Phát hoảng với các mẹ “trưng” ảnh hỏi bệnh của con trên diễn đàn

Nhã Đan,
Chia sẻ

Thời đại hiện đại khiến nhiều chị em dùng công nghệ để bắt bệnh, chẩn đoán bệnh cho con. Các mẹ cho rằng hỏi bệnh trên Facebook vừa nhanh chóng vừa khỏe, đỡ phải đưa con đi khám, đứng chờ xếp hàng.

Rung đùi chờ chẩn đoán bệnh con từ... Facebook

Khi thấy con có lốm đốm những vết mụn đỏ dưới cánh tay, ban đầu chị Thùy Chi (Bình Thạnh, TP HCM) cho rằng bé Sóc (15 tháng tuổi) bị muỗi đốt nhưng sau khi thấy vết mụn ngày càng lan ra thành đám trên da, rồi Sóc có dấu hiệu sốt, ho, theo thói quen, chị up ảnh rồi trưng hình đám mụn của con lên Hội chăm con trên Facebook. Rồi chị ngồi rung đùi chờ các "chuyên gia" trả lời như thường lệ. 

Quả nhiên sau vài phút chị đã có vài gợi ý cho mình: có mẹ cho rằng "con bị dị ứng thời tiết rồi, cứ để đấy, tự nhiên rồi sẽ khỏi", có mẹ lại bảo "con bị sốt phát ban rồi, ra hiệu thuốc mua 1 liều về uống là khỏi". 

Yên tâm vào những lời khuyên trên diễn đàn và bản năng làm mẹ của mình, chị Chi chạy đi mua thuốc chữa sốt phát ban cho Sóc uống. Thế nhưng sang ngày thứ 2, tình hình bé không đỡ chút nào thậm chí bệnh còn chuyển biến nặng hơn khi mụn chuyển thành những bóng nước li ti dày đặc trên tay, chân. Nhìn con khóc, sốt phừng phừng chị mới đành đưa con vào viện.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bé bị thủy đậu chứ không đơn giản chỉ là phát ban như chị Chi và các “chuyên gia” trên diễn đàn nhận xét. Bác sĩ khẳng định rằng nếu chị đưa bé tới viện chậm thêm một chút thì khả năng bé bị biến chứng nhiễm trùng là rất lớn. 

Hoặc trường hợp thấy con bị phỏng dạ, chị Giang (Mỹ Đình, Hà Nội) hồn nhiên hỏi các chuyên gia trên trên một vài diễn đàn, rồi mạng xã hội Facebook và chị cũng an tâm kiêng tắm cho bé, chị nghe theo đa số lời các bà mẹ khác chia sẻ kinh nghiệm rằng: "Da bé đang bị tổn thương nên phải kiêng nước, kiêng tắm". Thế nhưng sau 4 ngày, hậu quả là bệnh của bé ngày càng nặng, bé bị máu nhiễm khuẩn.

Phát hoảng với các mẹ “trưng” ảnh hỏi bệnh của con trên diễn đàn 1
Bác sĩ Dũng khuyên cha mẹ nên là người có trình độ, bình tĩnh, tỉnh táo, tìm hiểu thông tin từ những người không có chuyên môn xung quanh (Ảnh: Chí Toàn)

Đến bệnh viện, chị ái ngại khi bác sĩ tỏ ra ngạc nhiên hỏi: “Tôi cứ tưởng đây chỉ là cách chăm con của các mẹ của thế hệ trước chứ”. Nghe bác sĩ giải thích, chị mới biết được mình hoàn toàn sai lầm khi kiêng tắm cho bé trong hoàn cảnh này, việc kiêng tắm đã khiến vi khuẩn trên người bé càng phát triển mạnh, chúng khiến bé bị ngứa ngáy, khó chịu và khi bé gãi sẽ khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập thẳng và gây nhiễm trùng ngay tại chỗ đó. 

Bé Tot nhà chị Thuận (Cầu Giấy, Hà Nội) được bố mẹ đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, sau khi tiến hành thăm khám và làm hàng loạt xét nghiệm, chị không tin vào tai mình khi các bác sĩ thông báo là Tot bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Chị khăng khăng đề nghị bác sĩ phải kiểm tra lại vì chị nghĩ có sự nhẫm lẫn nào đó ở đây, chị đưa ra hàng loạt dẫn chứng là "Bác sĩ ơi, sao lại thế được, bé nhà em chỉ bị sốt, tiêu chảy, thêm vào đó các mẹ trên Facebook chẳng ai bảo bị nhiễm khuẩn cả". 

Chị sụt sùi nhớ lại: “Khổ thân Tot, đúng là dạo này mình thường thấy con hay sờ chim, hỏi bệnh trên Facebook, mình được các mẹ bảo cách và mình lại áp dụng biện pháp dọa nạt và đánh không ngờ con bị bệnh nên mới vậy”.

Cũng không ít các bà mẹ vì ngại đưa con đến viện hoặc quá tin tưởng vào kinh nghiệm của các tiền bối đi trước cho nên các chị mạnh bạo chụp ảnh vùng kín của con upload lên mạng xã hội cùng với một vài dòng mô tả dấu hiệu để mong tìm kiếm được những lời tư vấn chữa bệnh nhanh nhất cho con. Chia sẻ quan điểm của mình về hiện tượng này, chị Linh Lan (Khương Đình - Hà Nội) cho biết: "Tôi không hiểu tại sao con bị nấm trắng toát cả hậu môn, hoặc bao quy đầu của bé sưng vù mà các chị vẫn kiên cường ngồi chụp và up ảnh nhạy cảm đó của con lên diễn đàn để mong tìm cách chữa trị bệnh. Thậm chí có những chị còn upload nguyên cả ảnh chất thải ban sáng của con lên chỉ để hỏi 'như thế này đã ngon lành chưa'. Trong khi điều cần phải làm là các chị nên đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tôi cũng là một bà mẹ có con nhỏ, cũng cần học hỏi kinh nghiệm nhiều từ các chị đi trước. Tuy nhiên tôi không đồng tình với kiểu 'tham khảo' thế này một là vì có bệnh cần phải được điều trị khoa học, hai là những hình ảnh của các chị up lên diễn đàn có thể tiềm ẩn vài điều không tốt về mặt văn hóa ứng xử đối với cộng đồng mạng".

Cha mẹ nên là người có trình độ, tỉnh táo

Phụ huynh có con nhỏ quan tâm đến sức khoẻ của con trẻ là điều hết sức cần thiết, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm của các chị em khác trên các diễn đàn, Facebook thì chưa đủ. Đúng là hiện nay có một bộ phận không nhỏ chị em lạm dụng các hội, nhóm trên Facebook để bắt bệnh cho con. 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai cho rằng vì thiếu hiểu biết, không ít cha mẹ đã suýt khiến con gặp họa, khiến bệnh tật của con ngày càng trầm trọng hơn, thậm chí gây ảnh hưởng lớn tới tính mạng của trẻ. 

Bác sĩ cho rằng để chẩn đoán đúng bệnh cho một bệnh nhân thì người bác sĩ cần phải dựa vào rất nhiều thứ: kinh nghiệm, những thông tin từ cha mẹ, sự thăm khám, rồi qua thiết bị máy móc, các xét nghiệm... Vì vậy, nếu cha mẹ chỉ bắt bệnh cho con đơn giản qua việc chụp ảnh rồi post lên diễn đàn, lên Facebook thì để ra được vấn đề của con là việc làm hi hữu, nếu đúng là điều may mắn. Thêm vào đó, trên mạng xã hội thì 9 người 10 ý, việc lọc ra thông tin đúng, phù hợp cho mình là điều cũng không đơn giản.

Đúng là hiện tại có nhiều kênh thông tin cho bậc phụ huynh về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho con song người mẹ, người bố cần phải là người có chuyên môn, có đầu óc tỉnh táo, nếu chỉ nghe vô tội vạ những lời khuyên từ kinh nghiệm bản thân của người khác thì vô tình cha mẹ đã đặt tính mạng của con vào tình huống nguy hiểm. Bác sĩ Dũng khuyên cha mẹ nên là người có trình độ, bình tĩnh, tỉnh táo, tìm hiểu thông tin từ những người không có chuyên môn xung quanh. 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyên chị em rằng mùa hè nắng nóng như hiện nay chứa rất nhiều tác nhân gây bệnh khiến trẻ bị lây nhiễm, mang mầm bệnh. Mỗi khi thấy con mình sốt dù là nhẹ, cha mẹ cũng không nên chủ quan mà cố gắng sát sao theo dõi tiến trình, diễn biến của bệnh. Đặc biệt khi trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, ăn kém, ngủ khó thì bậc phụ huynh không nên chần chừ mà hãy đưa trẻ đi khám bệnh



Có nhiều bậc phụ huynh phạm sai lầm trong việc chăm sóc con mà họ không hề hay biết.
Phát hoảng với các mẹ “trưng” ảnh hỏi bệnh của con trên diễn đàn 2
Chia sẻ