Phải cách ly vì cơ thể nhiễm phóng xạ do điều trị ung thư tuyến giáp, cô gái trẻ muốn trở thành nguồn cảm hứng cho mọi người

HN,
Chia sẻ

Bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì tôi chạm vào, bao gồm cả vật nuôi, sẽ bị nhiễm phóng xạ và gây tổn hại đến chức năng tuyến giáp khỏe mạnh của họ.

Trải nghiệm đáng sợ đầu tiên

Olivia Robles, ở Ventura, bang California (Mỹ), phát hiện một cục u không đau, có kích thước bằng chanh ở cổ vào năm 19 tuổi. Cô gái trẻ được đưa đến một phòng khám hỗ trợ chăm sóc khẩn cấp để xét nghiệm và đã trải qua 12 giờ xét nghiệm chuyên sâu để tìm ra nguyên nhân gây khối u.

Olivia nhớ lại trải nghiệm ấy: "Đầu tiên, tôi đến một phòng khám hỗ trợ chăm sóc khẩn cấp, sau đó được chuyển đến phòng cấp cứu, nơi họ tiến hành nhiều xét nghiệm. Tôi đã rất lo lắng, sợ hãi, cô đơn và không thực sự nhớ chính xác những xét nghiệm mà họ đã làm.

Tôi đã ở đó hơn 12 giờ, vì vậy có vẻ như họ đã tìm hiểu rất nhiều về khối u nang bí ẩn của tôi, nhưng họ lại không làm sinh thiết. Tôi hỏi nó có phải là ung thư không và các bác sĩ đáp: 'Chúng ta không thể nói rằng đây không phải là ung thư', khiến thần kinh tôi chẳng dịu đi được bao nhiêu".

Phải cách ly vì cơ thể nhiễm phóng xạ do điều trị ung thư tuyến giáp, cô gái trẻ muốn trở thành nguồn cảm hứng cho mọi người - Ảnh 1.

Olivia Robles, ở Ventura, bang California (Mỹ), phát hiện một cục u không đau, có kích thước bằng chanh ở cổ vào năm 19 tuổi.

Sau trải nghiệm kinh hoàng này, các bác sĩ kết luận khối u vô hại và chẩn đoán Olivia bị dị tật bẩm sinh có tên. Họ cam đoan, cô có thể phẫu thuật để loại bỏ nó bất cứ lúc nào, hoặc cứ để vậy nếu nó không gây phiền phức gì.

Olivia đã hoãn cuộc phẫu thuật trong vài năm, cho đến khi mẹ nói với cô rằng hãy "làm một lần cho xong" vào năm cuối đại học.

Olivia đã trải qua ca phẫu thuật đầu tiên vào 23/12/2015 và rất vui khi phát hiện ra cô không bị đau gì nhiều. Cô gái trẻ hồi phục dễ dàng và ra ngoài mua sắm vài ngày sau đó.

Cơ thể bị nhiễm xạ, tôi bị cách ly nghiêm ngặt

Một ngày, Olivia nhận được cuộc gọi của bác sĩ. Cô kể: "Ông ấy nói đơn giản thế này: 'Chúng tôi đã tìm thấy các tế bào ung thư, có nguồn gốc từ tuyến giáp của cô và cô sẽ cần phải quay lại viện ngay lập tức để cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp'. Tôi cảm thấy linh hồn rời khỏi cơ thể mình. Tôi đã ở trong tình trạng sốc nặng như vậy đó".

Sau đó Olivia trải qua một cuộc phẫu thuật thứ hai, đau đớn hơn, có tên là "phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp".

Tiếp nối 6 tuần phục hồi, Olivia được điều trị bằng i-ốt phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư siêu nhỏ sau phẫu thuật. Cô được hướng dẫn uống một viên thuốc và bị buộc phải cách ly vì sợ ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Olivia chia sẻ: "Tôi uống thuốc và ngay lập tức cơ thể bị nhiễm xạ. Điều này nghe có vẻ ngầu hơn so với thực tế. Tôi không phát sáng màu xanh lá cây, không có siêu năng lực, tôi thậm chí không có bất kỳ giấc mơ hay bất cứ điều gì.

Tôi đã vô cùng choáng váng và thất vọng khi biết rằng mình phải tuân theo rất nhiều quy tắc với tư cách một người nhiễm xạ. Sau mỗi lần thăm khám, mẹ và tôi phải lái xe về nhà trong những chiếc xe riêng biệt. Tôi phải ở trong phòng một mình suốt 3 ngày. Bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì tôi chạm vào, bao gồm cả vật nuôi, sẽ bị nhiễm phóng xạ và gây tổn hại đến chức năng tuyến giáp khỏe mạnh của họ. Tôi phải cẩn thận với bất kỳ chất dịch cơ thể nào như mồ hôi và nước bọt, giặt quần áo cũng phải rất thận trọng và sử dụng đĩa giấy.

Bố mẹ đưa thức ăn đến cửa phòng ngủ của tôi. Bất kỳ loại rác nào tôi thải ra phải được xử lý cẩn thận và riêng biệt. Tôi đã phải làm sạch nhà vệ sinh bằng một chất đặc biệt là không làm nhiễm bẩn hệ thống tự hoại hoặc nước thải".

Olivia được điều trị bằng i-ốt phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư siêu nhỏ sau phẫu thuật.

Lần trải nghiệm đau đớn nhất

Đến 10/2018, Olivia đã hồi phục tốt và tiếp tục gặp bác sĩ chuyên khoa để theo dõi lượng hormone máu tuyến giáp tổng hợp của mình. Tuy nhiên, trong một lần kiểm tra sau đó, kết quả siêu âm cho thấy có thêm một khối khác đang lớn dần lên. Khối này ở cùng một bên cổ như trước đây, và được mô tả là có kích thước ngang một quả nho.

Olivia bình luận: "Chẳng cần làm thêm xét nghiệm, trực giác mách bảo rằng đây không phải tin tốt". Cô trải qua ca phẫu thuật thứ ba để loại bỏ khối tăng trưởng đó vào ngày Valentine năm 2019 và đây chính là lần trải nghiệm đau đớn. "Chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật và quyết định không xạ trị thêm. Bác sĩ cắt bỏ khoảng hai mươi hạch bạch huyết từ bên trái cổ tôi, đến tận tai, quanh hàm và qua xương đòn. Đây là cuộc phẫu thuật đau đớn nhất trong tất cả. Tôi không thể nằm xuống hoặc tự ngồi dậy vì chuyển động đó sử dụng cơ cổ, mà cơ cổ của tôi lại không hoạt động. Tôi bị tê rất nhiều ở tai và xương đòn, dây thần kinh bị tổn thương theo cách khiến nụ cười của tôi hoàn toàn biến dạng. Bác sĩ không chắc chắn liệu những chức năng đó có trở lại hay không, nhưng may mắn thay, tôi đã làm được".

Olivia đã lấy lại được cảm giác trên khuôn mặt và có thể mỉm cười như bình thường. Cô không còn bệnh ung thư trong hơn 1 năm và gần đây đã tổ chức lễ kỷ niệm với một bữa tiệc mới "tiệc mừng ung thư" với bạn bè và gia đình.

Phải cách ly vì cơ thể nhiễm phóng xạ do điều trị ung thư tuyến giáp, cô gái trẻ muốn trở thành nguồn cảm hứng cho mọi người - Ảnh 3.

"Tôi muốn trở thành nguồn cảm hứng"

Cô gái 25 tuổi, hiện là người mẫu kiêm tiếp viên hàng không, thường nhận được những câu hỏi và bình luận về những vết sẹo của mình. Olivia thay đổi câu trả lời tùy thuộc vào việc cô có cảm thấy tự tin hay không, đôi khi giải thích về bệnh ung thư tuyến giáp và đôi khi chỉ nói rằng cô đã phẫu thuật. 

Olivia hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người bị ung thư khác qua câu chuyện của mình: "Tôi muốn trở thành nguồn cảm hứng cho những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, hoặc trong những tình huống thảm khốc khác, những người có thể cảm thấy như cuộc sống của họ tan tành rồi. Tôi hy vọng mình có thể cho người đó hy vọng rằng, đúng là cuộc sống của bạn có thể sụp đổ theo một số cách nhất định, nhưng điều đó cũng có nghĩa là: bạn có thể ráp nó trở lại với nhau theo cách đẹp đẽ hơn so với lúc ban đầu".

Điều trị i-ốt phóng xạ là gì?

Phương pháp iốt phóng xạ được dùng nhiều trong việc điều trị các bệnh liên quan đến nhược giáp, cường giáp, basedown, bướu cổ… khi bệnh đã tiến triển vào giai đoạn nặng bị ung thư.

Các tinh thể ion phóng xạ khi đi vào cơ thể sẽ phát ra các tia xạ là tín hiệu để các tế bào ung thư hấp thụ, từ đó mà chúng sẽ phá hủy tiêu diệt tế bào ung thư. Khi nào các tế bào ung thư còn khả năng bắt i-ốt tốt thì chừng đó chúng ta vẫn còn có thể sử dụng phương pháp điều trị i-ốt phóng xạ.

Liều lượng sử dụng i-ốt phóng xạ như thế nào?

Tùy vào tình trạng ung thư đang tiến triển đến giai đoạn nào mà các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn sử dụng liều lượng i-ốt phóng xạ cho phù hợp. Người bệnh có thể uống lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi có thể khẳng định các tế bào ung thư đã được tiêu diệt hết.

Phương pháp điều trị iốt phóng xạ có an toàn không?

Phương pháp điều trị i-ốt phóng xạ khá an toàn, ít gây tác dụng phụ cho cơ thể. Nhưng người bệnh không nên vì thế mà chủ quan, ngày sau khi uống i-ốt phóng xạ là cơ thể có những dấu hiệu bất thường hãy trình bày lại ngay với bác sĩ để được xem xét và có hướng xử lý kịp thời.

Theo Unilad

Chia sẻ