Ồn ào chuyện học online: Bố mẹ ơi ai cũng đang cố gắng, mình bớt kêu ca đi!

Mai Lam,
Chia sẻ

Khắp các diễn đàn, group, trang cá nhân… là tiếng kêu ca phàn nàn của phụ huynh. Bên cạnh chuyện học phí mùa dịch vẫn còn nóng hổi, thì trang thiết bị và đường truyền trở thành tâm điểm mọi cuộc tranh luận.

Sau ngày khai giải online có 1-0-2 trong lịch sử thì năm học mới bắt đầu. Để đảm bảo quyền lợi của học sinh, mọi biện pháp cấp thiết đã được thực thi: Sách giáo khoa được ship đến tận nhà, nếu chưa ship kịp thì học tạm sách bản online. Các trường ráo riết chuẩn bị giáo trình phục vụ việc dạy trực tuyến, phụ huynh sắp xếp lại góc học tập để con vừa có không gian tập trung học hành - vừa được bố mẹ hỗ trợ nếu gặp sự cố,... Và biết bao rắc rối cũng bắt đầu kéo tới.

Nhiều ý kiến gay gắt bày tỏ chuyện phải mua sắm trang thiết bị điện tử, cụ thể là máy tính cho con là quá sức với gia đình. Cộng thêm đường truyền mạng thiếu ổn định khiến cho việc học tập thường xuyên bị gián đoạn cũng làm phụ huynh "phát điên" khi phải "chạy đi chạy lại" hỗ trợ con.

Nhóm chung giữa giáo viên và cha mẹ học sinh "nổ" tin mới liên tục. Cô giáo bên cạnh việc dạy chương trình, còn kiêm thêm "tổng đài tư vấn" chuyện đường mạng, ứng dụng, máy móc. Thế nhưng sức cô có hạn, nên những bực bội của phụ huynh lại tiếp tục được "xả" liên hồi kì trận trên khắp MXH.

Ồn ào chuyện học online: Bố mẹ ơi ai cũng đang cố gắng, mình bớt kêu ca đi! - Ảnh 1.

Nhiều gia đình kêu ca vì chuyện học online. (Ảnh minh họa)

Giữa bối cảnh cả thế giới đang phải chiến đấu với bệnh dịch như hiện nay, tất cả mọi thứ đều phải thay đổi và sắp xếp lại để thích nghi cùng thời cuộc. Không chỉ Việt Nam, nhiều nước cũng chịu tình cảnh lock down và tận dụng nền tảng internet để làm việc, học tập. Không phải nước nào cũng có sự phát triển về kinh tế, kỹ thuật cao và chắc hẳn cũng phải đau đầu lo nghĩ để đầu tư trang thiết bị và khổ sở vì đường truyền chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Chuẩn bị chương trình học và bố trí thời gian dạy học (hợp lý nhất có thể) là trách nhiệm của nhà trường, của xã hội. Lo cho con cái được học hành là nghĩa vụ của cha mẹ. Theo công văn mới nhất, nhà trường đã giảm 50% học phí cho phụ huynh vùng dịch. Có những gia đình có hoàn cảnh thật sự khó khăn, phụ huynh có thể tiếp cận với các chương trình thiện nguyện đang thu gom điện thoại, laptop cũ tặng cho học sinh thuộc đối tượng khó khăn. Nhiều vùng sâu vùng xa điện lúc có lúc không, giáo viên in bài tập chuyển cho học sinh và mời cha mẹ cùng phối hợp để dạy con…

Ồn ào chuyện học online: Bố mẹ ơi ai cũng đang cố gắng, mình bớt kêu ca đi! - Ảnh 2.

Năm trước, những học sinh nhà ở sâu trong rừng đước ở ấp đảo Thiềng Liềng không thể học trực tuyến mà thầy cô phải in bài tập và mỗi tuần các em lại băng rừng ra ấp nhận bài về làm, làm xong lại băng rừng đi nộp.

Điều khó nói là, bên cạnh những trường hợp đặc biệt như trên, tiếng kêu ca phàn nàn hầu hết lại bắt nguồn từ những phụ huynh… hoàn toàn có khả năng chi trả và đầu tư cho con học hành giai đoạn này. Nhưng họ cảm thấy bị ép buộc vì bực bội với thời cuộc, ức chế với hoàn cảnh. 

Bởi lẽ, thời điểm này họ có thể toàn tâm toàn ý cho việc kiếm tiền, con cái được nhà trường trông nom dạy dỗ giờ hành chính. Đằng này thu nhập bị ảnh hưởng đã đành, còn phải dành phần lớn thời gian trong ngày để kèm cặp, dạy dỗ, đồng hành cùng con trong công cuộc học online chưa biết ngày nào kết thúc. Chẳng ai muốn vừa tham gia cuộc họp căng thẳng, báo cáo với sếp tình hình kinh doanh giảm nghiêm trọng trong tiếng cầu cứu của đứa con vì… bị out khỏi lớp zoom quá tải.

Ồn ào chuyện học online: Bố mẹ ơi ai cũng đang cố gắng, mình bớt kêu ca đi! - Ảnh 3.

Chúng ta thật sự cần thông cảm cho nhau ở thời điểm hết sức căng thẳng này. Dịch bệnh ập đến quá nhanh với sức tàn phá lớn hơn bất kì cơn bão nào, đánh bay hiện tại bình yên và nguy cơ đe dọa tương lai tốt đẹp. Lãnh đạo đất nước và các tỉnh thành 1 bên phải dồn mọi nguồn lực để chống dịch, 1 bên vẫn phải đảm bảo mọi quyền lợi của con trẻ, trong đó quyền lợi học tập là quyền lợi quan trọng nhất. Dịch bệnh kéo dài chưa biết ngày kết thúc, không thể để học sinh cả nước ngừng việc học tập chỉ vì một bộ phận cha mẹ kêu ca phàn nàn.

Bởi thế, thay vì ức chế và trút mọi tiêu cực, phàn nàn lên nhà trường, giáo viên, xã hội, phụ huynh cũng nên nghiêm túc soi chiếu lại tình cảnh của mình và tìm giải pháp phù hợp.

Nếu như thật sự không thể chấp nhận chuyện con học online với nhiều rắc rối, sự cố như hiện tại. Cộng thêm không thể tiếp cận các nguồn hỗ trợ, giúp đỡ,... phụ huynh có thể chuyển hướng cho con học kiến thức trên truyền hình, hoặc tự nghiên cứu sách giáo khoa. Nếu cảm thấy việc tự học là quá khó và không muốn con bị ảnh hưởng mắt, phụ huynh có thể cho con bảo lưu việc học một thời gian.

Thời gian này cả gia đình chăm sóc nhau, cùng nhau trò chuyện, nấu ăn, làm việc nhà, trau dồi kĩ năng mềm, đọc sách… Như vậy, con và cha mẹ cùng trải qua quãng thời gian ý nghĩa và có ích, cũng không phí chút nào. Chờ trường học mở lại hoặc khi cha mẹ tiếp cận được nguồn kinh phí, thì con quay lại trường.

Nếu như vẫn đồng ý cho con theo học online, cha mẹ nên dừng chuyện "giận đời, dỗi cô" và cùng con thích nghi với hoàn cảnh.  

Các sự cố xảy ra trong lúc học, ví dụ đường truyền quá tải con bị out ra thì trình bày chia sẻ cùng giáo viên để con được học bù kiến thức. Rèn giũa tinh thần tự nghiên cứu, tự học của con. Song song với đó, giữ gìn sức khỏe và đôi mắt cho con bằng việc đề xuất và chủ động các khoảng nghỉ 5-10 phút sau mỗi tiếng dùng thiết bị điện tử, hay cùng con tập các bài luyện mắt sau mỗi giờ học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần có sự linh hoạt và thức thời trong hoàn cảnh này, có thể bằng việc chia lớp học thành từng nhóm để giảm tải đường truyền, gửi bài cho học sinh xem trước và buổi học để trả lời thắc mắc, để kiểm tra kiến thức học sinh qua các câu hỏi trực tiếp hay trắc nghiệm… Ngoài ra, nhà trường quan tâm đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn và cùng với ban phụ huynh có sự hỗ trợ kịp thời.

Chia sẻ