Nỗi ám ảnh con bị béo phì

,
Chia sẻ

4 tuổi, bé Cún cao 106cm (chiều cao bình thường của bé 5 tuổi) và nặng 27kg (cân nặng bình thường của bé 9 tuổi).

1. Bé Cún - con chị Hương (Hoàng Quốc Việt – Hà Nội) sinh non khi mới được 32 tuần, nặng 1.6kg. Nằm trong lồng kính 10 ngày, bé được về với bố mẹ. Nghe người ta mách, đẻ non phải cho con ăn thật nhiều thì nó mới phát triển và có sức đề kháng tốt, chị Hương tăng cường cho con ăn sữa ngoài, chỉ mong làm sao con chóng lớn.

Tháng đầu bé lên được 2kg, tháng sau lên 2,3kg, tháng sau lên 1,7kg, cứ đều đều như thế. Bé mới sinh ra mà lượng ăn còn hơn cả bé đã được 7 – 8 tháng. 1 ngày 8 bữa sữa đều như vắt chanh, mỗi bình từ 120ml – 150ml. Vợ chồng chị Hương mừng lắm vì thấy con phát triển con hơn các bé bình thường cùng khu. Ai cũng khen mẹ bé mát tay, nuôi con cứ béo hồng, mũm mĩm.

Cứ đà ăn như thế, đến 4 năm sau, bé cao 106cm (chiều cao bình thường của bé 5 tuổi) và nặng 27kg (cân nặng bình thường của bé 9 tuổi).

2. Sau một lần chửa trứng và nhiều năm không có con, chị Mai (Hà Đông – Hà Nội) sinh được cu Bình nên yêu chiều lắm. Bồi dưỡng cho con chóng lớn, ngày nào chị cũng mua xương chân giò, ninh nấu cháo cho con ăn. Cứ lúc nào con khóc, lại dí cho con một bình sữa. Lâu dần thành quen, cuối cùng, lên lớp 3, Bình đã 60kg.

Chị Mai bắt đầu chiến dịch giảm cân cho con nhưng không cải thiện tình hình là mấy. Mỗi bữa, chị quy định con chỉ ăn 1 bát cơm và ăn rau,  uống nước canh cho no. Hễ bố mẹ cứ quay đi hoặc không để ý, cu cậu lại gắp vội và giấu miếng thịt vào tận dưới bát cơm. Nhiều lúc đến nhà họ hàng hoặc bạn bè chơi, thấy bố mẹ lơ đi không nói, Bình ăn lấy ăn để như “con nhà chết đói”.
Các bé béo phì dễ bị mắc các bệnh nguy hiểm

Béo phì kéo theo nhiều bệnh nguy hiểm

Chị Hương, chị Mai là một trong số rất ít các mẹ khác có con bị béo phì, cân nặng trên chuẩn và chiều cao dưới chuẩn. Thông thường, các  mẹ nuôi con đều muốn con chóng lớn, thích con bụ bẫm, phính phính. Nhưng không ngờ, điều đó lại gây hậu quả khiến con “béo khỏe, béo đẹp, béo phì”. Những bé béo phì, đi khám dinh dưỡng, còn phát hiện ra thể trạng suy dinh dưỡng béo phì.

Với những bé dưới 5 tuổi, các bé chưa chú ý lắm đến hình thức bên ngoài, chưa mặc cảm tự ti về mình, nên nếu bố mẹ định tác động vào tâm lý để thay đổi hành vi ăn uống của con thì không đạt được hiệu quả cao.

Nguyên nhân gây thừa cân ở trẻ:

-  Trẻ được nuôi không khoa học, đặc biệt có nguy cơ cao với bé được nuôi hoàn toàn bằng sữa ngoài.

- Trẻ ăn quá nhiều đồ ăn nhanh như gà rán, uống nước ngọt.

-  Trẻ thiếu thời gian địa điểm hoạt động vui chơi, thể lực.

-  Trẻ xem tivi quá nhiều.

-  Bố mẹ không theo dõi về chế độ ăn uống khoa học cho con.

Thay vì quát tháo, bắt ép trẻ giảm cân, bố mẹ hãy tạo cho con một thói quen ăn uống khắt khe, giám sát khẩu phần ăn của con. Các bé đã quen ăn nhiều, nay đột ngột giảm phanh, chắc hẳn là bé không thể chịu được. Nếu bố mẹ có ép quá, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé như đói, hoa mắt, chóng mặt, xanh xao...

Nếu bé đã thừa cân, khả năng cho bé quay trở lại cân nặng bình thường là tương đối khó. Theo các nghiên cứu cho thấy, nếu để con bị béo phì qua tuổi dậy thì, việc giảm cân sẽ càng khó hơn. Nghiêm trọng hơn, kèm theo béo phì là một số bệnh như tiểu đường, tim mạch, viêm khớp... Hầu hết các bố mẹ đều chưa chú ý được mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn của con, bố mẹ nên chú ý đến các chế độ tập luyện, vận động, chơi thể thao của bé. Hoặc nếu bé ăn ít bữa chính, tăng cường bữa phụ, ăn quà vặt thì cũng không bao giờ bé giảm cân được.

Tốt nhất, bố mẹ nên điều chỉnh chế độ ăn cho con hợp lý từ khi còn bé tẹo. Khi thấy con tăng trưởng vượt chuẩn, bố mẹ nên cho con đi khám dinh dưỡng để nghe bác sỹ tư vấn chế độ dinh dưỡng cho con để tránh con bị béo phì.

Thu Hằng

(Tổng hợp)

Chia sẻ