Nỗi "thèm người" và niềm đau day dứt trong thế giới của bệnh nhân tâm thần

Huyền Trang - Chí Toàn,
Chia sẻ

Thế giới của những bệnh nhân tâm thần là những nụ cười ngây dại, những uẩn ức, là nỗi "thèm người" và cả những niềm đau chưa dứt…

Những phụ nữ … "thèm" người

Đã chuẩn bị trước tâm lý, đã được các bác sĩ dặn và tự dặn mình, họ cũng là những con người như mình, chỉ khác là đang bị bệnh, vậy mà bước chân vào buồng bệnh của khoa 6, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, chúng tôi không khỏi bị sốc. Sốc khi nghe tiếng cười ré lên, khi thấy ai đó thơ thẩn đi lại, thi thoảng lại nghiêng đầu nhìn vào mặt hoặc đứng sát vào khách lạ, người u ơ hát ru… và cũng quặn lòng vì cái cách họ nói cười hồn nhiên như con trẻ, cái hồ hởi tiếp chuyện của những thân phận… "thèm" người. Các bác sĩ bảo, trò chuyện cởi mở với bệnh nhân, lắng nghe tâm tư, tình cảm của họ cũng là một liệu pháp giúp họ mau khỏi bệnh.

Nỗi
Thế giới của người điên cũng đầy cảm xúc, những khóc, cười, cô đơn, tủi hổ và cả niềm hân hoan…

Ngoại trừ những trường hợp tâm thần bẩm sinh, đa số bệnh nhân ở đây cũng có những chuỗi tháng năm bình thường, chỉ sau cú sốc hay một kích động nặng nào đó, họ mới bị bệnh. Trẻ có, già có, mỗi người một bệnh trạng, một biểu hiện khác nhau, nhưng họ đều thích nói chuyện cả. Họ một nửa sống trong thế giới riêng của mình với những bước chân xiêu vẹo, thế giới mà có lẽ bản thân họ cũng không nắm bắt hết được; một nửa khao khát giao tiếp với người ở thế giới bên ngoài, mà họ gọi là "ở kia": anh chị ở kia đến à? Ở kia dạo này thế nào? ...

Nỗi
Có khi họ ưa chuyện trò, cũng có lúc chỉ thích chìm vào thế giới của riêng mình.

Thấy người lạ đến thăm, mỗi người mỗi phản ứng. Có người nhổm dậy nhìn, vẫy chào thân thiện, có người lảng ra chỗ khác, người thì… giả vờ ngủ. Cái dáng ngủ của những phụ nữ ở đây cũng lạ, ai cũng nằm co, khi thì kẹp tay vào giữa hai đầu gối, khi thì co gối cao đến tận cằm – dáng nằm nguyên sơ của bào thai thuở còn trong bụng mẹ. Khi được hỏi tên gì, quê ở đâu, ai nấy đều trả lời vanh vách.

Nhưng nếu hỏi: "có bệnh gì mà vào đây chữa", thể nào họ cũng cự lại. N. – một bệnh nhân khá trẻ nguýt dài một cái rồi quát chúng tôi: "Ở đây chẳng có ai bệnh tật gì hết, mọi người bị ốm nên đến đây an dưỡng thôi!" Khi chúng tôi đến, N. cũng đang đắp chiếu lên người ngủ ngon lành.

Nỗi
N. có sở thích đắp chiếu lên người khi ngủ.

Quen quen được một lúc, N. rất mau chuyện. Cô hỏi chúng tôi liên tục, hết chuyện làm nghề gì, nhà ở đâu, vào thăm người nhà hay vào an dưỡng cho đến chuyện có chồng, có vợ chưa, có hạnh phúc không… Đang hào hứng khoe: "Hôm trước em đang đi chơi vui, lên tận lăng Bác thì các anh bảo vệ lại đưa về nhà", chúng tôi khen cô xinh và xin chụp ảnh, N. ngượng đỏ mặt. Cô nói giọng như dỗi: "Ơ cái anh này dở người à (?!), sao cứ đi theo chụp ảnh người ta thế? Em không xinh đâu!"

Nỗi
 N. (góc phải) cũng khá hoạt ngôn và thích giao tiếp.

Gần đó, một bệnh nhân khác, trạc 18, 19 tuổi, khuôn mặt thư sinh trắng trẻo, lờ đờ khi nhìn chúng tôi. Cô đi chậm chạp, cử động có vẻ rất khó khăn, ngước đôi mắt trong veo lên nhìn người lạ, thỏ thẻ gì đó vào tai N. rồi đi xuống phía giường bệnh của mình. Không rõ cô vì lẽ gì mà vào đây, nhưng các bệnh nhân tỉnh táo hơn kể lại, cô gái này rất thích giở quần áo ra tự ngắm cơ thể mình.

Nỗi
Cô khoe, các bệnh nhân bên cạnh là chị em thân của mình.

Những bệnh nhân trẻ vào điều trị trong viện tâm thần đã tội nghiệp, nhưng nhìn những phận già, sống mũi chúng tôi thêm cay. Những người già chúng tôi trò chuyện có vẻ ít lời hơn, nói năng lẫn lộn, lắm khi câu sau “đá” câu trước, những câu chuyện quá khứ như vỡ vụn, rời rạc. Một bà già đang nằm, đột ngột nhỏm dậy hỏi: "Cô chú có thích văn nghệ không, tôi hát cho mà nghe" rồi chẳng chờ khách đáp lời, bà đứng phắt dậy, vừa đi vòng quanh phòng bệnh vừa nghêu ngao hát bài ca cũ kỹ nào đó, chúng tôi không nghe rõ lời, nhưng giai điệu giống với nhạc hồi những năm 80 – 90 của thế kỷ trước.

Nỗi
Đang lơ mơ ngủ, thấy khách lạ, người đàn bà này bật phắt dậy…

Hát chán, bà lại đi đến từng giường, hai tay khoanh trước ngực "điều hành" các bệnh nhân khác nằm ngủ rồi quay sang toe toét cười, nhấm nháy với chúng tôi: "Chú có thuốc lá không, tôi xin điếu?"

Nỗi
…đãi chúng tôi một bài hát xưa cũ…

Nỗi
… rồi nhắc các bệnh nhân khác… ngủ ngoan.

Một bà cụ khác thấy chúng tôi ngồi trò chuyện với các bệnh nhân thì nhìn nhìn rất lâu, rồi cười hiền lành, bảo: "Sao hôm nay mày mới chịu vào thăm bà? Thế đã cho bà về chưa?", chắc bà tưởng chúng tôi là người nhà.

Những thân phận bị bỏ rơi

Nói chuyện với những bệnh nhân tâm thần, hiểu cái nỗi "thèm người" của họ, chúng tôi mới thấm thía tâm sự của các bác sĩ nơi đây: điều trị bệnh tâm thần đòi hỏi sự kiên nhẫn, có thể mất hàng tháng, hàng năm, thậm chí nhiều năm hoặc suốt đời. Đáng buồn là một số gia đình có người thân bị tâm thần, sau khi đưa đi khắp nơi khám chữa, tiền hết mà bệnh vẫn chưa khỏi nên chán nản, không quan tâm, thậm chí bỏ rơi người bệnh cho bác sĩ.

Ở khoa 3 Bệnh viện Tâm thần Trung ương cũng có một trường hợp như thế. Bệnh nhân Tạ T. L. (sinh năm 1966, quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình) đã hết thời gian điều trị theo quy định của bệnh viện được gần 1 năm. Bác sĩ Trưởng khoa 3 cho biết, gia đình chị L. chỉ đến thăm chị 1 lần, rồi bặt vô âm tín. Bệnh viện đã tìm mọi cách liên lạc với gia đình để đến đón chị về, nhưng báo tin 3 lần vẫn chẳng thấy đâu. Gia đình chị không ai tới, viết thư về địa chỉ ở quê không có hồi âm, ngay cả số điện thoại cũng đã thay đổi. Gia đình chị L. có 8 anh chị em thì hết 4 người bị bệnh tâm thần. Riêng ở Bệnh viện Tâm thần Quốc gia, ngoài chị L. còn có em trai chị cũng đang điều trị ở khoa 5.

Nỗi
Những bệnh nhân tâm thần rất cần tình cảm của gia đình.

Các bác sĩ ở đây rất áp lực, vì theo đúng quy định, khi đã hết thời gian điều trị, bệnh nhân phải được xuất viện. (Sau đó, tùy tình hình bệnh và gia đình, bệnh nhân sẽ phải nhập viện tiếp hoặc được về nhà). Bệnh viện và các Khoa điều trị vẫn phải chăm sóc y tế và ăn ở cho bệnh nhân bị bỏ rơi trong khi họ không có quỹ hay nguồn kinh phí nào để dùng cho những trường hợp như thế này. Người nhà không đến đón, bệnh viện càng không thể để bệnh nhân lang thang bên ngoài.

Nỗi
Mỗi người một kiểu, có người thích hát, người hay khóc, người bạo lực, cũng có người hay cười như N…

Bác sĩ trưởng Khoa 3 kể, những lúc lên cơn, bệnh nhân L. ở trong trạng thái kích động, thường cởi trần truồng, lăn lộn ra đất, bất kể vũng nước hay chỗ bẩn. Bệnh nhân này còn có xu hướng bạo lực, đã từng đòi móc mắt bệnh nhân khác. Tỏ ra rất bối rối, chị L. nhỏ nhẹ trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Chị L. bảo hồi còn ở nhà với mẹ, có hôm mẹ đang nấu khoai cho ăn, tự dưng chị nổi điên lên và lấy dao chém mẹ. Bà bị thương rất nặng, phải nằm bệnh viện một thời gian, 3 năm sau thì mất, nhưng "không mắng tôi câu nào, bà thương tôi lắm".

Những mốc ngày tháng chị cũng không nhớ rõ ràng, nhưng biết sau khi mẹ mất, chị bỏ vào miền Nam, lấy chồng và có hai đứa con, một trai một gái. Con lớn đã 29 tuổi, nghe đâu đã có gia đình riêng rồi. Chồng chị trồng café ở trong Nam, ở tỉnh nào chị cũng không nhớ, chỉ nhớ bị ung thư mà mất. Chị bỏ con ở đó cho em chồng nuôi hộ rồi về quê Quảng Bình. Lúc này, bố và các em mới quyết định đưa chị lên Hà Nội chữa bệnh.

Nỗi
… và ai cũng muốn được yêu thương.

Chị L. phân trần: "Ở Huế cũng có bệnh viện tâm thần, gần quê hơn nhưng nhà tôi nghĩ là ra Hà Nội, vào viện Trung ương, tôi sẽ có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Chắc ở nhà giừ (giờ) khó khăn quá, bố thì già, các em tôi cũng chưa có tiền nên chưa đến đón thôi, chứ không bỏ rơi tôi lại đây đâu!". Nghẹn ngào, chị L. tiếp: "Giừ chỉ mong gia đình sẽ đến trả tiền viện phí, đón tôi và em trai về đoàn tụ thôi. Ở đây các bác sĩ rất tận tình, nhưng tôi khỏi bệnh rồi, tôi nhớ nhà lắm!"

Chia sẻ