Phân biệt đậu mùa khỉ và thủy đậu thế nào khi đều có bóng nước trên da?
Với biểu hiện chung là đều có bóng nước trên da, nhiều người không phân biệt được đâu là bệnh đậu mùa khỉ, đậu mùa hay thủy đậu. Biết được dấu hiệu phân biệt giữa 3 bệnh này là cần thiết khi nước ta đứng trước nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập.
Tại buổi tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và giám sát bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 28-7 ở TP.HCM, BS.CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa (khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) cho rằng người dân còn khó phân biệt, dễ nhầm lẫn giữa ba loại bệnh: đậu mùa khỉ (Monkeypox), đậu mùa (Smallpox) và thủy đậu (Chickenpox).
"Nhân viên y tế phân biệt được nhưng người dân thì không phân biệt được. Nghe tên bệnh đều có từ "đậu" nhưng không biết bệnh gì, nguy hiểm như thế nào, vắc xin phòng bệnh ra sao", bác sĩ Hoa nhận định.
Phân biệt ba loại bệnh này, bác sĩ Hoa cho biết, bệnh đậu mùa đã loại bỏ toàn cầu từ năm 1980. Bệnh thủy đậu hiện vẫn còn gặp nhiều ca bệnh. Và bệnh đậu mùa khỉ thì đang lưu hành ở 76 quốc gia trên thế giới, chưa ghi nhận tại Việt Nam.
Về tác nhân gây bệnh, bệnh đậu mùa khỉ và đậu mùa có liên quan với nhau, đều thuộc họ Poxviridae và nhóm Orthorpoxvirus. Nhưng bệnh đậu mùa lây từ người sang người; còn đậu mùa khỉ, không những lây từ người sang người mà còn qua khỉ.
Còn thủy đậu thuộc họ Human, nhóm Herpesviridae, lây từ người sang người. Bệnh này đang lưu hành và có vắc xin phòng bệnh nhưng không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mà phải tiêm dịch vụ.
"Hiện vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ chưa có, nhưng có thể dùng vắc xin của đậu mùa, có thể tạo miễn dịch phòng bệnh đậu mùa khỉ với hiệu quả 85%", bác sĩ Thúy Hoa thông tin thêm.
Bảng phân biệt chi tiết giữa ba loại bệnh: đậu mùa khỉ (Monkeypox), đậu mùa (Smallpox) và thủy đậu (Chickenpox) - Ảnh: X.MAI chụp lại
Về thời gian ủ bệnh, bác sĩ Thúy Hoa cho hay cả ba loại bệnh này đều giống nhau là 5 - 21 ngày. Triệu chứng bệnh cũng giống nhau, với các biểu hiện sốt, đau cơ, đau đầu, có sang thương ở da, niêm mạc (ban đầu xuất hiện hồng ban, đến sẩn, bóng nước, và cuối cùng là đóng mày khô).
Điểm khác biệt giữa bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu là vị trí bóng nước, hạch, vết sẹo. Cụ thể, với bệnh đậu mùa khỉ thì bóng nước từ mặt rồi lan ra cơ thể, hạch sưng to, vết sẹo sâu; còn thủy đậu thì bóng nước từ thân lan ra, ít khi có hạch sưng to, vết sẹo nông.
Đối với việc chẩn đoán và mức độ nặng, lây lan: bệnh đậu mùa khỉ được chẩn đoán qua thực hiện PCR Monkeypox virus từ sang thương, mức độ lây lan ít, tỉ lệ tử vong 3-6%. Còn thủy đậu được thực hiện qua PCR VZR từ sang thương bóng nước, mức độ lây lan cũng ít, tỉ lệ tử vong thấp.
"Trong đợt dịch COVID-19, chúng ta phải khai báo y tế, cách ly. Việc này đã gây nhiều phiền hà, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế người dân. Số ca bệnh đậu mùa khỉ phát hiện và tăng nhiều từ tháng 5 đến tháng 7-2022 nhưng không đến nỗi như dịch COVID-19. Do đó, mọi công tác giám sát cũng "nhẹ nhàng" và không được kỳ thị bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ", bác sĩ Thúy Hoa chia sẻ.