Ở rể - chuyện bình thường

,
Chia sẻ

Quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng” nên khi đàn ông phải ở rể, tâm lý họ thường không được thoải mái. Nhưng thời nay suy nghĩ về việc này cũng đã thoáng hơn rất nhiều

Chuyện ở rể đã được đề cập khá nhiều trên nhiều khía cạnh, nhưng phần đông người ta vẫn nói đàn ông đi ở rể là phận “… chui gầm chạn” với những cái nhìn tương đối thiếu thiện cảm. Tuy nhiên ngày nay những người trẻ tuổi với những cá tính riêng của mình cùng với lối sống có phần “phận ai người ấy lo” ở các đô thị thì quan niệm ở rể đã có những biến đổi nhất định...

Với quan niệm của người xưa thì “thuyền theo lái, gái theo chồng” nên khi đàn ông phải theo vợ về ở rể, tâm lý họ thường không được thoải mái. Nhưng thời nay những đôi lứa có toàn quyền quyết định lựa chọn hạnh phúc của mình, suy nghĩ về việc này cũng đã thoáng hơn rất nhiều. Vì thế, vẫn có nhiều trường hợp cha mẹ vợ, con gái, con rể sống chan hòa, hạnh phúc dưới một mái nhà, và con rể được gia đình nhà vợ yêu quý nể trọng.

Nhắc đến gia đình chị Hiền ở quận Gò Vấp, những người quen biết đều công nhận chàng rể - anh Phương chồng chị Hiền - tuy là mang “phận ở rể” nhưng anh được cha mẹ vợ thương như con ruột của mình, và cho đến bây giờ chẳng còn ai nghĩ là anh đang ở rể. Gặp và nói chuyện với chị Hiền, chúng ta mới thấy chị hãnh diện và hạnh phúc thế nào khi nói về người chồng “ở rể” của mình: “Ông xã tôi ở rể hơn mười năm nay nhưng hầu như không có điều tiếng gì cả. Bản chất con người anh hiền lành chịu khó làm ăn, yêu vợ và kính trọng bố mẹ tôi.

Dù sống trong nhà vợ nhưng chồng tôi luôn khéo léo trong cách xử sự, không tự ti, mặc cảm về thân phận của mình, nhưng cũng không hoàn toàn ỷ lại, nhờ vả gia đình vợ, hơn thế nữa trong nhiều hoàn cảnh anh còn là trụ cột giúp đỡ gia đình tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống…”.
 

“Sống tốt là chiều hết!”



“Ngày nay chúng ta cần một cái nhìn mới. Nếu gia đình nhà vợ chỉ toàn con gái, bố mẹ già yếu, nhà lại có điều kiện rộng rãi trong khi người con rể không có nhà hoặc quá chật chội thì việc ở rể là hợp tình hợp lý…”, anh Minh Dũng, phụ trách nhân sự một công ty tư nhân, bày tỏ ý kiến của mình.

Trong một phố nhỏ ở khu phố 5, đường Hoàng Hoa Thám, Bình Thạnh, một đại gia đình với hai cha mẹ già sống quây quần trong một ngôi nhà khá rộng cùng với vợ chồng của ba người con gái. Mới nghe qua chúng ta có thể ngạc nhiên nhưng thực tế thì cuộc sống của đại gia đình này lại rất vui vẻ, hạnh phúc. Cha mẹ già này có ba người con gái, lần lượt từng người con lấy chồng rồi cứ thế vợ chồng về ở chung với “ông bà ngoại”. Tưởng rằng sẽ rất “khó sống” dưới một mái nhà chung đông đúc như thế, nhưng rồi những người quen biết thấy rằng gia đình này sống vẫn yên vui.

Anh Hùng, chồng của cô con gái đầu cười tươi khi được hỏi “Cuộc sống ở rể của anh thế nào?”: “Ba mẹ vợ tôi rất tuyệt vời, thương con rể cũng như con gái vậy, vợ chồng, anh em trong nhà rất hòa đồng, vui vẻ. Tôi thấy chẳng có gì là bất tiện hay không ổn cả…”.

Còn chị Như Thủy nhà ở quận Tân Bình kể: “Nhà em có đến ba chị em gái liền nên khi đi lấy chồng cũng lo bố mẹ ở nhà sẽ buồn. Đầu tiên là chị cả lập gia đình. Ban đầu hai anh chị không sống với nhà ngoại mà ở riêng, nhưng sau rồi anh chị cũng chuyển về nhà sống chung với gia đình em. Tuy có hơi chật chội, nhưng cuộc sống vẫn êm ả, bố mẹ em chiều con rể hết mực và không ai nói là “chui gầm chạn” cả. Nhiều khi chị em em còn bảo: “Mẹ chiều anh thế rồi sau này chồng bọn con mẹ có chiều thế không?”. Mẹ em khẳng định luôn: “Sống tốt là chiều hết”…
 
“Thương con rể không thiệt đi đâu mà sợ”
 
Hầu hết các chàng rể đều cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến họ chấp nhận ở nhà vợ là cái nhìn của xã hội về điều này đã cởi mở hơn rất nhiều, nhất là ở thành phố, nên họ ít phải chịu áp lực của dư luận. Ngoài ra, kinh nghiệm thực tế của những chàng trai ở rể đều cho thấy, dù sống ở nhà chồng hay nhà vợ, điều quan trọng để tạo quan hệ tốt đẹp giữa hai thế hệ vẫn là tình cảm.

Khác với con dâu đối với mẹ chồng, mối quan hệ con rể đối với mẹ vợ dễ dung hòa hơn nhiều. Đặc biệt tâm lý “thương con rể không thiệt đi đâu mà sợ. Thương nó, nó sẽ thương lại con gái mình”, là khá phổ biến. Thực tế thì đâu có bố mẹ vợ nào muốn “xa cách” với con rể, họ thường sẵn sàng giang rộng vòng tay yêu thương với con rể như với con gái mình. Có thể ban đầu các chàng rể còn đắn đo vì lời khuyên “đừng dại mà chui gầm chạn”, nhưng rồi cuộc sống ở rể của họ lại diễn ra một cách tốt đẹp. Hơn nữa, nếu không vì mục đích vụ lợi, ỷ lại thì thật ra việc ở rể không có gì đáng ngại cả.
 
Nhiều người bây giờ không còn để ý quá nhiều đến việc ở rể và đã có khá nhiều chàng ở rể được gia đình nhà vợ yêu quý.
 
 
 
 
Theo Sức sống mới 

 

Chia sẻ