Phát hiện có bầu 4 tuần nhưng chủ quan đến tháng thứ 5 mới đi siêu âm, bà mẹ ngất lịm khi nghe thông báo từ bác sĩ
Vậy mới thấy sự cần thiết của việc đi siêu âm và theo dõi sức khỏe của thai nhi trong suốt thai kỳ 9 tháng 10 ngày.
Chị Jasmine Self (24 tuổi) ở Florence, South Carolina (Mỹ) phát hiện mình mang bầu từ tháng 4 năm 2018, khi đó thai nhi mới được 4 tuần. Tuy nhiên, vì chủ quan nên Jasmine không đến gặp bác sĩ hay thăm khám gì trong suốt 4 tháng sau đó. Phải đến tháng thứ 5 của thai kỳ, tức tháng 8/2018, Jasmine mới chịu đi siêu âm nhưng lúc này bác sĩ đã thông báo một tin sét đánh khiến cô và bạn trai Rondell Wilson chết lặng người.
Jasmine tỏ ra vô cùng ân hận: "Tôi phát hiện ra mình có thai vào tháng 4, tôi đã không đến gặp bác sĩ cho đến tháng 8 và rồi mọi thứ đã quá muộn. Tôi thấy bác sĩ thở một hơi dài thượt và nói rằng con tôi không có chân tay. Tôi chỉ nhìn chằm chằm và bác sĩ hỏi tôi có hiểu không, sau đó tôi mới bắt đầu khóc. Tôi hỏi bác sĩ liệu tôi có làm điều gì sai, rằng đó có phải là lỗi của tôi không vì tôi đã không đến khám trong vài tháng".
Hội chứng Tetra-amelia là một rối loạn rất hiếm gặp, đứa trẻ sinh ra mà không có bất kỳ chi nào, căn bệnh này chỉ được ghi nhận ở một vài gia đình trên thế giới.
Thai nhi trong bụng Jasmine mắc hội chứng tetra-amelia - có thể hiểu đơn giản là trẻ khuyết tật cả bốn chi, mắc dị tật nghiêm trọng trên khuôn mặt, tim, hệ thần kinh, bộ xương và bộ phận sinh dục.
Hội chứng Tetra-amelia là một rối loạn rất hiếm gặp, đứa trẻ sinh ra mà không có bất kỳ chi nào, căn bệnh này chỉ được ghi nhận ở một vài gia đình trên thế giới, theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Tình trạng này là do đột biến gen trong một phần của DNA đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, hầu hết trẻ sơ sinh mắc hội chứng này đều chết trước hoặc ngay sau khi sinh. Vì vậy con của Jasmine cũng có rất ít cơ hội sống sót.
Sau khi được khuyên chấm dứt thai kỳ, Jasmine và bạn trai Rondell Wilson đã quyết định không từ bỏ đứa con của họ.
Jasmine kể: "Các bác sĩ của tôi đã đưa ra và giải thích cụ thể các lựa chọn cho tôi và nói với tôi rằng có khả năng em bé sẽ không thể sống được đến lúc chào đời và cũng có thể bị sinh non. Bạn trai của tôi đã nói về việc chấm dứt thai kỳ, thậm chí còn đặt lịch ở Washington nhưng sau đó chúng tôi lại quyết định tiếp tục mang thai".
Mặc dù thai kỳ của Jasmine diễn ra tương đối suôn sẻ, nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ khi đến ngày 29 tháng 9, tuần thứ 29 của thai kỳ, nhau thai của cô đột ngột tách ra khỏi thành tử cung. Điều này có thể dẫn đến chảy máu nội bộ nghiêm trọng ở người mẹ, cũng như cắt đứt nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng của em bé. Cậu bé RJ Wilson chào đời chỉ nặng 1kg và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt suốt 2 tháng sau đó.
Bất chấp tất cả những sự đoán của bác sĩ và cả những rủi ro đã được tính trước, cậu bé RJ Wilson dũng cảm vẫn phát triển bình thường cho đến hiện tại.
Khám thai định kỳ là việc làm hết sức cần thiết nhằm theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi, sức khỏe của thai phụ và kịp thời phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, những biến chứng có thể xảy ra khi mang thai và sinh nở.
Khám thai định kỳ giúp bác sĩ phát hiện các dị tật bẩm sinh thông qua việc siêu âm, xét nghiệm để từ đó có cách xử trí kịp thời.
Trong 6 tuần đầu, thai phụ cần siêu âm thai để biết được tuổi thai, kích cỡ thai, tim thai, ngày dự sinh và biết được thai đã di chuyển vào tử cung hay chưa.
Thông qua đầy đủ 8 lần siêu âm tiếp theo ở các mốc quan trọng:
Khi thai 15-19 tuần sẽ giúp đánh giá sự phát triển của thai.
Thai 20-22 tuần giúp theo dõi sự phát triển của thai và phát hiện những bất thường về hình thái thai.
Thai 24-26 tuần để đánh giá sự phát triển của thai.
Thai 28-30 tuần giúp đánh giá sự phát triển của thai, phát hiện những dấu hiệu bất thường của mẹ ảnh hưởng đến thai nhi như tiền sản giật, nhiễm độc thai nghén.
Thai 32-34 tuần giúp theo dõi sự phát triển của thai, theo dõi tình trạng ối, xác định vị trí rau bám và ngôi thai.
Thai 35-36 tuần nhằm theo dõi sự phát triển của thai, tình trạng nước ối, xác định ngôi thai và tư vấn dự kiến nơi sinh.
Thai 37-38 tuần sẽ giúp đánh giá sự phát triển của thai, theo dõi tình trạng nước ối, xác định ngôi thai, chuyển viện làm hồ sơ sinh.
Thai 39-40 tuần giúp theo dõi thai, tình trạng nước ối, ngôi thai và tư vấn dấu hiệu chuyển dạ. Kết hợp với việc siêu âm thì xét nghiệm cũng rất quan trọng.
(Nguồn: Daily Mail)