Ở nhà trốn dịch, mẹ 3 con kéo trẻ ra khỏi smartphone bằng những trò chơi "hồi nhỏ ai cũng biết", kết quả trên cả bất ngờ

V.V.,
Chia sẻ

Nhờ hướng dẫn các con chơi những trò chơi mà mình đã chơi từ cách đây 30 năm, chị Hạnh thấy mình như đứa trẻ mà không cần mua tấm vé đi tuổi thơ.

Những ngày cách ly xã hội vẫn đang tiếp tục diễn ra, trẻ nhỏ, người lớn hạn chế ra đường để tránh lây lan dịch bệnh. Điều đó đã khiến cho cuộc sống của không ít gia đình có sự xáo trộn, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, đông con.

Chị Hồng Hạnh, 41 tuổi là mẹ 3 con, một bé 15 tuổi, một bé 12 tuổi và bé út 6 tuổi đang sống tại TP.HCM. Dịch bệnh đã khiến nề nếp sinh hoạt của gia đình chị ít nhiều bị đảo lộn, các con đi ngủ muộn hơn dẫn đến dậy cũng muộn hơn. Các khung giờ sinh hoạt đều bị chậm so với bình thường 1,2 tiếng. Chị Hạnh vẫn đi làm bình thường, công việc khá bận rộn, việc nhà đành nhờ một tay bà ngoại của lũ trẻ cáng đáng.

Bên cạnh đó, việc nghỉ học dài ngày cũng khiến lũ nhóc nhà chị Hạnh cũng bị mê điện thoại, ipad. Tuy nhiên theo chị Hạnh, điều này là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Bởi lũ trẻ phải ở trong nhà một thời gian dài như vậy mà không có gì để giải trí thì thực sự là bi kịch.

Chị Hạnh và cả mẹ của chị cùng chơi lại trò chơi mà họ đã từng yêu thích cách đây mấy chục năm trời.

Đối với các con của chị Hạnh, lũ nhóc vẫn có lý do chính đáng để sử dụng smartphone, đó là học online. Thế nhưng nếu mẹ không kiểm soát chặt chẽ giờ giấc, nội dung truy cập, thì các bạn ấy sẽ dễ dàng thay đổi "mục đích sử dụng".

Chính vì vậy, để con rời xa đồ chơi công nghệ, chị Hạnh đã "lôi kéo" chúng tham gia những trò chơi dân gian. Và trò đầu tiên là trò chơi chuyền.

"Các bạn ấy thích lắm, vì đây là lần đầu tiên biết đến trò này. Các bé thấy rất kỳ lạ là trong nhà có sẵn bóng tennis, đũa tre, nhưng không bao giờ có thể hình dung ra chuyện chúng có thể kết hợp với nhau để tạo ra một trò chơi thú vị đến thế.

Thực sự là trò này mình chơi từ cách đây 30 năm rồi, cũng không còn nhớ cụ thể luật chơi như nào nên trước khi hướng dẫn các con chơi, mình phải lên Youtube xem lại cách chơi để hướng dẫn con cho đúng" - chị Hạnh kể.

Chị Hạnh bất ngờ vì sáng tạo của con với những chiếc đũa tre.

Lần đầu chơi chuyền, các con của chị Hạnh không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, lập cập, liên tục bị rơi bóng hoặc túm sai số lượng đũa và cũng không biết cách chuyền thế nào cho đúng. Nhưng sau một buổi ngồi tập thì các bé cũng làm đúng và khoái chí ra mặt, sau đó là chơi suốt, quên cả ipad, smartphone.

Sau khi chơi chán rồi, các con của chị Hạnh lại lấy những chiếc đũa tre để xếp hình. Sự sáng tạo của lũ trẻ khiến bà mẹ ba con không khỏi bất ngờ.

Còn bản thân chị Hạnh khi chơi lại trò chơi mà đã quên bẵng đi suốt 30 năm, chị cảm thấy mình như một đứa trẻ mà không cần phải mua chiếc vé đi tuổi thơ nào cả. Rồi cả mẹ của chị cũng cùng chơi, mẹ con bà cháu gần gũi như những người bạn.

Ở nhà trốn dịch, mẹ 41 tuổi kéo con ra khỏi smartphone bằng những trò chơi "hồi nhỏ ai cũng biết", kết quả trên cả bất ngờ - Ảnh 5.

Những ngày cách ly toàn xã hội của ba con nhà chị Hạnh chắc chắn sẽ còn nhiều niềm vui khi được mẹ bày nhiều trò chơi thú vị.

Chị Hạnh tâm sự thêm, mặc dù rất bận rộn với công việc nhưng chị sẽ tiếp tục nghĩ thêm trò khác cho con chơi vì thời gian cách ly vẫn còn dài. Rất may là chị có sẵn một kho trò chơi dân gian như: Thảy gạch, ô ăn quan, nhảy dây, bắn bi, búng dây chun, đá cầu... Và may hơn nữa là lúc nào các con của chị cũng luôn hưởng ứng những trò chơi của mẹ một cách đầy nhiệt tình.

Đúng là dịch bệnh khiến cuộc sống của chúng ta có những sự thay đổi không mong muốn. Tuy nhiên "cái khó ló cái khôn", bằng bất kỳ cách nào đó hãy biến những ngày cách ly xã hội tưởng chừng ngột ngạt, bí bách trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ ý nghĩa hơn với gia đình mình. Đồng thời xem đây là cơ hội để có thể giúp con trẻ khám phá thêm nhiều điều thú vị trong cuộc sống các bố, các mẹ nhé!

Ở nhà trốn dịch, mẹ 41 tuổi kéo con ra khỏi smartphone bằng những trò chơi "hồi nhỏ ai cũng biết", kết quả trên cả bất ngờ - Ảnh 6.

Chia sẻ