Parent coach Linh Phan gợi ý 10 trò chơi nhanh chỉ trong 1 phút để bố mẹ vừa làm việc vừa tranh thủ chơi với con bất cứ lúc nào

Linh Phan,
Chia sẻ

Trong thời gian ở nhà tránh dịch vừa làm việc vừa trông con, hẳn rất nhiều cha mẹ bận ơi là bận nhưng nếu lũ trẻ vẫn muốn và đòi bố mẹ chơi cùng thì phải làm sao?

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, không phải cha mẹ nào cũng được ở nhà toàn tâm toàn ý trông con. Rất nhiều phụ huynh phải bận bịu từ sáng sớm tới tối mịt vì vừa phải hoàn thành công việc, vừa phải trông con mà lũ trẻ thì lúc nào cũng đòi bố mẹ chơi cùng. Nhiều cha mẹ không biết phải làm sao khi deadline đã đến mà con lại cứ nhèo nhẽo bên cạnh nên đã lựa chọn cách cho trẻ sử dụng 1 thiết bị điện tử nào đấy để mình "yên thân" làm việc.

Theo một bài báo được xuất bản online bởi JAMA Pediatrics, việc cho trẻ chơi đùa cùng các món đồ chơi phát ra ánh sáng, từ ngữ hoặc bài hát khiến số lượng và chất lượng ngôn ngữ của trẻ bị suy giảm khá nhiều so với để trẻ chơi cùng các món đồ chơi truyền thống như câu đố, xếp hình, tương tác trực tiếp hoặc xem sách truyện.

Lý do của việc gia tăng lạm dụng các trò chơi điện tử xuất phát từ sự hạn hẹp về quỹ thời gian của cha mẹ do phải lo giải quyết các vấn đề liên quan tới công việc, tài chính hoặc những yếu tố khác. Chính vì điều này, việc tối ưu hóa chất lượng thời gian chơi cùng con cho các cặp cha mẹ bận rộn là vô cùng quan trọng.

Parent coach Linh Phan gợi ý 10 trò chơi nhanh chỉ trong 1 phút để bố mẹ chơi với con bất cứ lúc nào  - Ảnh 2.

Trò chuyện trong lúc chơi với con là cơ hội tốt để cha mẹ dạy cho trẻ các ngôn ngữ cơ thể, đặt nền tảng cho các kỹ năng đọc viết của con và tạo cơ hội cho cha mẹ tham gia vào giai đoạn phát triển của con, dạy con các kỹ năng xã hội khác. Trong khi đó, các món đồ chơi điện tử lại chỉ khiến trẻ trở nên ì trệ và lười nhác, rối loạn tâm lý, ngôn ngữ cũng như hạn chế giao tiếp hơn bình thường.

Cách để bố mẹ tiết kiệm nước mắt và đỡ căng thẳng thần kinh là chơi với con những trò đơn giản, ngắn, vui nhộn. Đây là những trò mình áp dụng với con trai trong những lần bạn ấy ốm phải nghỉ ở nhà 7-10 ngày. Bố mẹ có thể áp dụng để chơi với con bất cứ lúc nào, sẽ không mất nhiều thời gian của bạn lắm đâu mà lũ trẻ sẽ không quấy khóc vì vẫn nhận được sự quan tâm và tương tác từ bố mẹ.

1. Cho con xem đồ vật (đồ chơi, thẻ, chai nước trái cây... bất cứ cái gì lạ lạ) và yêu cầu con liệt kê những màu sắc con nhìn thấy. (Phù hợp với bé từ 2 tuổi)

2. Vẽ một hình trên không bằng ngón tay và cho con đoán bạn đã vẽ gì. (Phù hợp với bé từ 2 tuổi)

3. Thể hiện bằng hành động một số hoạt động (nấu ăn, đánh răng, mặc quần áo...) và cho con đoán nó là gì. (Phù hợp với bé từ 2 tuổi)

4. Trong khi trẻ không để ý, bạn hãy để đồ chơi vào một chỗ nào đó và yêu cầu con đi tìm nhưng đừng giấu quá kĩ nhé, và nhớ cho con gợi ý. (Phù hợp với bé từ 2 tuổi)

5. Yêu cầu trẻ đặt tên các loại trái cây khác nhau. Giả bộ 1 tay của bạn là cái giỏ, tay còn lại bạn giả bộ lấy từng quả con gọi tên cho vào giỏ. Sau 1 phút, cảm ơn con vì giỏ đã đầy. (Phù hợp với bé từ 2 tuổi)

6. Đứng sau lưng con để con không nhìn thấy bạn. Đặt câu hỏi về màu sắc và hình dạng quần áo, số lượng cúc, trang sức... để kiểm tra sự chú ý và bộ nhớ của con. (Phù hợp với bé từ 3 tuổi)

7. Đề nghị con dậm chân khi bạn nói tiếng "bum bum" và vỗ tay nếu nói chữ "bùm". Phát âm các tiếng này theo thứ tự ngẫu nhiên, sau đó đẩy nhanh tốc độ. (Phù hợp với bé từ 2,5 tuổi)

8. Thực hiện những hành động để mô tả phương tiện giao thông hay những người làm nghề nghiệp khác nhau, các con vật và đề nghị con bắt chước theo. (Phù hợp với bé từ 1,5 tuổi)

9. Chi chi chành chành. (Phù hợp với bé từ 1 tuổi)

10. Hô to số từ 1-10 và yêu cầu con phải giơ ngón tay tương ứng. Hoặc bạn giơ nhanh ngón tay (số lượng bất kỳ) trong khoảng 1 giây, yêu cầu con đoán đó là mấy ngón tay. Tụi trẻ con học bằng hình ảnh, nên đôi khi bạn giơ ngẫu nhiên 2 ngón tay (ngón cái và ngón út thay vì ngón trỏ và ngón giữa như bình thường), con sẽ bị lúng túng một chút. Nhưng con sẽ rất vui khi mình đoán đúng và đây là một bài tập rất tốt cho não bộ. (Phù hợp với bé từ 3 tuổi)

Chỉ mất 1 phút thôi để có sự tương tác chất lượng với con nên bố mẹ cũng phải thật sự tham gia vào trò chơi, nếu không trẻ sẽ nhanh chán lắm nhé!

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.

Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Các mẹ có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.

Chia sẻ