Parent coach Linh Phan: Điều quan trọng là phải dạy con biết tôn trọng bản thân trước bất cứ ai!

Linh Phan,
Chia sẻ

Khi con biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác, trẻ sẽ có nhiều bạn bè hơn và được người khác tôn trọng nể phục. Những đứa trẻ được tôn trọng và biết tôn trọng sẽ có cơ hội thành công hơn trong tương lai.

Bạn có nhớ những câu nói này?

- Đưa cho cái gì thì ăn cái đó đi!
- Bố mẹ mới là người quyết định điều gì tốt nhất cho con!
- Vì mẹ đã nói như vậy!
- Con phải học cho tốt vào!
- Con phải vâng lời bố!
- Con còn nhỏ, chưa hiểu chuyện đó đâu!
- Con phải kính trọng người lớn!
- Lớn lên rồi con sẽ tự chọn!
- Con đừng có hỏi nữa!
- Không là không, vậy thôi!

Ở góc độ tâm lý, rất có thể những câu nói này sẽ tạo ra cảm giác phân biệt và áp đặt nếu chúng bị nói đi nói lại quá nhiều lần: bố mẹ mới có quyền – con thì không, bố mẹ thông minh – con thì không, bố mẹ mạnh mẽ – con thì không… Cứ như thể đứa trẻ chưa phải là một con người mà phải đợi trẻ lớn lên thì chúng mới thành người vậy.

Parent coach Linh Phan

Đôi khi những sự áp đặt và can thiệp quá sâu khiến một đứa trẻ không thể nào lớn lên được thực sự, bên cạnh đó chúng còn không học được cách tôn trọng chính mình.

Một đứa trẻ sẽ học cách tôn trọng bản thân và người khác như thế nào? Nếu như chúng không biết và không cảm nhận được gì về sự tôn trọng?

Hãy tôn trọng trẻ và giao tiếp với chúng một cách bình đẳng thay vì ra lệnh từ trên xuống.

Dù con còn nhỏ và chưa trưởng thành nhưng con đã là một con người và có những quyền hạn cơ bản của một con người.

Vậy hãy tìm hiểu xem sự tôn trọng của một đứa trẻ được xây dựng trên cơ sở nào.

Đầu tiên, hãy nhớ là, con không nợ bạn bất cứ điều gì!

Con không nhất thiết phải vâng lời răm rắp, phải đạt thành tích cao, không phải có trách nhiệm khi bạn già đi. Sinh con ra là quyết định của cha mẹ. Chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ một đứa trẻ cho tới ít nhất là 18 tuổi. Đó là luật dành cho cha mẹ.

Hãy chấp nhận, thảo luận, tìm giải pháp và tôn trọng chúng. Nếu bạn không tôn trọng con, con cũng sẽ không tôn trọng bạn.

Tất nhiên điều này không có nghĩa là một đứa trẻ có thể làm những gì mình muốn và không cần biết điều. Gia đình cần có quy tắc, luật lệ. Chúng rất cần thiết và những quy tắc cần phải rõ ràng, dễ hiểu với trẻ. Đặc biệt, nếu đó là quy tắc chung thì toàn bộ các thành viên trong gia đình phải tuân theo. Ví dụ "Ở nhà mình mình sẽ không ăn kẹo thay cho bữa sáng" hoặc "Mình sẽ luôn rửa tay sau khi ra ngoài về", hay "Sang đường thì con phải nắm tay mẹ".

Làm cha mẹ cần nhớ: Điều quan trọng là phải dạy con biết tôn trọng bản thân trước bất cứ ai! - Ảnh 2.

Thứ 2, con cũng có quyền đối với tài sản của cha mẹ

Ngay cả khi cha mẹ bị tước quyền làm cha mẹ, thì đứa con vẫn được nhận một phần tài sản trong tài sản thừa kế. Vì vậy, con là một thành viên trong gia đình và ngôi nhà không phải là ngôi nhà của riêng bạn, mà còn là của con nữa. Con nên có một không gian riêng của mình trong ngôi nhà. Nếu nó không thể là một căn phòng riêng thì nó cũng có thể là một góc nào đó trong phòng. Nếu con được cho đồ chơi, thì đó là sở hữu của con.

Chúng ta cần cho phép trẻ tự quản lý một số tài sản của riêng chúng. Như vậy, con sẽ học được cách tôn trọng và trân trọng những gì mình đang có. Từ đó, con sẽ cẩn thận hơn trong mọi việc, tự tin hơn vì được bố mẹ tin tưởng.

Hãy tưởng tượng khi bạn không có gì đi. Ngay cả đồ lót bạn mặc cũng không phải là của bạn thì sao (trừ phi bạn không mặc đồ lót thì chẳng còn gì để bàn rồi). Bạn sống cùng với những người bạn yêu thương nhưng đây không phải là nhà của bạn. Bạn là khách, có vẻ sống ở đây cũng tốt nhưng thật khó chịu khi phải là khách nhiều năm.

Đứa trẻ làm hỏng đồ chơi, mất mũ ở trên đường… đó là những thứ của con và con phải tự đối mặt với những hậu quả tự nhiên của hành động. Con có thể khó chịu, nhưng bố mẹ sẽ ở đó. Bố mẹ sẽ an ủi con, thấu hiểu con, thay vì chỉ nói "Mẹ đã nói với con bao lần rồi".

Con cũng phải có quyền lựa chọn và tham gia ý kiến. Chẳng hạn như việc quyết định chiếc quần con muốn mua là gì, nhà mình sẽ nuôi con gì… Từ những việc nhỏ, con sẽ có thể dám bày tỏ ý kiến và mong muốn của mình ở những việc lớn lao hơn.

Khi con 6-7 tuổi, bố mẹ đã có thể cho con tiền tiêu vặt. Hoặc là khuyến khích con kiếm tiền bằng những việc chính đáng, chẳng hạn như lũ trẻ Nauy nơi mình đang sống vẫn thường hái táo hái mận trong vườn nhà và đem ra cổng bán để kiếm chút tiền tiêu vặt. Số tiền ít thôi, nhưng là tiền mà con được tự quyết định chi tiêu nó vào việc con muốn.

Thứ 3, kẻ thù tồi tệ nhất của lòng tự trọng là sự xấu hổ

Khi ai đó làm cho đứa trẻ xấu hổ, con sẽ học được về sự bị làm nhục. Thay vì "Con làm mẹ xấu hổ khi làm như vậy", hãy nói "Mẹ không thích (hoặc không hài lòng) khi con nói chuyện với mẹ như vậy".

Một đứa trẻ cũng có thể cảm thấy nhục nhã khi bị la mắng, bỏ mặc cảm xúc, không có chính kiến, bị quát nạt, không bao giờ nhận được lời xin lỗi và tất nhiên… cả khi chúng bị đánh. Khi đứa trẻ cảm thấy bất công với chính mình, khi con cảm thấy bị xúc phạm bởi cha mẹ, mỗi lần thấy mình không xứng đáng, sai trái, không có khả năng tự vệ, đáp trả… con học được rằng bản thân mình là không quan trọng, không có giá trị. Con không biết tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình.

Và tất nhiên, đừng bao giờ ép trẻ làm những điều chúng không muốn như là xin lỗi, chào hỏi, ôm người khác, chia sẻ đồ của cá nhân chúng hoặc phải làm bạn với ai đó.

Phát triển ý thức về giá trị bản thân là một điều vô cùng quan trọng ở một đứa trẻ. Hãy cho con biết từ những năm còn bé thơ rằng con không phải chỉ có trách nhiệm tuân theo các quy tắc nhất định mà còn có các quyền khác nữa: quyền được sống quyền được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được yêu thương, che chở, được chấp nhận con là chính mình, được làm theo ý kiến của mình.

Chỉ có như vậy, con mới lớn lên và trở thành một người mạnh mẽ, độc lập.

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một chuyên gia tâm lý học/phát triển của trẻ nhỏ và nhà tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời cũng là tác giả các cuốn sách về làm cha mẹ như "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu" và "Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con".

Theo Linh Phan, làm cha mẹ là quá trình bố mẹ trưởng thành và thay đổi để hoàn thiện hơn. Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.

Chia sẻ