Phải vô cảm để tránh bị lừa?

Theo VOV,
Chia sẻ

Không ít lần người ta bắt gặp những người tàn tật ăn xin, hành khất đáng thương hôm nào, bỗng một ngày đẹp trời lại đi lại bình thường, thậm chí “chém gió” nhậu nhẹt ở đâu đó rất…hoành tráng!?

Phải vô cảm để tránh bị lừa? 1

Hằng ngày, bạn có thể bỏ ra dăm, bảy ngàn bố thí cho những người ăn xin, hay làm phúc cho những mảnh đời bất hạnh. Thế rồi một ngày kia bạn phát hiện ra kẻ ăn xin đó đâu phải khốn khó gì, chỉ là đội lốt, giả vờ, hay mảnh đời ấy thực ra không hẳn đã bất hạnh, mà chỉ là diễn kịch. Tất nhiên bạn sẽ cảm thấy bực tức, phẫn nộ và quan trọng hơn bạn đã mất lòng tin.

Ở ngã tư nọ, cứ chiều chiều lại thấy một người mẹ trẻ bồng đứa con nhỏ oặt ẹo đói khát ngửa tay xin ăn, xin tiền để mua sữa cho đứa bé đang đói lả. Hình ảnh đó rất dễ nhận được sự thương cảm của người khác. Và bằng cách đó, “mẹ con họ” dễ dàng có thu nhập đều đặn qua một thời gian dài. Thế nhưng, 2-3 năm trôi qua, đứa trẻ đó không hiểu sao chẳng lớn, cứ vẫn ẵm ngửa trên tay người phụ nữ đáng tội nghiệp kia?

Và nữa, không ít lần người ta bắt gặp những người tàn tật ăn xin, hành khất đáng thương hôm nào, bỗng một ngày đẹp trời lại đi lại bình thường, thậm chí “chém gió” nhậu nhẹt ở đâu đó rất…hoành tráng!?

Câu chuyện gần đây của cư dân mạng chia sẻ về “vở kịch” diễn xuất rất đạt của một nhóm người ngay trên đường phố Hà Nội càng khiến niềm tin, lòng trắc ẩn của con người bị tổn thương ghê gớm.

“Nhân vật chính” của vở kịch bỗng dưng ngất xỉu trên phố, ngay lập tức 2 người tốt xuất hiện vội vàng đến hỏi han, giúp đỡ. Và kịch bản là nhân vật chính kia có con đang nằm viện mà không có tiền, anh ta đã phải vét những đồng xu cuối cùng mua thuốc, nộp viện phí cho con nên đành phải nhịn ăn đến đói lả và ngất ra đường. Cảm thông, chia sẻ, 2 người tốt này lập tức móc ví, người thì 200 ngàn, kẻ thì 100 ngàn giúp đỡ nhân vật chính. Đám đông vây quanh cũng động lòng trắc ẩn, mỗi người góp một chút, chẳng mấy cũng được một khoản không nhỏ.

Đúng lúc ấy, cô bán hàng rong đi qua nhìn thấy buột miệng: “Ơ chú này vừa ngất ở đằng kia bây giờ lại ngất tiếp ở đây à? Lại là hai cậu này đỡ dậy à?” Đoàn kịch đang kiếm khá, bị phá bĩnh liền nổi đóa: “Con kia, việc của mày à? Có muốn ăn đòn không?” Vậy là cô gái đành bơ đi im bặt.

Đám đông còn lại lơ ngơ, hiểu ra chuyện thì nhóm diễn viên đã mất hút không thấy đâu. Biết bị lừa, một vài người tặc lưỡi bỏ đi, số khác văng tục vài câu cho bõ tức.

Mất tiền, bực bội, chửi thề…nhưng rồi nhiều người cũng nhanh chóng quên đi câu chuyện này. Song điều nguy hiểm hơn là con người ta không còn biết tin vào điều gì nữa khi thật giả, trắng đen lẫn lộn.

Giả sử gặp lại tình cảnh tương tự liệu còn ai dừng lại, ra tay giúp đỡ không? Và chúng ta bỗng chợt giật mình, nếu có người thật sự cần giúp đỡ, người thân, bạn bè của chính mình bị ngất xỉu, hay gặp nạn trên đường thì sẽ thế nào?

Khách quan mà nói, không phải chúng ta thiếu đi lòng tốt, cũng không phải con người muốn đối xử với nhau không có tình. Ai cũng muốn được sống trong một môi trường trong lành, nơi con người cư xử thân ái với nhau, sự tử tế được đền đáp chứ không phải càng tử tế càng thiệt thòi, dễ bị lừa phỉnh, qua mặt hay bị vạ lây.

Muốn có được xã hội tốt đẹp đó cần rất nhiều thứ nuôi dưỡng niềm tin trong con người. Nhưng nếu như cái xấu, sự giả dối, những vụ lợi, bon chen, tham lam vẫn được dung dưỡng để lấn át, rồi sinh sôi nảy nở đầy rẫy trong đời sống xã hội thì nhiều người sẽ buộc phải chọn cho mình biện pháp an toàn là sống vô cảm như một kỹ năng để… tồn tại!?./.

Chia sẻ