Nữ giảng viên mỹ thuật xinh đẹp: Tôi đi dạy để được “trẻ mãi không già”

Huyền Trang,
Chia sẻ

"Là phụ nữ hiện đại, hãy sống và trải nghiệm hết mình, yêu thương hết mình nhưng luôn độc lập" - nữ giảng viên xinh đẹp nói.

Nữ giảng viên mỹ thuật xinh đẹp: Tôi đi dạy để được “trẻ mãi không già”


 Hoàng Hương Giang (1987)

Cựu du học sinh trường California State Fullerton (California, Mỹ)

Giảng viên khoa Mỹ Thuật công nghiệp, trường Đại học Công nghệ Sài Gòn

Sở hữu một cửa hàng thời trang tự thiết kế cho những người mũm mĩm

Với vẻ ngoài xinh xắn kiểu mơ màng rất nữ tính, Hương Giang dễ khiến người đối diện nhận ra cô lớn lên trong sự yêu thương, êm ấm, đúng tuýp người "sướng từ trong trứng". Tuy thế, cô gái này, dù có tâm hồn lãng mạn và ngọt ngào đúng chuẩn “dân nghệ thuật”, lại có tính cách khá mạnh mẽ, độc lập. Sự “đối chọi” trong tính cách tạo nên nét hấp dẫn, cuốn hút rất riêng của cô giáo Hương Giang. Sức hút ấy cộng hưởng với năng lực và trải nghiệm cá nhân khiến Hương Giang trở thành một nữ giảng viên được nhiều sinh viên theo học khoa Mỹ Thuật công nghiệp (trường Đại học Công nghệ Sài Gòn) mê tít.

nữ giảng viên
Nữ giảng viên Hương Giang (áo trắng) cùng các sinh viên trong lễ tốt nghiệp.

Du học trong “nhung lụa”, về Việt Nam để thử thách chính mình

Hương Giang tự nói về mình và những năm tháng du học như thế này: “Mình cũng không tiểu thư lắm đâu, ở nhà với bố mẹ thì thích nhõng nhẽo, nhưng ra ngoài, mình cũng tự xoay sở được, mình không phải là người quá lanh nhưng cũng mạnh mẽ đấy, không yếu đuối đâu! (cười)”. Từ khi học cấp 3, Giang đã muốn được đi du học để mở mang tầm mắt, khám phá thế giới nên sau khi tốt nghiệp không lâu, cô nàng đã khăn gói sang đất nước xa lạ cách nửa vòng Trái đất để học tập. 

nữ giảng viên
Nhan sắc ngọt ngào của cô giáo nghệ thuật Hoàng Hương Giang.

Giang thi vào trường California State Fullerton (California, Mỹ) và theo học ngành minh hoạ thiết kế (một ngành khá rộng, bao gồm làm poster, làm bìa tạp chí, làm bao bì v.v..., tương tự như thiết kế quảng cáo). Như nhiều du học sinh khác, cô mất 6 tháng để học tiếng trước khi học chương trình chính thức. Khi đó, Giang mới ngỡ ngàng nhận ra, vốn tiếng Anh khá “đỉnh” của mình hồi còn trong nước chưa thực sự đủ để cô tự tin sống và học tập trên đất Mỹ. 

Cô tâm sự: “Thời gian đầu, mình bỡ ngỡ lắm vì nghe nói chưa quen, phải mất hai năm trời mình mới tự tin giao tiếp như người bản xứ. Nói thật, để tránh thói quen tư duy ngôn ngữ tiếng Việt, mình phải tránh trò chuyện, gặp gỡ các bạn du học sinh Việt Nam khác trong một thời gian. Khi mình luyện được kiểu tư duy song song rồi, mọi việc lại bình thường. Còn cuộc sống, mình hòa nhập rất nhanh, vì rất chịu khó… đi chơi. Mình thường bắt xe bus một mình đi chỗ này chỗ kia, vừa để quen đường phố, vừa để khám phá cuộc sống quanh mình cũng như tận hưởng khoảng thời gian “rảnh” trước khi lao vào học chương trình Đại học”.

nữ giảng viên
Cô đã du học tại Mỹ trong thời gian 6 năm.

Ngành học của Giang được xếp vào kiểu ngành nghệ thuật nên hơi tốn thời gian hơn so với một số ngành khác. Cô kể, những năm tháng học Đại học cực kỳ vui, nhưng cũng vất vả vì phải làm rất nhiều đồ án, thức trắng đêm là chuyện bình thường.

Giang còn bận hơn những bạn cùng khoa, vì ngoài việc học, cô còn xin làm thư ký văn phòng trong trường California State Fullerton, ban đầu là ở Khoa Xã hội học, sau đó chuyển sang một văn phòng chuyên về học bổng và quỹ đầu tư cho đến tận lúc cô tốt nghiệp. Đây là công việc làm thêm, vừa để tích lũy kinh nghiệm sống, kiến thức vừa mang lại cho Giang một khoản thu nhập khá. Cô nàng tự lo được tiền sinh hoạt phí đắt đỏ tại Mỹ, còn bố mẹ hỗ trợ học phí.

nữ giảng viên
Cô gái có vẻ "tiểu thư" này đã tự làm thêm để trang trải sinh hoạt phí trong thời gian du học, dù gia đình cô hoàn toàn có thể chu cấp 100%.

Sau khi tốt nghiệp, Hương Giang thực tập thêm nửa năm nữa, làm tròn số năm ở Mỹ của mình lên 6, rồi trở về Việt Nam. Nói về quyết định của mình, Hương Giang chia sẻ: “Nói thật, hồi đó chưa bao giờ mình tính đến chuyện sẽ ở luôn Mỹ, chỉ muốn về Việt Nam thôi. Mình hồn nhiên lắm, nghĩ rằng mình sang Mỹ để học, sau khi học xong, thực tập, trải nghiệm đi làm luôn rồi, vậy là về! (Cười) Thỉnh thoảng nghĩ lại quyết định đó, mình cũng hơi tiếc, nhưng cũng không hối hận. Về Việt Nam, mình được thử thách bản thân, được đem những điều hấp dẫn mà mình trải nghiệm trong những năm tháng du học với mọi người, lại được ở gần gia đình nữa, rất tốt mà!”.

nữ giảng viên
Không chỉ tập trung học và làm thêm, cô nàng còn rất mê đi du lịch. Trong ảnh, Hương Giang đến Hy Lạp.

Sau một thời gian “ăn chơi” ở nhà để cân bằng chính mình, cô gái xinh đẹp đầu quân cho một công ty nước ngoài với việc quản lý thương hiệu, nhưng vì sợ… làm giờ hành chính và nguyên tắc cứng nhắc – những điều trái ngược với sự phóng khoáng, sáng tạo trong tính cách và ngành học của Giang – cô đã từ bỏ. Đó cũng là lúc Giang đến với công việc cô đã gắn bó hơn 2 năm nay với niềm hạnh phúc: giảng viên.

Đi dạy để được “trẻ mãi không già” 

Hương Giang tiết lộ, công việc hiện tại của cô đáp ứng đủ yêu cầu của một “công việc trong mơ”: phù hợp với ngành học, kiến thức; bận rộn nhưng không gò bó; sáng tạo và bất ngờ, luôn biến đổi… Hương Giang nói đùa: “Hồi xưa mình thích làm nhiều nghề lắm, làm báo, làm thiết kế thời trang – những nghề luôn phải làm mới mình mỗi ngày đó, vậy mà chẳng hiểu sao lại dính vào làm giảng viên nữa. Có lẽ vì ngành mình học và dạy hơi đặc thù, có thiên hướng nghệ thuật nên khác biệt, phá cách hơn một chút”.

Hương Giang chia sẻ, khi đi dạy, cô thấy mình được trẻ mãi không già và luôn phải học tập, trau dồi kiến thức mỗi ngày. “Mình dạy ngành nghệ thuật, bản tính vốn đã nhí nhảnh, nghệ sĩ rồi, lại gặp sinh viên rất lắm trò, sáng tạo và “khùng khùng” nên cô trò rất hợp nhau, còn bày trò cùng quậy nữa. Vì thế, dù đã gần tuổi “băm”, mình không thấy tâm hồn mình có chỗ cho sự già cỗi. Mặt khác, mình là một giảng viên trẻ, chưa có quá nhiều kinh nghiệm đứng lớp, cũng như không phải lĩnh vực nào mình cũng thông thạo, nên khi đụng vấn đề mới, khó hiểu mà cần giải thích cho sinh viên, mình cũng tự tìm tòi, nghiên cứu, vừa để giải đáp cho các em, vừa làm giàu thêm kiến thức cho mình”.

nữ giảng viên
"Mình đi dạy để được trẻ trung mỗi ngày".

Khi đi dạy, Hương Giang mới “phát hiện” ra, ngoài những kiến thức cô thu thập được, những kỹ năng trong thời gian hoạt động xã hội ở Mỹ thực sự là “kho báu”. Chúng giúp cô tự tin đứng lớp, thuyết phục sinh viên cũng như giữ cho cô tinh thần cởi mở, sẵn sàng chia sẻ với họ về các vấn đề xã hội và các môn học khác chứ không chỉ gói gọn trong môn mình dạy. “Điều mình luôn nhấn mạnh với tất cả sinh viên của mình, đó là hãy luôn là chính mình trong nghệ thuật lẫn trong cuộc sống, làm cái mà mình muốn làm chứ đừng chạy theo xu thế. Nhiều người nói được như vậy, nhưng để thực hành chúng triệt để thì không dễ. Với nghệ thuật, cá tính là yếu tố sống còn” – cô giáo xinh đẹp nhấn mạnh.

nữ giảng viên
Bài học quan trọng nhất mà Hương Giang luôn nói với sinh viên: Hãy là mình mỗi ngày.

Khi được hỏi, vẻ ngoài xinh đẹp có khi nào mang lại “rắc rối” trong quá trình đứng lớp không, Hương Giang cười hồn nhiên: “Không, có lợi là đằng khác. Vẻ ngoài dễ nhìn và tính cách thân thiện khiến sinh viên có cảm tình với cô hơn nên không nỡ bỏ lớp, bỏ bài, nói chuyện với sinh viên cũng dễ hơn. Mình cũng có khi bị các nam sinh chọc ghẹo vui vui nhưng chưa đến mức dám tán tỉnh hay nói hỗn bao giờ”.

nữ giảng viên
Xinh đẹp, theo Hương Giang là một lợi thế "phụ" giúp cô hoàn thành tốt công việc, bên cạnh kiến thức và trải nghiệm.

Với phụ nữ hiện đại, sự nghiệp và đam mê quan trọng hơn chồng

Ngoài việc làm giảng viên, Hương Giang còn mở một cửa hàng thời trang chuyên kinh doanh sản phẩm tự tay cô thiết kế. Mỗi mẫu chỉ có một vài chiếc và khi đã hết, cô sẽ không may thêm. Giang bảo, đó là ước mơ từ xưa của cô, nhưng vì bận và “lười” nên đến giờ, cô mới thực hiện được. Những bộ váy Giang thiết kế, cũng giống như cô: thanh lịch, tinh tế và độc đáo. Điều đặc biệt nhất là cô không thiết kế đồ dành cho người thuộc tuýp ốm o gầy còm mà “nhắm” vào các nàng hơi có da thịt một tí để tôn lên dáng vóc của người phụ nữ.

nữ giảng viên
Nữ giảng viên xinh đẹp ngao du ở Hàn Quốc.

Lý giải cho tiêu chí “kỳ cục” này, cô gái xinh đẹp cho hay: “Nó cũng bắt nguồn từ chính mình thôi. Mình đã từng mũm mĩm. Giờ thì mình gầy đi một chút, nhưng cũng không phải kiểu ốm o gầy mòn. Với mình, phụ nữ nào cũng có vẻ đẹp riêng, vậy mà cứ nói đến cái đẹp là y như rằng người ta nghĩ ngay đến mấy em “ốm đói”, thời trang cũng toàn thiết kế cho các em người mẫu. Trong khi đó, ý nghĩa thật sự của quần áo là làm đẹp cho người mặc nó, tức là ai cũng có quyền đẹp lên nếu mặc phù hợp với vóc dáng mình”.

nữ giảng viên
"Ý nghĩa thật sự của quần áo là làm đẹp cho người mặc nó".

nữ giảng viên
Nữ giảng viên xinh đẹp vẫn chưa vội kết hôn, vì cô muốn tập trung cho sự nghiệp của mình.

Với Hương Giang, bên cạnh công việc giảng viên, cửa hàng thời trang này là niềm đam mê của cô. Sống và trải nghiệm hết mình với những đam mê, đó là cách cô từng bước gầy dựng sự nghiệp của riêng mình. Giang quan niệm: “Với phụ nữ hiện đại, sự nghiệp rất quan trọng. Mình muốn có sự nghiệp vững vàng, có thể tự lập rồi mới quyết định gắn bó cả cuộc đời còn lại của mình với ai đó. Mình vẫn chưa làm hết được những điều mình muốn, nên chưa muốn “dừng chân”. Đó là lý do đến giờ mình vẫn chưa kết hôn, dù bố mẹ mình đã sốt ruột lắm rồi!”.
Chia sẻ