật khe hở vòm, trẻ cần được theo dõi tại bệnh viện và nên nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch hoặc bằng bơm thức ăn lỏng qua ống sonde đặt vào dạ dày. Những ngày sau đó trẻ nên được ăn lỏng và nguội để đảm bảo cho quá trình liền vết mổ diễn ra bình thường. Sau khi vết mổ ổn định hơn, trẻ có thể ăn uống bình thường qua đường miệng. Trong suốt 10 ngày đầu sau mổ, trẻ nên được giữ vệ sinh miệng tốt bằng cách súc miệng sạch sau ăn (hoặc cho uống nước với trẻ nhỏ), lau rửa răng miệng bằng gạc và nước sạch. Thời gian sau đó, tùy trường hợp mà trẻ cần được khám và tập phục hồi chức năng phát âm nếu cần thiết. Bố mẹ nên cho con khám lại định kỳ theo hẹn của bác sĩ để biết trẻ có cần can thiệp gì tiếp theo không và khi nào cần thiết.
Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch: Từ lưu ý đến giá cả, nơi nên thực hiện được chuyên gia chia sẻ tường tận - Ảnh 9.

Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch: Từ lưu ý đến giá cả, nơi nên thực hiện được chuyên gia chia sẻ tường tận - Ảnh 10.

PV: Xin BS chia sẻ những biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch là gì ạ?

TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Biến chứng có thể xảy ra bao gồm các tai biến chung khi gây mê như ngộ độc hoặc dị ứng thuốc mê, thuốc tê... Biến chứng do phẫu thuật gồm: chảy máu gây tràn vào đường thở, nhiễm trùng, chậm liền, toác vết mổ… là những biến chứng có thể gặp do phẫu thuật. Tuy nhiên, ekip gây mê và phẫu thuật có kinh nghiệm, làm việc đúng theo quy trình kỹ thuật sẽ hạn chế tỷ lệ biến chứng này.
Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch: Từ lưu ý đến giá cả, nơi nên thực hiện được chuyên gia chia sẻ tường tận - Ảnh 12.

PV: Xin BS gợi ý những địa chỉ tin cậy để phụ huynh đưa con đến làm phẫu thuật tạo hình khi bị sứt môi, hở hàm ếch?

TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc phẫu thuật hàm mặt với đội ngũ phẫu thuật viên được đào tạo chuyên sâu về khe hở môi, vòm và đội ngũ gây mê tốt có thể đảm nhiệm được phẫu thuật này. Theo tôi được biết ở miền Bắc có một số nơi có thể làm tốt phẫu thuật này: Bệnh viện Việt Nam Cu Ba, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… Một số cơ sở Tạo hình khác hoặc khoa Răng Hàm Mặt của một số bệnh viện tỉnh hiện cũng đã triển khai thường quy các phẫu thuật đóng khe hở môi, vòm.

Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch: Từ lưu ý đến giá cả, nơi nên thực hiện được chuyên gia chia sẻ tường tận - Ảnh 14.

PV: Chi phí của phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch thường vào khoảng bao nhiêu ạ?

TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Chi phí phẫu thuật không quá đắt, thường dao động trung bình từ 5-20 triệu tùy tình trạng bệnh nhân, tùy bệnh viện, số ngày nằm viện, dịch vụ yêu cầu… Tuy nhiên, khi bệnh nhân phẫu thuật theo bảo hiểm đúng tuyến, chi phí bệnh nhân phải trả có thể ít hơn nhiều.
Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch: Từ lưu ý đến giá cả, nơi nên thực hiện được chuyên gia chia sẻ tường tận - Ảnh 16.

Xin cảm ơn chuyên gia đã dành thời gian chia sẻ với độc giả!