Nỗi đe dọa cho con đến từ bình sữa

,
Chia sẻ

“Cho trẻ bú bình sữa bằng nhựa cứng cũng giống như cho uống thuốc tránh thai..”. Các bà mẹ sẽ giật mình với nhận định trên của một giáo sư Mỹ.

Đó là nhận định của giáo sư sinh vật học Frederick vom Saal, Đại học Missouri-Columbia trên tạp chí Environmental Health Perspectives của Mỹ.
 
Lý do của nhận định trên là do trong các sản phẩm bình sữa, núm vú giả, đồ chơi trẻ em... có chứa chất Bisphenol-A (BPA), đang được sử dụng phổ biến trong sản xuất đồ nhựa cứng.

Bisphenol-A là gì?

Bisphenol-A (BPA) là một hóa chất nhân tạo được dùng trong sản xuất các sản phẩm làm bằng chất dẻo polycarbonate như hộp đựng thức ăn trong tủ lạnh, bình nước, bình sữa trẻ em, đồ chơi, núm vú giả...

BPA chủ yếu có trong sơn epoxy - một loại sơn bảo quản dùng để tráng bên trong các sản phẩm bằng nhựa và đồ hộp kim loại đựng thực phẩm, nhằm bảo quản, chống lão hóa, chống thấm và ăn mòn.

Ngoài đồ gia dụng, chất bisphenol-A còn rất phổ biến trong các loại sơn tổng hợp, đặc biệt là những loại dùng để sơn cửa, bàn ghế, tường nhà…
 
Bisphenol-A có trong nhiều sản phẩm bằng nhựa (Hình minh họa)
Tác hại của Bisphenol-A

Các nhà khoa học Mỹ cho rằng, Bisphenol-A có tác dụng giống như hoóc môn sinh dục nữ oestrogen, can thiệp vào quá trình tự nhiên của cơ thể. BPA có liên quan đến những ảnh hưởng xấu đối với hoạt động sinh sản của cả nam và nữ, làm thay đổi chức năng hệ miễn dịch, gây rối loạn hành vi và bất thường về khả năng nhận thức. Về lâu dài, nó sẽ làm tổn thương não bộ, gây ra căn bệnh Alzheimer và một số bệnh ung thư. Trẻ nhỏ sớm tiếp xúc với Bisphenol-A sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.

Ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu nào về tác hại của chất BPA, tuy nhiên, theo một vị Phó giáo sự của Viện Hoá học, viện Khoa học Việt Nam, chất BPA thuộc nhóm polycarbonat và do đó nó có thể gây ung thư giống như một số thành viên khác trong nhóm chất dẻo polycarbonat.

Bisphenol-A được kiểm soát như thế nào?

Cho đến nay, Việt Nam chưa có quy định nào về tiêu chuẩn an toàn của chất bisphenol-A. Phòng Khoa học tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho biết, Bộ chỉ kiểm duyệt mức độ thôi nhiễm của hóa chất, trong đó có bisphenol-A, từ bao bì bằng chất dẻo ra thực phẩm, chứ không quản lý về chất lượng của bao bì. Còn Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thì có nhận thử nghiệm độc tính của các sản phẩm nhựa và đồ chơi trẻ em, nhưng là theo đơn đặt hàng, chứ không có chức năng kiểm duyệt.

Các bà mẹ phải làm gì?

Để hạn chế rủi ro, các bà mẹ nên lựa chọn sử dụng những mặt hàng có tên tuổi và chất lượng. Không nên ham rẻ mà dùng những đồ không rõ nguồn gốc được bày bán trôi nổi trên thị trường. Chúng ta cũng có thể lựa chọn cho con mình loại bình sữa có ghi rõ “BPA free” (không có BPA).

Các bà mẹ đừng vì một chút chủ quan mà làm ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài của con em mình.
 
Hồng Vân (Tổng hợp)
Chia sẻ