Nồi áp suất phát nổ khi nấu món ăn quen thuộc, camera ghi lại khoảnh khắc thót tim: Nguyên nhân do đâu?
Nồi áp suất là thiết bị nhà bếp tiện lợi, nhưng nó có thể phản tác dụng nếu không biết vận hành đúng cách.
Tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, một cụ bà đã dùng nồi áp suất nấu cháo. Camera gia đình ghi lại cảnh bà đổ nước và các nguyên liệu vào nồi. Tiếp đó, bà ngồi nghỉ trên ghế gần đó. Một lúc sau, cụ bà đứng dậy và đi ra chỗ khác. Ngay khoảnh khắc cụ bà vừa quay lưng đi, nồi áp suất đột nhiên phát nổ.
Nắp nồi văng xa, nước bắn tung tóe khắp nơi. Con cháu xem lại camera an ninh và vô cùng hoảng sợ. Họ thở phào nhẹ nhõm khi thấy cụ bà không ở gần chiếc nồi. Nếu cụ bà vẫn ngồi trên ghế, hậu quả thật khó lường.
Cư dân mạng chứng kiến cảnh tượng này đều cảm thấy rùng mình. Họ để lại bình luận như sau:
"Tốt nhất là không nên dùng nồi áp suất trong nhà, bây giờ có rất nhiều loại nồi cơm điện hoặc bếp gas tiện lợi, không nhất thiết phải dùng nồi áp suất. Nồi áp suất tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là khi người già ở nhà một mình, rất không an toàn."
"May mà cụ bà đã rời đi trước khi nồi nổ, nếu không chắc chắn sẽ bị thương. Hồi nhỏ tôi đã từng chứng kiến cảnh nồi áp suất phát nổ nên bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh."
"Không nên dùng nồi áp suất để nấu các loại cháo đậu đỏ, đậu xanh… rất dễ xảy ra nổ."
Vậy nguyên nhân do đâu?
Trở lại thế kỷ 17, nhà vật lý người Pháp Denis Papin đã phát minh ra nồi hấp, dạng nguyên bản của nồi áp suất. Sau nhiều năm cải tiến, nồi áp suất đã đi vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta và trở thành một chiếc nồi rất thiết thực.
Trước đây, hầu hết các nồi áp suất chúng tôi sử dụng đều được đun nóng bằng gas hoặc khí tự nhiên. Sau này, với sự phổ biến của các thiết bị điện, nồi áp suất điện dần xuất hiện. Nhưng dù là nồi áp suất thông thường hay nồi áp suất điện thì nguyên lý hoạt động của chúng đều giống nhau.
Nồi áp suất có đặc tính bịt kín, khi được làm nóng liên tục, hơi nước sinh ra bên trong sẽ tụ lại trong nồi khiến áp suất không khí tiếp tục tăng cao và nước bên trong có thể được đun đến hơn 100°C.
Áp suất bên trong của nồi áp suất thường có thể đạt tới 125 đến 190 kPa (đơn vị đo lường áp suất của chất khí và chất lỏng), tương ứng với điểm sôi của nước trong khoảng từ 106°C đến 119°C. Áp suất bên trong nồi áp suất càng cao thì nước sẽ càng nóng và thức ăn sẽ chín càng nhanh. Độ kín khí bên trong nồi áp suất tuy rất tốt nhưng không thể kín hoàn toàn, nếu không áp suất không khí bên trong sẽ tiếp tục tăng cao, vượt quá giới hạn mà nồi áp suất có thể chịu được, khiến nồi phát nổ.
Nồi áp suất truyền thống được thiết kế có van giới hạn áp suất. Khi áp suất không khí trong nồi thấp, van giới hạn sẽ đóng lại, điều này tạo điều kiện cho áp suất tích tụ bên trong. Khi áp suất không khí trong nồi ngày càng cao, đạt đến giới hạn, van sẽ được mở, từ đó giúp hơi nước bên trong thoát ra ngoài. Chúng ta thường thấy van ở giữa nắp nồi áp suất liên tục quay tròn để xả khí ra ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc van giới hạn áp suất đang hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, hơi nước có thể đưa các mảnh thức ăn vào ống xả của van hạn chế áp suất và gây tắc nghẽn. Lúc này, van hạn chế áp suất sẽ không thể hoạt động như bình thường. Trong video này, khi bà cụ nấu cháo, nắp nồi không được đóng chặt và van tự khóa trên nồi không hoạt động bình thường, từ đó gây ra sự cố phát nổ.
Có thể nói, nồi áp suất có nhiều cơ chế bảo vệ nhưng nếu vận hành không đúng cách có thể phát nổ, gây hư hỏng cho các vật dụng xung quanh, thậm chí là ảnh hưởng đến sự an toàn của người sử dụng.
Vì vậy, mỗi lần sử dụng nồi áp suất, bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn sử dụng. Tốt nhất không nên sử dụng nồi áp suất để nấu đậu, cháo, súp và các thực phẩm khác dễ làm tắc lỗ trung tâm và lỗ thông hơi. Ngoài ra, hãy chú ý xem van giới hạn áp suất có hoạt động tốt hay không và kiểm tra xem lỗ thoát khí có bị cản trở hay không. Tuổi thọ của nồi áp suất thường là 8 năm, tốt nhất nên thay thế kịp thời sau thời gian sử dụng.