NSƯT Hoàng Cúc - Tâm mà tĩnh thì lòng sẽ bình an

,
Chia sẻ

Giờ đây hằng đêm, từ 0h đến 1h sáng, Hoàng Cúc ngồi thiền. Để quên đi những tật bệnh. Để quên đi những vai diễn đôi khi đã vận vào đời chị như một nghiệp chướng.

Một buổi tối mùa thu Hà Nội ngan ngát hương hoa sữa đầu mùa, theo lời hẹn, tôi đến phố Linh Lang tìm gặp Hoàng Cúc. Ngôi nhà của chị nằm đầu một con ngõ, dễ thuộc, dễ nhớ. Tôi dừng bước trước địa chỉ của ngôi nhà khang trang, hiện đại và bấm chuông. Mở cửa đón tôi, Hoàng Cúc điềm tĩnh trong bộ quần áo màu trắng, chị nở một nụ cười đẹp nhưng hơi lạnh lùng vốn có, chào khách.
 

Chị dẫn tôi qua tầng 1 của ngôi nhà để lên tầng 2, phòng tiếp khách riêng của chị. Cảm giác ban đầu khiến tôi choáng ngợp là bởi căn nhà của chị được bài trí bởi một phong cách sang trọng, trẻ trung nhưng đầy nghệ thuật của một bàn tay khéo léo. Tôi không thể kìm nén được một câu tấm tắc khen. Hoàng Cúc chia sẻ, để làm được căn nhà 5 tầng với diện tích mặt sàn hơn 100 mét vuông này, chị đã tự mày mò thiết kế và đặt hàng theo ý thích riêng của mình và phải mất hàng năm trời để hoàn thiện nó.

Căn phòng của chị có một tủ rượu với đủ mọi nhãn hiệu, kiểu dáng, một tủ sách truyện, tiểu thuyết và hàng chồng kịch bản sân khấu. Nhưng đặc biệt hơn cả, căn phòng được bày rất nhiều ảnh chân dung của chị, như là một cuộc đời Hoàng Cúc được kể bằng ảnh qua từng năm tháng. Đó là những lát cắt về thời gian mà một người nhiếp ảnh chuyên nghiệp nào đó, phải rất hiểu Hoàng Cúc, mới có thể tìm được những "khoảnh khắc vàng" như thế. Cái vẻ mặt bầu bĩnh, lạnh lùng, đôi mắt "đen hạt nhãn", đôi môi gợi cảm dỗi hờn rất xinh của chị khiến người ta vừa sợ nhìn vào, nhưng khi nhìn thì bị quyến rũ, hút hồn đến khó có thể rời ra được.

Mải mê ngắm nhà, ngắm nột thất, khi đã ngồi vào bàn tiếp chuyện với chị, tôi mới kịp ngắm kỹ lại dung nhan tài năng một thời của điện ảnh và sân khấu nước nhà. Dạo này Hoàng Cúc phờ phạc đi nhiều vì với vai trò của một bà Phó Giám đốc chuyên lo tìm nguồn kịch bản cho Nhà hát kịch Hà Nội đỏ đèn, phải kiêm thêm nhiệm vụ lo cho vở kịch "Mắt phố" của Nhà hát đi Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009 ở thành phố Hồ Chí Minh.
 
Trong khi đó, hàng ngày, để chống chọi với căn bệnh ba-dơ-đô đã chạy vào tim giày vò cơ thể chị bao năm nay, chị phải uống hàng chục loại thuốc kháng sinh chống đỡ. Đấy là chưa kể đợt xạ trị "quá liều" vừa xong đã làm chị bị rụng tóc, sạm da và hao tổn sức lực quá nhiều. Chị mệt mỏi, uể oải nhưng chưa bao giờ đầu hàng bệnh tật.
 

Chị nói rằng, khi đau yếu, chị chỉ không có nhu cầu làm đẹp, vì có muốn cũng không thể đẹp hơn được, nhưng chưa bao giờ chị đầu hàng nó. Chị chấp nhận chung sống với nó. Thậm chí, chính vì có bệnh mà nhiều khi chị lại thấy cần phải yêu bản thân mình hơn bao giờ hết. Hoàng Cúc còn kể lại rằng, trong đợt Nhà hát dựng vở "Mắt phố" vừa rồi, hàng loạt diễn viên thi nhau lăn đùng ra ốm hoặc gặp những tai nạn hy hữu thì "bà già" Hoàng Cúc, vào vai chính, vẫn là người bám trụ duy nhất không nghỉ một buổi nào.

Hoàng Cúc vẫn thế, mạnh mẽ, quyết đoán và khả năng hài hước thì không kém những diễn viên hài… chuyên nghiệp, mặc dù chị ít khi thể hiện sự hài hước đó ra ngoài. Đối diện với chị, cho dù hồi chị trẻ, ở đỉnh cao hay lúc chị đã ở tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", thoạt đầu, luôn khiến người ta có cảm giác chị là một con người khó giải mã. Hình như chị vừa xa xôi lại vừa gần gũi, vừa nhẹ nhàng nhưng cũng hay cáu kỉnh, vừa ngại va chạm lại dễ chia sẻ, cảm thông. Ẩn bên trong dáng hình hơi phờ phạc của những đêm mất ngủ, vẫn là một Hoàng Cúc đầy nghị lực, chỉ cần chút lửa là sẽ cháy bùng lên, đầy đam mê nhưng cũng đầy cả tin.

Nhớ lại buổi ban đầu đến với nghệ thuật, Hoàng Cúc tâm sự rằng, chị vốn có năng khiếu ca nhạc nên chị từng được chọn làm diễn viên hát của Đoàn Nghệ thuật Tuyên Quang. Nhưng rồi số phận lại đưa chị đến với nghề diễn viên. Sau khi theo học Khoa Kịch nói, Trường Nghệ thuật Việt Bắc, chị đã về đầu quân cho Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội) và vào vai chính hầu hết những vở kịch "nổi" những thập niên 80 - 90 của Đoàn như: "Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh", "Tôi và chúng ta", "Em đẹp dần lên trong mắt anh", "Nghĩ về mình", "Ăn mày dĩ vãng", "Thầy khóa làng tôi", "Mùa hoa sữa"…

Nhiều người ở thế hệ chị vẫn cho rằng, xem Hoàng Cúc diễn, thường gây cho người ta một cảm giác căng thẳng và nặng nề. Nhân vật của chị dù khóc, dù cười, dù dịu dàng, đằm thắm hay dữ dằn, tàn bạo, bao giờ cũng như bứt người xem ra khỏi cuộc sống thực tế để hòa vào đời sống của nhân vật.
 
Hoàng Cúc vẫn còn nhớ một kỷ niệm hồi đi diễn ở miền Nam. Có một cô bé, xem xong vở diễn, chạy lên cánh gà và cứ đứng trân trân nhìn chị mà nước mắt giàn giụa. Chị không hiểu sự tình ra làm sao. Sau đó, bạn của cô bé mới thổ lộ rằng, bạn mình khóc chỉ vì... cô Hoàng Cúc: "Lần trước vào diễn, cô Cúc hiền thục, dễ thương, và là thần tượng trong mắt chúng cháu. Nhưng lần này sao cô lại trở nên… đanh đá đến vậy, độc ác đến vậy. Bạn cháu thấy vừa yêu, vừa tiếc lại vừa sợ cô… nên khóc".
 

Nghe kể xong sự tình, cả đoàn đã được một trận cười vì sự cảm nhận hồn nhiên của các cô bé. Nhưng bản thân Hoàng Cúc sau khi an ủi cô bé khán giả, đã thầm biết ơn những giọt nước mắt ấy. Chính vì có nó, chị biết mình đã nhập vai thành công. Và cũng chính sự khóc cười của khán giả, đã nâng bước chị bước tiếp trên chặng đường nghệ thuật sân khấu vốn không phải là "mốt thời thượng" trong thời kỳ chuyển qua giai đoạn kinh tế thị trường!

Hoàng Cúc thành công trên sân khấu kịch và luôn thừa nhận là yêu sân khấu hơn điện ảnh nhưng công bằng mà nói, Hoàng Cúc đã thực sự sống được rộng rãi trong lòng khán giả là nhờ những vai diễn điện ảnh. Với điện ảnh, chị đã bộc lộ sở trường của mình trong việc thể hiện những mô-typ đàn bà sắc sảo, quyền biến, nhiều tham vọng và thích làm những việc "kinh thiên, động địa".

Một Thủy, cô con dâu có học nhưng thực dụng, mã thượng, biết cách để tồn tại ở thời mở cửa bon chen và nhiều toan tính trong phim "Tướng về hưu" (Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi), một Tám Bính trong phim "Bỉ vỏ" (Đạo diễn Lương Đức, Vũ Lệ Mỹ) từ một gái quê hiền lành, chất phác, nhưng bị hoàn cảnh xô đẩy đã trở thành một kẻ ăn cắp ham mê trụy lạc, một cô Thảo phim "Sa bẫy" (Đạo diễn Lê Đức Tiến) một nữ quái với những thủ đoạn khôn lường để kiếm tiền cho những cuộc trốn chạy khỏi đất nước đổi lấy sự phù hoa… Tất cả đã thể hiện một Hoàng Cúc sắc sảo, chua chát, đáng sợ mà không bị lên gân, cường điệu.

Chị là một diễn viên thông minh vì biết "gẩy" đúng tâm lý nhân vật, đưa nhân vật hòa vào đời sống muôn điệu thường ngày. Cho dù trong hoàn cảnh nào, chị cũng luôn biết cách lấy nước mắt, nụ cười lẫn cả sự căm thù trong lòng khán giả. Hoàng Cúc tâm sự rằng, trước mỗi vai diễn, chị luôn nghĩ mình phải diễn như thể, nếu kết thúc vở diễn này, căn bệnh mạn tính có thể quật ngã chị, và sẽ có thể, chị không có cơ hội quay trở lại sân khấu, nơi chị sống hằng đêm với từng mảnh đời khác, thân phận khác nhưng cũng đa diện không kém gì chính cuộc đời thật mà chị đang trải qua.

Ở một khía cạnh nào đó, Hoàng Cúc may mắn hơn nhiều diễn viên cùng thời, vì chị không phải đối mặt với cơm áo trong thời buổi sân khấu đang thực sự gặp phải những khó khăn. Theo lời khuyên của một ông thầy tử vi mấy chục năm trước, sau khi thử sức với lĩnh vực kinh doanh để "cải thiện đời sống" như kinh doanh rượu, áo cưới, nhà hàng… không thành, chị đã quay ra kinh doanh bất động sản và… trúng mánh. Những năm 90, có ít tiền tiết kiệm chị đã đầu tư hàng trăm sào đất và giờ thì chị đã trở thành… bà tỉ phú. Chị ở nhà sang, đi xe hơi đắt tiền và đủng đỉnh… làm nghệ thuật chân chính.

Cho dù thế nào đi nữa, thì Hoàng Cúc thuộc typ người phụ nữ biết cách cân bằng cho cuộc sống của mình, cho dù số phận của người đàn bà đẹp ấy, chưa bao giờ lành lặn. Có nhiều người không hiểu vì sao chị luôn sống khép kín và ít khi bộc lộ chuyện riêng tư. Có gì đâu, đơn giản chỉ vì chị muốn nó ngủ yên trong quá khứ. Bởi vì khơi dậy thì nó cũng chỉ như một viên sỏi ném xuống ao bèo, chẳng đủ làm thay đổi được mặt hồ vốn dĩ đang phẳng lặng.
 

Tôi, cũng như bao nhiêu người đến gặp chị, muốn hỏi chị một điều riêng tư, muốn biết hiện giờ chị sống thế nào, chị có cô đơn trong ngôi nhà rộng thênh thang với sự im lặng nhiều khi đến đáng sợ? Có chứ! Chị cũng là một người đàn bà vốn dĩ có tâm hồn nhạy cảm và đa đoan với những bước đi trong đời sống.

Tình yêu thời tuổi trẻ với anh họa sĩ, nhà báo tài hoa cũng có lúc đã nuôi nấng trái tim chị vượt qua bao điều phiền muộn, đủ cho chị nếm trải những hạnh phúc ấm áp. Tuy hồi đó, "hai trái tim vàng" chỉ sống trong một căn phòng có 8 mét vuông cùng cậu con trai nhỏ và hai đứa cháu, nhưng những ngày tháng đó rất đẹp và dĩ nhiên chị đã bồng bềnh như đi trong ảo ảnh của những bức họa có sức hút mê hồn mà người đàn ông ấy đã si mê vẽ tặng chị.

Nhưng rồi, khi sự lãng mạn không đủ cho đời sống, sự cẩu thả đến buông tuồng không đủ để đẹp trong mắt nhau, khi tình yêu không đủ mạnh để chiến thắng lý trí, thì tốt nhất, nên cởi trói những ràng buộc cho nhau để không ai phải khổ. Đó là một quyết định đúng và chị không hối tiếc nếu như đó cũng chính là sự an bài của số phận. Và, tất nhiên, tôi cũng hỏi chị một câu, mà tôi đồ rằng có nhiều người thắc mắc, là tại sao, ngần ấy năm, một người đàn bà đẹp như chị vẫn chỉ sống một mình? Chị cũng chỉ cười, một nụ cười rất nhẹ và từng trải.

Sự từng trải cũng đã khiến chị hiểu rằng, "thêm một" là thêm những điều phiền muộn, lắm khi rắc rối. Chị nói vậy, không phải vì chị là người quá hiện đại, cũng không phải vì chị là một nghệ sĩ, mà ai ở tuổi chị cũng sẽ có một nỗi khao khát duy nhất, nỗi khát khao chung của những người mẹ, đó là khát khao đứa con trai duy nhất của mình sẽ trưởng thành, lớn khôn theo cách tốt nhất có thể. Bây giờ, lòng chị chỉ hướng về con.

Và giờ đây hằng đêm, từ 0h đến 1h sáng, Hoàng Cúc ngồi thiền. Chị học thiền như là cách để mình lạc vào cõi vô vi mà lòng chẳng muộn phiền một điều gì cả. Để quên đi những tật bệnh. Để quên đi những vai diễn đôi khi đã vận vào đời chị như một nghiệp chướng. Chị bảo, tâm mà tĩnh thì lòng sẽ bình an.

Tôi tạm biệt chị ra về khi ngoài đường đã thưa vắng người và gió se se lạnh của tiết thu Hà Nội lùa vào không gian. Hoàng Cúc tiễn tôi ra cổng, vừa đi chị vừa thầm đọc hai câu thơ của một Phật gia nào đó mà chị đã "nằm lòng": "Giũ áo bụi đời ngàn vạn kỷ/ Trở về yên tĩnh xứ vô vi"

Theo CongannhandanOL

Chia sẻ