Ồn ào chuyện học phí học online trong mùa dịch: Sự thất vọng hay cuộc khủng hoảng niềm tin của phụ huynh Việt về trường ngoài công lập

HH,
Chia sẻ

Hàng loạt sự vụ ầm ĩ quanh chuyện thu học phí học online mùa dịch Covid-19 tại các trường quốc tế, tư thục chất lượng cao khiến một cộng đồng phụ huynh mất niềm tin vào những giá trị mà họ từng kỳ vọng gửi gắm vào hệ thống giáo dục ngoài công lập.

Khi học phí được mang ra mặc cả

Chuyện ồn ào thu học phí học online mùa dịch Covid-19 bắt đầu từ trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) với thông tin: Mỗi học sinh phải đóng thêm 1 triệu/ tháng, nếu không tài khoản học online sẽ tự động khóa. Phụ huynh phản đối cho rằng nhà trường đã “xử ép”, còn nhà trường đẩy trách nhiệm sang Ban phụ huynh với lý do đó là khoản tự nguyện do Ban phụ huynh đề đạt. Tranh cãi qua lại một hồi, cuối cùng trường Lương Thế Vinh đã phải hủy bỏ khoản thu này.

Nhưng chuyện tiếp tục lan ra các trường khác. Đó là vào thời điểm nửa cuối tháng 2, khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và việc nghỉ học của học sinh bị kéo dài vô thời hạn. Trước tình thế này, các trường bắt buộc phải tổ chức việc online theo nhiều hình thức khác nhau để đảm bảo không bỏ lỡ cả một năm học của học sinh, đồng thời cũng là giải pháp tài chính của khối trường tư thục, quốc tế.

Ồn ào chuyện học phí học online trong mùa dịch: Sự thất vọng hay cuộc khủng hoảng niềm tin của phụ huynh Việt về trường ngoài công lập - Ảnh 1.

Trường Tiểu học - THCS - THPT Newton (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trở thành tâm điểm khi ban hành văn bản yêu cầu phụ huynh đóng thêm 2,5 triệu đồng phục vụ học trực tuyến. Phụ huynh phản ứng dữ dội. Lý do là việc học online không hiệu quả, không đảm bảo chất lượng. Giống như trường Lương Thế Vinh, lãnh đạo trường Newton phải nhường bước, hủy văn bản.

Nhưng 1 tháng sau đó, lại một văn bản khác được ban hành. Lần này nhà trường đưa ra hai phương án cho phụ huynh lựa chọn: Một là thu học phí online bằng mức 100% học phí thông thường với đủ số tiết tiếng Anh với giáo viên nước ngoài; hai là thu học phí online bằng mức 70% học phí thông thường với tổng số tiết ít hơn và không cam kết đủ số tiết tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Tất nhiên, phần đa phụ huynh vẫn không chấp nhận. Dù vậy, việc học vẫn diễn ra và đến hiện tại, khi học sinh đã đi học tập trung tại trường được hai tuần, nhà trường và phụ huynh vẫn chưa ngồi lại với nhau để chốt phương án.

Cùng thời điểm, trường Tiểu học - THCS Everest (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng xảy ra sự vụ tương tự. Phụ huynh giận dữ phản ứng khi nhà trường đưa ra thông báo thu học phí online với mức 650 nghìn đồng/ tuần đối với hệ tiểu học và 700 nghìn đồng/ tuần đối với THCS, thời gian 2 tiếng/ ngày.

Ồn ào chuyện học phí học online trong mùa dịch: Sự thất vọng hay cuộc khủng hoảng niềm tin của phụ huynh Việt về trường ngoài công lập - Ảnh 2.

Để đối phó với dịch bệnh, các trường chuyển đổi hình thức dạy học ở trường sang cho trẻ học online. (Ảnh minh họa)

Do có quá nhiều ý kiến không đồng tình, trường Everest sau đó đã tổ chức họp phụ huynh, điều chỉnh lại học phí nhưng lại gây ra nỗi bức xúc lớn hơn. Nguyên nhân là, nhà trường giảm học phí đồng thời với giảm số tiết học khiến phụ huynh cảm giác bị “cò cưa”, “mặc cả”.

Làn sóng phẫn nộ tiếp tục lan rộng từ Hà Nội tới TP.HCM, từ các trường tư thục chất lượng cao tới các trường quốc tế. Vẫn là chuyện thu học phí bao nhiêu cho thời gian học sinh học trực tuyến ở nhà. Tại Trường quốc tế Singapore (SIS), Trường quốc tế Việt Úc (VAS), Trường quốc tế Australia Sài Gòn (AIS Sài Gòn), Trường quốc tế Mỹ (TAS), phụ huynh thậm chí còn kéo đến cổng trường cùng băng rôn, biểu ngữ biểu tình, đòi gặp mặt ban lãnh đạo để giải quyết. Tình trạng nhốn nháo và xấu xí đến nỗi, khó có thể tin điều đó có thể xảy ra trong các môi trường giáo dục chất lượng cao ngoài công lập, nơi mà người ta vẫn tin rằng, giáo dục được thực hiện một cách hiện đại, nhân văn.

Muốn phụ huynh chia sẻ khó khăn, nhà trường cần trao đổi thẳng thắn

Anh Nguyễn Thanh Sơn (tên nhân vật đã thay đổi), phụ huynh học sinh trường Tiểu học - THCS - THPT Newton cho hay: gia đình anh không quá quan tâm tới mức thu học phí online của nhà trường nhưng bất bình với cách nhà trường trao đổi với phụ huynh quanh vấn đề này.

“Phụ huynh lớp con tôi mỗi người 1 ý kiến về mức thu học phí, phản đối rất nhiều, đồng tình cũng không ít, nhưng tất cả đều không hài lòng với cách nhà trường luôn đơn phương đưa ra quyết định mà không khảo sát ý kiến phụ huynh, luôn đặt chúng tôi vào tình thế đã rồi, ép phải theo, ép không được thì lại quay đầu thay đổi, tìm cách áp đặt khác. Đáng nói là, chúng tôi cảm giác lợi ích của con cái mình luôn bị nhà trường đem ra làm “con tin” để xử ép, kiểu như chấp nhận thì được học, không chấp nhận thì nghỉ”, anh Sơn chia sẻ.

Ồn ào chuyện học phí học online trong mùa dịch: Sự thất vọng hay cuộc khủng hoảng niềm tin của phụ huynh Việt về trường ngoài công lập - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Minh Thu (tên nhân vật đã thay đổi) có hai con đang học tại trường Ngôi Sao Hà Nội và trường Nguyễn Siêu cũng cho rằng, các trường cần có lối ứng xử phù hợp, trên cơ sở tôn trọng phụ huynh lẫn học sinh để nhận được sự ủng hộ và chia sẻ của họ trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thiệt hại chung vì dịch Covid-19. 

Chị Thu bày tỏ: “Trường Nguyễn Siêu thu học phí học online là 50% mức học phí thông thường. Với tôi đây là mức chấp nhận được. Nếu có tăng lên 70% như một số trường khác mà hợp lý, tôi cũng vẫn chấp nhận vui vẻ. Bởi trước khi đưa ra thông báo này, nhà trường đã họp với phụ huynh, trao đổi và cùng đưa ra thỏa thuận. Chúng tôi cảm thấy được tôn trọng và yên tâm gửi gắm con cái cho nhà trường. Tuy nhiên, tại trường Ngôi Sao Hà Nội, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về chuyện thu học phí. Học thì cũng học rồi, gạo nấu thành cơm, không thể không mất tiền, nhưng phụ huynh hỏi thì nhà trường lần khất trả lời. Phụ huynh đành thắc thỏm với nhau trong hành động như “câu giờ” từ nhà trường, chỉ lo có vấn đề gì không đồng tình thì trở tay không kịp nếu muốn thay đổi môi trường học tập mới cho con”.

Với chị Thu, việc đơn phương ra quyết định học phí hay trì hoãn đưa ra các thông báo thu phí phát sinh cũng đều thể hiện sự không tôn trọng phụ huynh của nhà trường. 

Mới đây nhất, một nhóm phụ huynh của trường quốc tế Australia Sài Gòn (AIS Sài Gòn) trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM còn bức xúc cho biết, nhà trường thay vì kéo dài thời gian học mà không thể đàm phán được mức học phí thu thêm với phụ huynh thì ép học sinh học bù với thời lượng lên đến 10 tiết/ngày, 5 ngày 1 tuần, tức là vượt 15 tiết/tuần so với quy định của Bộ GD-ĐT. Lịch học dày đặc này khiến nhiều học sinh đổ bệnh nhưng không thể không theo. 

Ảnh minh họa

Anh Nguyễn Thanh Sơn bức xúc: “Rõ ràng, lợi ích của học sinh về cả sức khỏe lẫn kiến thức đều không phải là nhân vật trung tâm trong các giải pháp mà nhiều trường ngoài công lập đang triển khai để khắc phục khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra. Nhà trường cần phụ huynh chung tay, phụ huynh cũng sẵn sàng chia sẻ, song làm sao để cả hai bên cùng thấy thoải mái, tự nguyện thì tôi nghĩ cốt lõi vẫn là ứng xử từ nhà trường. Chúng tôi gửi con học tại đây vì niềm tin và kỳ vọng vào môi trường giáo dục nhân văn. Nhưng một chút khó khăn đã bộc lộ ra rất nhiều vấn đề khiến chúng tôi lung lay niềm tin”.

Anh Sơn thậm chí còn có ý định chuyển con về trường công lập. Anh bày tỏ: “Tôi biết môi trường nào cũng có ưu nhược điểm. Nhưng khi mình bỏ ra một khoản tài chính lớn để đầu tư tương lai cho con, mình mong muốn những điều tốt đẹp chứ không phải một môi trường mà tiền bạc được dùng làm kim chỉ nam cho mọi quyết sách”.

***

Một điều đáng lưu tâm là, trong câu chuyện học phí ồn ào đang chia rẽ sâu sắc trường học và phụ huynh hiện nay, học sinh không được xem là nhân vật trung tâm dù là đối tượng liên quan chính, đồng thời chịu nhiều tổn thương nhất. Nhà trường giữ lợi ích của nhà trường, phụ huynh đòi lợi ích của phụ huynh, còn học sinh ở giữa chứng kiến những va chạm, đôi khi là nảy lửa giữa cha mẹ và thầy cô - những người mà chúng chịu sự giáo dục trực tiếp.

Không cần quá nhiều thời gian để các trường học và cha mẹ học sinh đi đến thỏa thuận cuối cùng về chuyện học phí nếu cả hai phía ứng xử bằng sự tôn trọng và niềm tin. Giữ gìn hai yếu tố đó còn là để bảo vệ cho chính những đứa trẻ đang ngày ngày nhìn người lớn làm gương để học hỏi và trưởng thành. 

Chia sẻ