Phát hiện "khắc tinh" của Covid-19 ở lạc đà cừu, chống lại biến chủng Alpha, Delta

Anh Thư,
Chia sẻ

Nghiên cứu mới từ Đức khẳng định họ đã phát triển thành công các kháng thể nano có thể ngăn chặn được cả các biến chủng "thoát miễn dịch" của SAR-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Trong nghiên cứu "Trung hòa SARS-CoV-2 bằng các kháng thể nano có khả năng chịu đột biến, siêu ổn định và mạnh mẽ" vừa công bố trên The EMBO Journal, nhóm nghiên cứu từ viện Max Planck về Hóa lý sinh học (MPI) và Trung tâm Y tế Đại học (UMG) ở Göttingen (Đức) đã mô tả cách thức 45 thể nano đặc biệt mà họ phân lập được từ hệ miễn dịch của các con lạc đà cừu Nam Mỹ (lạc đà alpaca) chống lại virus gây bệnh Covid-19.

Phát hiện khắc tinh của Covid-19 ở lạc đà cừu, chống lại biến chủng Alpha, Delta - Ảnh 1.

Các kháng thể nano được phân lập từ lạc đà cừu có thể chống lại nhiều biến chủng đáng sợ của SARS-CoV-2 - Ảnh: MPI - UMG

Theo Gene News, các kháng thể nano, hay còn gọi là kháng thể đơn miền, nhỏ hơn và đơn giản hơn các kháng thể thông thường nhưng có tiềm năng rất lớn. Các kháng thể nano trong nghiên cứu này được cho là có thể liên kết và vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 tốt hơn tới 1.000 lần so với các kháng thể nano đã được phát triển trước đó tới 1.000 lần, và đặc biệt là có hiệu quả cao đối với các "đột biến thoát miễn dịch" như K417N/T, E484K, N501Y và L452R được tìm thấy trong các dòng Alpha, Beta, Gamma, Epsilon, Iota và Delta/Kappa.

Giáo sư Matthias Dobbelstein, Giám đốc Viện Ung thư phân tử của UMG, các kháng thể nano này có thể chịu được nhiệt độ lên tới 95 độ C mà không bị mất chức năng hay kết tụ, do sẽ rất dễ đưa vào sản xuất, tạo nên một phương thuốc điều trị dễ sản xuất, dễ xử lý và bảo quản.

Cách để cơ thể con người tiếp nhận các vật thể nano này sẽ khá đơn giản: có thể hít vào và trung hòa virus trực tiếp cho đường hô hấp hay được đưa vào cơ thể bằng nhiều con đường khác, bởi vì chúng rất nhỏ nên dễ xâm nhập vào các mô và trung hòa virus.

Các nhà nghiên cứu đã trích xuất khoảng 1 tỷ phiên bản các thể nano từ máu của các con lạc đà cừu để chọn ra những cái tốt nhất. Hiện nghiên cứu vẫn đang nằm ở bước thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và đạt được những kết quả khả quan ban đầu. Nhóm nghiên cứu đang nỗ lực đẩy nhanh công trình để tiến tới các thử nghiệm cao hơn, sớm tạo ra một phương thuốc phù hợp để đưa vào ứng dụng.

Ngoài ra, các tác giả còn cấy vào một số con lạc đà cừu được tuyển chọn một phần protein đột biến của SARS-CoV-2, biến cơ thể chúng trở thành những "nhà máy sống" để thử tạo ra kháng thể chống lại các đột biến mới. "Nếu các kháng thể nano của chúng tôi trở nên không hiệu quả trong tương lai, chúng tôi có thể lặp lại quy trình này ở lạc đà cừu. Chúng sẽ rất nhanh chóng tạo ra kháng thể mới chống lại những biến thể mới" – tiến sĩ Thomas Güttler từ MPI cho biết trên Sci-Tech Daily.

Chia sẻ