Nỗi khổ của sự áp đặt

,
Chia sẻ

"Sự áp đặt chỉ làm tình cảm sứt mẻ và khiến người kia cảm thấy gò bó và không được tôn trọng mà thôi".

Đang hí hửng với mái tóc mới cắt ngắn rất hợp, Huyền gặp ngay cái nhìn "tóe lửa" từ chồng rồi anh đùng đùng ra khỏi nhà. Mẹ chồng nhìn con dâu lắc đầu: "Nó ghét nhất là con gái để tóc ngắn. Tí nó nguôi giận, nhớ mà xin lỗi". Huyền thấy chưng hửng, chẳng hiểu mình có lỗi gì mà phải xin.
 
Thật ra, từ lúc yêu Hải, mỗi lần Huyền định cắt tóc ngắn, Hải đều bảo không thích. Nhưng cô không ngờ lấy nhau rồi anh lại tỏ ra giận dữ thế, chẳng thèm nói với vợ câu nào suốt ba ngày liền.

Theo suy nghĩ của anh thì đàn ông khác đàn bà là ở mái tóc nên đã là phụ nữ là phải để tóc dài. Khi Huyền bày tỏ: "Nhiều người khen em cắt tóc đi nhìn trẻ và xinh hơn. Với lại em vẫn rất nữ tính đấy chứ", thì Hải cũng chẳng buồn nghe.

Ngoài việc ghét vợ cắt tóc ngắn, Hải còn không thích cô mặc váy, trang điểm hay mặc áo cổ trễ... Nhiều khi chuẩn bị đi dự tiệc hay đến chơi nhà bạn bè, người thân, hai người lại giận dỗi, có khi hủy buổi chỉ vì chuyện áo quần của vợ. "Mà nào mình có ăn mặc hở hang gì cho cam, chỉ là cái áo màu hơi rực rỡ hay cổ hở rộng một chút...", Huyền tâm sự với bạn thân.

Nhiều lúc cô còn bảo: "Ngày trước mình cũng mặc thế mà có thấy nói gì đâu. Thế mà giờ lúc nào cũng "em phải thế này, em không được thế kia". Nếu lúc yêu mà biết anh ấy như thế thì không đời nào mình lấy. Giờ chẳng lẽ lại vì thế mà bỏ nhau?".
 
Chỉ vì mái tóc mà hai vợ chồng xảy ra chiến tranh lạnh. Ảnh minh họa

Cũng ở vào hoàn cảnh của Huyền, Nhung ở Thanh Trì, Hà Nội còn bức xúc hơn vì chồng cô can thiệp quá đáng vào cuộc sống riêng của vợ. Sau khi cưới, Hòa, chồng cô, không thích vợ chơi với nhóm bạn trai thân hồi đại học hay tham gia các hoạt động tình nguyện như hồi còn son. Dù rất ấm ức và cũng tranh cãi nhiều về những việc đó nhưng cuối cùng, vì không muốn gia đình căng thẳng, Nhung cũng nghe theo chồng.

Thế nhưng Hòa không dừng ở đó, sau khi vợ sinh con, anh đề nghị vợ ở nhà thu vén gia đình, không đi làm nữa. Nhung không chấp nhận, cô yêu công việc và khẳng định dù đi làm cũng cân đối thời gian lo cho gia đình, nhưng anh nhất định không nghe. "Trước khi cưới chúng ta đã thỏa thuận anh sẽ không bao giờ bắt em nghỉ việc cơ mà", Nhung nhắc lại với chồng thì Hòa lạnh tanh đáp lại: "Trước khác, giờ khác".

Bây giờ, ngay cả việc về thăm bố mẹ đẻ hay bạn bè, Nhung cũng phải xin phép và nếu chồng đồng ý mới được đi.

Nhung đang rất stress. Cô cảm thấy mình như bị tước đoạt hết quyền tự do cá nhân. Cuộc sống của cô tuy đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu thốn rất nhiều.

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tính thích áp đặt "nửa kia" theo ý của mình thường có ở cả nam và nữ, tuy nhiên, mỗi giới lại có cách biểu hiện khác nhau.

Những ý muốn của phụ nữ với người đàn ông của mình thường là thiên về sự thể hiện trách nhiệm, mong nửa kia biết tự chăm sóc bản thân, biết lo cho gia đình, yêu vợ, thương con, giúp đỡ việc nhà... Nhưng phụ nữ thường không áp đặt và nếu như không đạt được mong muốn, họ chỉ biết buồn hay nghĩ chồng đã thay đổi hoặc không quan tâm đến mình.

Còn nhiều đàn ông lại hay có những mong muốn thể hiện sự chiếm hữu. Họ muốn vợ bớt những mối quan hệ bên ngoài, bớt mặc đẹp vì sợ người khác để ý, chỉ lo cho gia đình thôi, biết nghe lời chồng...

Sự áp đặt của đàn ông thường bắt nguồn từ tính gia trưởng, với ý nghĩ: "Cô là vợ tôi, cô thuộc sự chi phối của tôi và phải nghe lời tôi". Nếu vợ không làm theo ý mình, họ hay nghĩ đó là người vợ không tốt, không đảm đang, nết na...

Nhà tâm lý Hồng Hà cho rằng, nếu có chồng hay áp đặt kiểu này sẽ là thiệt thòi với người vợ. Tốt nhất, các bạn gái cần tìm hiểu thật kỹ về quan điểm, lối sống của "nửa kia" ngay từ thời yêu đương. Nếu đã chung sống, biết tính của chồng hay áp đặt thì chị em cần biết dung hòa, không nên quá căng thẳng, tìm cách chống đối hay ngược lại, quá nhu nhược, nghe theo mọi sự sắp đặt.

"Vài điều nho nhỏ như cách ăn mặc, nói năng... chị em có thể nhún nhường một chút, nhưng riêng những việc quan trọng như các mối quan hệ, công việc, gia đình mình thì người vợ phải thật kiên quyết, bảo vệ chính kiến của bản thân", bà Hà nhấn mạnh. Theo bà, trong những trường hợp có xung đột, nếu không thể thuyết phục được, chị em phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân. "Cái khó là, thường gia đình của những người chồng gia trưởng lại vào hùa với con trai chứ chẳng mấy khi đứng về phía nàng dâu", bà bộc bạch.

Qua kinh nghiệm tư vấn nhiều năm, chuyên gia tâm lý cho rằng, chuyện chồng áp đặt vợ rất hay gặp trong các gia đình Việt, kể cả gia đình trẻ và đây là vấn đề rất khó giải quyết. Lý do là trong chuyện này, người cần thay đổi là anh chồng, tuy nhiên, anh ta lại là người rất bảo thủ. Nhiều người đàn ông lấy vợ không phải để lập gia đình nhỏ mà chỉ là thêm người nhập vào gia đình lớn của mình và bắt vợ phải tuân theo mọi nề nếp trong đó. Điều này làm người phụ nữ rất tổn thương.

"Dù đã là vợ chồng nhưng mỗi người vẫn có cá tính, sở thích và các mối quan hệ riêng mà cả hai đều phải tôn trọng nhau. Sự áp đặt chỉ làm tình cảm sứt mẻ và khiến người kia cảm thấy gò bó và không được tôn trọng mà thôi", nhà tâm lý nói.

Minh Thùy
Theo Vnexpress
Chia sẻ