Nữ điều dưỡng trở thành nghệ nhân đá mỹ nghệ với trăn trở giữ nghề truyền thống

MINH NGỌC,
Chia sẻ

Chị Đỗ Thị Quyên (sinh năm 1989) là nữ nghệ nhân duy nhất được tặng danh hiệu "Nghệ nhân làng nghề cấp tỉnh" ở làng đá Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Làm bạn với đá từ nhỏ

Khác với nhiều cơ sở đá mỹ nghệ ở làng nghề với những phiến đá khổng lồ, máy móc đồ sộ, cơ sở của chị Quyên chuyên, sản xuất chế tác lư hương, bát hương, lọ hoa, tranh đá. Điều này cho thấy, nữ nghệ nhân đã có một hướng đi chuyên biệt và trở thành nữ nghệ nhân (nghề đá mỹ nghệ) duy nhất ở Ninh Bình.

Nữ nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Ninh Bình trăn trở về nghề

Theo chia sẻ, sau khi học xong phổ thông, chị Quyên theo học Cao đẳng Y tế Ninh Bình, tốt nghiệp xong chị học thêm một lớp bồi dưỡng chuyên môn, nhưng nhận thấy mình không có duyên với nghề y nên chị quyết định quay lại với nghề truyền thống từ đời cha ông để lại.

Chị Quyên kể, trước đây bố mẹ không khuyến khích vì nghề này vốn chỉ thích nghi tốt với môi trường làm việc khắc nhiệt, luôn ở ngoài trời chịu nắng, bụi bặm và tiếng ồn.

"Sau khi học xong cao đẳng y, xét thấy đi xin việc cũng còn là vấn đề khó khăn. Trong khi đó, kinh tế rất quan trọng, do từ nhỏ đã được làm phụ giúp gia đình nghề đá nên tôi đã có nghề và quyết định quay lại kiếm tiền".

Nữ điều dưỡng trở thành nghệ nhân đá mỹ nghệ với trăn trở giữ nghề truyền thống - Ảnh 2.

Chị Quyên chia sẻ về nghề.

Chị nói thêm: nghề đá thì phải chấp nhận bụi bặm, nhưng mỗi công việc thì phù hợp từng người; già, trẻ, phụ nữ thường đánh bóng, trổ nền, tỉa hoa văn, nhưng chỉ cần đam mê ai cũng có thể làm được.

"Bản thân tôi đến với nghề là bởi kinh tế, nhưng khi bắt đầu học nghề nghiêm túc, phải rất say sưa. Để hoàn thiện một bức tranh tứ quý theo cách thủ công, người thợ phải bỏ thời gian và công sức cả tháng trời, từ khâu chọn đá, mài bóng đến việc khắc họa tỉ mẩn những hoa văn nghệ thuật. Mỗi tác phẩm hoàn thành, từng câu chuyện làng quê được gửi gắm, tôi lại mong muốn làm thêm được thật nhiều sản phẩm nữa."

Nữ điều dưỡng trở thành nghệ nhân đá mỹ nghệ với trăn trở giữ nghề truyền thống - Ảnh 3.

Nữ điều dưỡng trở thành nghệ nhân đá mỹ nghệ với trăn trở giữ nghề truyền thống - Ảnh 5.

Với tài năng của mình, chị Quyên được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ở tuổi đời còn rất trẻ.

Về danh hiệu nghệ nhân, chị Quyên khiêm tốn bày tỏ, chị cũng như hàng trăm những người phụ nữ khác, trong số này có nhiều người còn "siêu" hơn chị rất nhiều. Danh hiệu đến với chị Quyên khi cách đây 2 năm được mời tham gia cuộc thi tay nghề ở tỉnh Ninh Bình, hai ngày trổ tài tác phẩm bức tranh trên đá về Cố đô Hoa Lư đã đoạt giải và được tặng danh hiệu "Nghệ nhân làng nghề cấp tỉnh'.

Sản phẩm làm ra bằng máy móc rất hiệu quả nhưng sẽ không tinh xảo nếu thiếu bàn tay con người

Sản phẩm làm ra bằng máy móc rất hiệu quả nhưng sẽ không tinh xảo nếu thiếu bàn tay con người

Trăn trở với nghề

Với thời đại công nghệ tiến tiến, nhiều khâu đoạn được thay thế bằng máy móc nên năng suất tăng cao, sản phẩm đã phong phú. Thế nhưng, nếu chạy theo xu thế thị trường, thì trong tương lai sẽ không thể có được những tác phẩm để đời.

Chị Quyên bộc bạch rằng, người mua luôn muốn có sản phẩm đẹp, chất lượng nhưng phải rẻ nhất. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì người thợ luôn phải "chạy đua" theo thị trường, trong khi đó với đá mỹ nghệ cần phải kết hợp sự tinh xảo và khéo léo từ bàn tay con người.

Nữ điều dưỡng trở thành nghệ nhân đá mỹ nghệ với trăn trở giữ nghề truyền thống - Ảnh 7.

Nhờ bàn tay khéo léo của con người...

Đã tạo ra những sản phẩm với tạo hình độc đáo.

"Do nhiều lý do khác nhau nhưng có lẽ ngày công (tiền công) so với các nghề khác đã khiến cho nghề bị ảnh hưởng, người ta sẽ làm cách nào nhanh nhất cho ra sản phẩm. Vì vậy, nếu không tìm được tiếng nói chung giữa khách hàng và nhà sản xuất thì có lẽ đến đời con cháu khó tìm được tác phẩm nghệ thuật tinh xảo", chị Quyên trăn trở.

Vì đam mê với nghề kiên trì và sáng tạo sản phẩm, chị Quyên luôn biết cách cho mình một hướng đi riêng, tìm hiểu kiến trúc ở khu tâm linh cổ để mình trau dồi thêm mẫu mã, hoa văn đẹp hơn. Hiện nay, sản phẩm của chị Quyên đang có mặt ở rất nhiều tỉnh thành, đây có thể là thành quả sau quá trình dày công xây dựng nghề.

Nữ điều dưỡng trở thành nghệ nhân đá mỹ nghệ với trăn trở giữ nghề truyền thống - Ảnh 9.

Chị Quyên với mong muốn truyền lại nghề cho người thân cũng như phát triển quy mô hơn nữa trong tương lai.

Tâm sự thêm về tương lai, nữ nghệ nhân cho biết, chị sẽ tập trung nâng cao kỹ thuật tay nghề và truyền lại cho chính những người thân trong gia đình và những ai có nhu cầu tìm đến học.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, huyện Hoa Lư cho biết: riêng đối với chị Quyên ở làng ai cũng biết từ nhỏ vừa học phổ thông nhưng vẫn hàng ngày phụ giúp gia đình "đục đẽo đá".

"Từ hồi học THCS Quyên rất khéo tay, chịu khó, tỉ mỉ và có nhiều tác phẩm đẹp, được khách hàng ưa chuộng."

Theo ông Diệu, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, hiện nay có tới trên 1 nghìn phụ nữ tham gia vào các công đoạn làm đá, trong đó có khoảng 200 phụ nữ làm thợ chính. Chị Quyên là một tấm gương tiêu biểu của làng đá luôn miệt mài, nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.

Chia sẻ