PGS BV Bạch Mai: 3 bước khám vú giúp phát hiện ung thư sớm phụ nữ nhất định phải biết

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Ung thư vú sẽ khỏi nếu như phát hiện sớm và điều trị sớm. Để phát hiện ung thư vú sớm chị em nên tập thói quen tự kiểm tra vú tại nhà.

Ám ảnh ung thư vú

Có 3 người con gái nhưng 2/3 người đã bị mắc căn bệnh ung thư vú khiến cho gia đình bà Nguyễn Thị Kh (Thanh Trì, Hà Nội) thực sự ám ảnh với căn bệnh này. Bà Kh luôn lo lắng cô con gái thứ 3 có thể sẽ mắc ung thư như hai người chị.

Trong 10 năm đều gắn liền với con số 4 (2004 và 2014) bà Kh liên tiếp đón nhận thông tin các con gái mắc ung thư. Điều này đã khiến cho gia đình bà rất hoang mang, lo sợ, ám ảnh

Bà Kh tâm sự năm 2004, cô con gái đầu (sinh năm 1971) được chẩn đoán mắc ung thư vú. Chị đã được cắt bỏ khối ung thư, hiện sau đang sống khỏe mạnh và kiểm tra theo dõi định kỳ.

Đến năm 2014, cô gái thứ 2 (1976) tiếp được được chẩn đoán ung thư vú. Tuy nhiên, bệnh khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn di căn xương, di căn não. Bác sĩ tại bệnh viện đã khuyên về vì cơ hội điều trị tiên lượng xấu.

Sau đó, bà Kh đã đưa con gái tới Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bạch Mai điều trị. Tại đây, bác sĩ đã chẩn đoán chị bị ung thư vú di căn xương, não, có yếu tố tính chất gia đình có thể do đột biến gen.

Nhờ điều trị tích cực bằng xạ phẫu dao gamma quay, hóa chất, điều trị đích, thuốc chống hủy xương, P-32 mà hiện nay con gái bà đã ổn định sức khỏe.

"Bác sĩ nói ung thư vú các con tôi mắc có liên quan tới yếu tố gen và di truyền nên tôi cảm thấy rất lo lắng. Tôi sợ nhất cháu thứ 3 cũng sẽ mắc ung thư như hai chị. Vì vậy, tháng nào tôi cũng phải nhắc cháu tự kiểm tra tuyến vú và đến Bệnh viện Bạch Mai khám định kì", bà Kh nói.

PGS BV Bạch Mai: 3 bước khám vú giúp phát hiện ung thư sớm phụ nữ nhất định phải biết - Ảnh 1.

Tự khám vú là cách tốt nhất phát hiện ung thư vú sớm, ảnh minh họa.

Tự kiểm soát ung thư bằng cách tự khám tại nhà

GS.TS.Mai Trọng Khoa, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Nguyên Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn chuyên ngành ung thư và Y học hạt nhân của Bệnh viện cho hay ung thư vú là bệnh lý ác tính của tế bào tuyến vú.

Theo Globocan 2018 tại Việt Nam ung thư vú là bệnh lý đứng đầu về tỷ lệ mới mắc ở nữ giới với 15229 ca (chiếm 20,6%) và đứng thứ tư về tỷ lệ tử vong với 6103 ca (chiếm 5,66%).

Trên thế giới ung thư vú cũng chiếm hàng đầu trong tất cả các loại ung thư của nữ giới.

Trong những năm qua, so với các nước khác Việt Nam có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư vú, đã giảm được tỷ lệ lớn tử vong do ung thư vú.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, các nước phát triển, tỉ lệ tử vong ở nước ta vẫn còn cao.

"Với ung thư vú, quan trọng nhất là phát hiện sớm. Nếu phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, ung thư vú là 1 trong những loại ung thư có thể chữa khỏi được", GS. Khoa nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) để phát hiện ung thư vú, mỗi người cần phải tự khám vú tại nhà.

Thời điểm khám vú: sau sạch kinh 5-7 ngày. Lúc này mật độ tuyến vú mềm mại

Cách tự khám như sau

Bước 1: Đứng trước gương kiểm tra

Hai bên vú có đối xứng không?

Da vùng ngực có bị nhăn nheo, viêm loét, sần sùi, thay đổi màu sắc không?

Đầu vú có lõm xuống, tiết dịch bất thường không?

Bước 2: Dùng ngón tay kiểm tra đầu vú

Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vê nhẹ đầu vú

Ấn đầu vú xuống xem có thấy xuất hiện khối u hay không?

Bóp nhẹ núm vú kiểm tra xem có tiết dịch không.

Bước 3: Kiểm tra toàn bộ vú

Dùng 4 ngón tay nhẹ nhàng kiểm tra toàn bộ vùng vú

Kiểm tra theo hướng xoắn ốc từ núm vú ra bên ngoài hoặc theo hình nan hoa từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong

Ấn nhẹ, xoay tròn, miết trượt trên da, phát hiện có u, cục bất thường không?

Nếu thấy có bất thường cần đến bác sỹ chuyên khoa để được khám và tư vấn ngay.

PGS.TS Phương cho biết thêm: "Phụ nữ trên 40 tuổi, đặc biệt là những đối tượng nguy cơ cao (gia đình có bà, dì, mẹ, chị, em, con gái mắc bệnh ung thư vú, phụ nữ béo phì, không đẻ con, không nuôi con bú, lập gia đình muộn, có kinh sớm, mãn kinh muộn…) nên khám định kỳ kiểm tra tuyến vú một năm/lần".

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) đã ra mắt Câu lạc bộ (CLB) ung thư vú. CLB sẽ sinh hoạt định kỳ 2 tháng một lần. Bệnh nhân sẽ có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật các kiến thức mới, từng bước nâng cao nhận thức trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Chia sẻ