Nữ biên tập viên mảng làm đẹp này đã phải khổ sở mụn trên mặt do tránh thai và đây là cách cô đã làm để hết mụn

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Sau nhiều tháng đau đớn vì mụn do sử dụng biện pháp tránh thai, tôi đã tìm thấy sự trợ giúp mà tôi cần.

Julia Brucculieri là phóng viên mảng phong cách và làm đẹp của HuffPost, có trụ sở tại NYC. Cô đã từng tốt nghiệp đại học Carleton ở Ottawa, Canada. Julia cũng là một người yêu thích văn hóa nhạc pop, một người yêu lịch sử nghệ thuật và những người đam mê donut. Những chia sẻ của cô thường rất hữu ích và đem lại cảm hứng cho nhiều độc giả. Một trong số đó là chia sẻ về việc cô đã phải chịu đựng tình trạng mụn khổ sở như thế nào sau khi đặt vòng tránh thai.

Nữ biên tập viên mảng làm đẹp này đã phải khổ sở mụn trên mặt do tránh thai và đây là cách cô đã làm để hết mụn - Ảnh 1.

Khổ sở vì mụn do đặt vòng tránh thai

Khi còn là một teen girl, tôi rất ghét làn da của mình. Dù vẫn biết tình trạng mọc mụn trên da của tôi không thực sự quá tệ nhưng tôi vẫn thấy nó thật là kinh khủng vì tấy đỏ và tạo mảng. Những năm 20 tuổi, da tôi khá đẹp – không sáng hay mịn mượt hoàn hảo nhưng rất ổn. Bất cứ khi nào "đến tháng", tôi thức dậy là thấy ngay vài cái mụn nổi lên, đặc biệt ở quanh hàm và cổ. Nhưng chúng thường biến mất trong vòng 1 tuần (nếu tôi cưỡng lại được mong muốn nặn mụn).

Năm ngoái, khi tôi 26 tuổi, mọi thứ đã thay đổi.

Tôi quyết định đặt vòng tránh thai. Tôi không hề biết rằng chiếc vòng chữ T bé nhỏ đó giúp tôi tránh thai nhưng cũng gây tổn thất nặng nề cho làn da của tôi.

Đó là tháng 1 năm 2017. Sau vài năm không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào, tôi đã đặt vòng tránh thai có chứa hormone. Ngoài quá trình cấy vòng cực kỳ đau đớn, tôi vui vì quyết định này.

Một tháng sau, da tôi bắt đầu nổi mụn.

Nữ biên tập viên mảng làm đẹp này đã phải khổ sở mụn trên mặt do tránh thai và đây là cách cô đã làm để hết mụn - Ảnh 2.

Những bức ảnh này đều được chụp vào tháng 2/2017, khoảng một tháng sau khi đặt vòng tránh tránh thai.

Mụn mọc liên tiếp, đỏ ửng lên và gây đau đớn dữ dội quanh hàm và cổ tôi. Sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy, không chỉ riêng mình bị như vậy. Tôi ước giá mà tôi đã được cảnh báo trước về tình trạng nổi mụn này trước khi đưa một "vật thể lạ" vào trong tử cung.

Mặc dù tôi từng bị mụn dạng này trước đây, đặc biệt quanh thời điểm xảy ra chu kỳ kinh nguyệt, lần này lại có sự khác biệt. Mụn không biến mất sau khoảng 1 tuần dù kỳ kinh đã chấm dứt.

Cùng khoảng thời gian nổi mụn, tôi có buổi hẹn khám sau khi đặt vòng tránh thai với bác sĩ phụ khoa. Dù để ý thấy hiện tượng mọc mụn nhiều hơn thường lệ, tôi thú nhận là đã xem nhẹ mối lo ngại này. Tôi cứ nghĩ đó là do cơ thể vẫn đang làm quen với vòng tránh thai (và cả hormone nữa). Rốt cuộc, đám mụn đáng ghét cũng sẽ tự biến mất thôi.

Nhưng vào tháng 1 năm nay – chính xác là gần 1 năm sau khi đặt vòng tránh thai – tôi lại chào đón một đợt bùng phát mụn nang mới mà tôi không thể nào khỏi hẳn. Về bản chất, đó là món quà kỷ niệm tệ nhất mà tôi từng nhận. Ban đầu, tôi nghĩ da bị kích ứng vì một loại bột giặt mới dùng. Tôi cũng đi làm mặt nhân dịp sinh nhật và nghĩ rằng, nó có thể góp phần làm da nổi mụn. Nhưng tình trạng da tôi xấu tới nỗi mẹ tôi thậm chí còn hỏi có phải tôi bị thủy đậu không (bất chấp thực tế tôi từng bị thuỷ đậu khi còn nhỏ).

Tôi đã thử mọi cách để tự điều trị mụn. Đầu tiên, tôi ngừng dùng loại tinh dầu và serum yêu thích mà tôi đang thử nghiệm – là biên tập viên mảng làm đẹp, tôi thường xuyên phải thử nghiệm các sản phẩm mới nên da tôi có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Tôi trở về với những bước chăm sóc da cơ bản. Tôi cố gắng trị mụn bằng các sản phẩm Axit salicylic, sản phẩm chứa sulfur hay tinh dầu 100% trà xanh nhưng không hiệu quả. Tôi thử giảm hấp thụ đường và sản phẩm từ sữa, nhưng cũng không thấy có gì thay đổi. Khi một cái mụn nhỏ đi, một cái khác lại mọc lên ngay cạnh và cứ thế…

Nữ biên tập viên mảng làm đẹp này đã phải khổ sở mụn trên mặt do tránh thai và đây là cách cô đã làm để hết mụn - Ảnh 3.

Những bức ảnh này được chụp vào năm 2018, khi mụn trứng cá bắt đầu "bùng nổ".

Tháng 3 đã đến mà tình trạng da mụn của tôi vẫn chẳng khá hơn. Tôi tìm hiểu rất nhiều, đọc về các cách trị mụn khác nhau và nói chuyện với chuyên gia về da, chỉ hi vọng, làn da hết mụn.

Và thứ mà tôi tìm thấy là spironolactone - một loại thuốc kê đơn được dùng để điều trị huyết áp cao, suy tim. Khi dùng với liều thấp, "nó có tác dụng trị mụn liên quan tới hormone", Tiến sĩ Jennifer MacGregor đến từ Union Square Laser Dermatology ở New York, nhờ thành phần kháng androgen - nội tiết tố sinh dục nam (tương tự testosterone).

Vòng tránh thai chứa hormone giải phóng hormone – thông thường chỉ là progestin - khiến cơ thể bạn mất cân bằng đôi chút. Nếu lượng hormone androgen của bạn tăng - vốn gây kích thích quá đà cho tuyến dầu và dẫn tăng sản sinh thừa dầu – và vì thế dẫn tới các đợt bùng phát mụn. Spironolactone chặn các thụ cảm hormone androgen, vì thế, theo HealthLine, nó giúp ổn định lượng hormone.

Tôi tới gặp Tiến sĩ Samer Jaber tại Washington Square Dermatology (New York). Qua điện thoại, ông nói với tôi rằng, ông thường gặp các bệnh nhân phải vật lộn với tình trạng da nổi mụn nang sau khi đặt vòng tránh thai. Nhiều người trong số họ không thực sự biết đến tác dụng phụ gây mụn của vòng tránh thai. Ông cũng lưu ý rằng, thuốc tránh thai chứa hormone kết hợp - gồm cả estrogen và progestin – là lựa chọn điều trị mụn phổ biến.

Sau khi khám da cho tôi, Jaber giới thiệu tôi một vài lựa chọn, bao gồm, tháo vòng tránh thai (việc này tôi chưa thực sự sẵn sàng) và thử spironolactone kết hợp với thuốc bôi trị mụn. Tôi đã chọn cách thứ hai và rời khỏi phòng khám của bác sĩ với đơn thuốc có cả spironolactone và Aczone – gel trị mụn với ít nhiều hi vọng.

Thật may khi tôi bắt đầu nhận thấy sự khác biệt của da sau 2 tháng dùng thuốc. Mụn không biến mất một cách thần kỳ nhưng chúng ngày càng nhỏ đi và không gây đau như trước. Tác dụng phụ của thuốc, với riêng tôi, may mắn làm sao, chỉ ở mức tối thiểu: Thi thoảng tôi bị ra máu và đi tiểu tiện thường xuyên hơn. Nhưng cả 2 tác dụng phụ này đều qua nhanh sau vài tháng.

Giờ đây, khoảng 7 tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc, mụn trên da tôi gần như đã hết. Tôi còn vài nốt nhỏ xíu thôi nhưng không gì có thể so sánh với đống mụn nang mà tôi phải chịu đựng hồi đầu năm. Có thể nói, da tôi chưa bao giờ ổn đến thế. Tôi ít khi trang điểm nữa (tiết kiệm được kha khá).

Nữ biên tập viên mảng làm đẹp này đã phải khổ sở mụn trên mặt do tránh thai và đây là cách cô đã làm để hết mụn - Ảnh 4.

Ngay sau khi bắt đầu spironolactone vào tháng 3, tôi đã nhận thấy một sự khác biệt, và vào tháng Tư, tôi có thể thấy các dấu hiệu mờ dần.

Tiến sĩ Jaber lưu ý rằng, spironolactone không phải lựa chọn tốt cho những người bị bít lỗ chân lông (da nổi mụn đầu đen và đầu trắng), mụn quanh hai cánh mũi hay các dạng mụn không liên quan tới hormone khác.

Tuy nhiên, thứ hợp với tôi và làn da của tôi không hẳn đã hợp với tất cả mọi người. Hơn nữa, không phải ai cũng đặt vòng tránh thai chứa hormone mà bị nổi mụn như tôi. Điều tốt nhất bạn có thể làm trước khi bắt đầu bất cứ loại thuốc hay cách điều trị nào mới với da là xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

Một số tác dụng phụ khi tránh thai bằng phương pháp đặt vòng

Nữ biên tập viên mảng làm đẹp này đã phải khổ sở mụn trên mặt do tránh thai và đây là cách cô đã làm để hết mụn - Ảnh 5.

- Vấn đề kinh nguyệt: Đặt vòng tránh thai đôi khi có thể gây ra kinh nguyệt không đều kèm theo đau bụng.

- Thủng tử cung: Tác dụng phụ này của quá trình đặt vòng tránh thai thường xảy ra tại thời điểm chèn. Vòng tránh thai có thể xuyên qua mô tử cung dẫn đến chảy máu và các biến chứng khác. Bạn cần thông báo cho bác sỹ ngay lập tức nếu thấy có gì bất thường trong cơ thể.

- Vòng bị đẩy ra: Nếu vòng tránh thai được chèn ngay sau khi sinh con, vòng tránh thai có thể bị đẩy khỏi tử cung ra phía ngoài âm đạo trong vài tháng đầu tiên. Vì vậy, bạn nên trao đổi kĩ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình để biết thời điểm nào đặt vòng là thích hợp.

- Ảnh hưởng đến nội tiết tố: Sử dụng vòng tránh thai ngay sau khi sinh cũng có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, thay đổi tâm trạng, đau đầu và mụn trứng cá và căng ngực. Những triệu chứng này thường biến mất sau vài tháng.

- Bệnh viêm vùng chậu: Khi chèn vòng tránh thai vào cơ thể để kiểm soát sinh sản, chúng ta vô tình đã chèn một vật thể lạ vào cơ thể. Điều này đôi khi có thể gây kích ứng khi cơ thể cố gắng để loại bỏ các "vật lạ" và gây ra bệnh viêm vùng chậu.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bạn cần phải gọi bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị chảy máu, sốt và ớn lạnh hoặc tiết dịch âm đạo có mùi hôi. Bạn cũng cần đi kiểm tra theo định kì để đảm bảo vòng tránh thai luôn ở đúng vị trí và có tác dụng tốt.

Chia sẻ