'Nới lỏng' giãn cách xã hội: Tuân thủ '5 không', cẩn trọng các khu tập trung đông dân, ký túc xá

Tạ Nguyên,
Chia sẻ

Khi nới lỏng giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế, sản xuất sẽ được phục hồi, học sinh đi học trở lại… Trong bối cảnh đó, cần có những quy định về phòng dịch càng cụ thể càng tốt ở từng lĩnh vực. Đặc biệt chú ý những nơi tập trung đông người lao động, các khu ký túc xá...

'Nới lỏng' giãn cách xã hội: Tuân thủ '5 không', cẩn trọng các khu tập trung đông dân, ký túc xá - Ảnh 1.

Người dân cùng một lúc vi phạm nhiều quy định: Ra đường khi không thật cần thiết; không đội mũ bảo hiểm; không đeo hoặc đeo khẩu trang không đúng quy định (ảnh chụp trên phố Hàng Gai trưa 21/4/2020). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Phải thực hiện “5 an toàn” đảm bảo phòng dịch

Tính đến ngày 22/4, Việt Nam đã hoàn thành 22 ngày thực hiện giãn cách xã hội, kết quả đạt được là 6 ngày liên tiếp (17-22/4) không ghi nhận thêm ca mới mắc COVID-19, số ca mắc các ngày trước đó cũng giảm rõ rệt.

Đây là thành quả không nhỏ nhờ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện tốt công tác khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch, nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân.

Đánh giá về hiệu quả của cách ly xã hội thời gian qua, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: "Việc không ghi nhận ca mới mắc COVID-19 liên tục trong những ngày qua là một tín hiệu mừng. Thời gian vừa qua, Việt Nam thực hiện việc giãn cách xã hội, người dân đã thực hiện hạn chế tiếp xúc nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, việc người dân ở nhà cũng là biện pháp giúp những người không biết mình mắc bệnh có triệu chứng nhẹ hay không triệu chứng, không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng".

'Nới lỏng' giãn cách xã hội: Tuân thủ '5 không', cẩn trọng các khu tập trung đông dân, ký túc xá - Ảnh 2.

Mật độ người tham gia giao thông đông trở lại trên phố Lò Đúc, trong thời gian giãn cách xã hội (ảnh chụp chiều 21/4/2020). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Thành công lớn nhất của giãn cách xã hội là hạn chế sự thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng, để dịch không bùng lớn. Tuy nhiên thực tế sắp tới, vẫn có thể có những ổ dịch nhỏ, cần cố gắng khống chế, không để "đốm lửa bùng thành đám lửa lớn".

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu theo đề xuất, sau ngày 22/4, nhiều địa phương sẽ được “nới lỏng” khi các hoạt động kinh tế, sản xuất đi vào hoạt động; học sinh cũng chuẩn bị đi học trở lại, lúc này toàn dân không chỉ tiếp tục thực hiện triệt để quy tắc “4 an toàn”, mà thậm chí là “5 an toàn”, mới đảm bảo phòng dịch.

Cụ thể "5 an toàn" cần thực hiện là:

Thứ nhất, người dân tiếp tục thực hiện đeo khẩu trang vì đeo khẩu trang là việc quan trọng nhất trong phòng chống các bệnh lây lan qua đường hô hấp.

Thứ hai là phải tiếp tục duy trì, tránh việc giao tiếp gần dưới 2 mét.

Thứ 3 là không nên tụ tập đông người.

Thứ 4 là hạn chế đi ra khỏi nhà nếu không cần thiết và đặc biệt lưu ý những đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền.

Thứ 5 là khai báo y tế đầy đủ, nhất là khi có những triệu chứng như: sốt, ho, khó thở, kể cả triệu chứng mệt mỏi mà không tìm ra nguyên nhân… khi khai báo, người dân sẽ được tư vấn, hướng tới làm xét nghiệm, chẩn đoán điều trị, sàng lọc ca bệnh trong cộng đồng.


"Sắp tới, các hoạt động bình thường trở lại sẽ làm tăng những nơi tập trung đông người, nếu không quyết liệt thực hiện phòng bệnh dịch rất dễ bùng phát mạnh. Bởi hiện tại trong cộng đồng chưa thể hết ca bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn, nhất là những trường hợp nhẹ không có biểu hiện rõ các triệu chứng bệnh dễ làm lây lan ra cộng đồng", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh thêm lần nữa.

Đặc biệt chú ý trường học, khu công nhân, KTX

“Khi các hoạt động trở lại, mỗi lĩnh vực cần có những quy định cụ thể, càng cụ thể càng tốt về phòng dịch để dễ thực hiện và kiểm tra. Hiện Bộ Y tế đã xây dựng những hướng dẫn nguyên tắc chung với từng môi trường như: Trong nhà máy xí nghiệp, cho hệ thống phương tiện công cộng, cho các loại hình phương tiện giao thông… nhưng mỗi bộ, ngành cần có quy định chi tiết riêng”, PGS.TS Trần Đắc Phu đề xuất.

Chia sẻ