Nợ như Chúa Chổm - ông Chúa này là ai, tại sao lại bị ví nợ như vậy?

Pompom,
Chia sẻ

“Nợ như Chúa Chổm” là câu nói truyền miệng quen thuộc trong cuộc sống, vậy ông chúa này là ai? Và nếu là “Chúa” thì vì sao lại nợ đến vậy?

Nếu thường hay đọc truyện cổ tích, thì mọi người sẽ dễ dàng biết được nguồn gốc câu nói quen thuộc này xuất phát từ câu chuyện mang tên “Nợ như Chúa Chổm”. Đó là câu chuyện cổ tích dân gian dựa trên một nhân vật lịch sử có thật, người này chính là Lê Trang Tông sau này, vị vua đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng.

Nội dung câu chuyện cổ tích như sau:

Ngày xưa, vào thời Lê, vua Lê Chiêu Tông bị kẻ xấu hãm hại để cướp ngôi. Trước khi qua đời, vua đã nương nhờ nhà một người phụ nữ trong dân gian và có con với người này. Đứa trẻ sinh ra được mẹ đặt tên là Chổm.

Cậu bé Chổm càng lớn càng thông minh, lanh lẹ hơn người, nhưng do nhà quá khó khăn, Chổm được mẹ gửi vào chùa nương nhờ nơi cửa Phật. Tuy sáng dạ, nhưng câu bé Chổm rất tinh nghịch, một lần nọ, sau khi đi chơi về, bụng đang đói, sẵn thấy trước tượng Mụ Thiên có mâm hoa quả, cậu bèn đưa tay che mắt tượng rồi lấy quả cúng ăn luôn. Không may, sư cụ Thạch Toàn bắt gặp nên cho cậu bé một trận no đòn. Dù sai nhưng trong lòng vẫn ấm ức, Chổm bèn trút giận lên tượng Phật bằng cách viết mảnh giấy “mười tay, mười mắt không giúp gì được cho ta, thật vô ích, cho đày đi phương xa” rồi dán sau lưng tượng Phật.

Nợ như Chúa Chổm - ông Chúa này là ai, tại sao lại bị ví nợ như vậy? - Ảnh 1.

(Ảnh: Internet)

Tối đó, khi đang ngủ thì sư thầy Thạch Toàn nằm thấy chiêm bao, trong mơ Phật Mụ Thiên đến báo mộng:”Nhà vua đói bụng nên mới ăn, sao người trừng phạt ông làm gì để giờ ông đày ta đi xa thế này. Hãy thay ta xin lỗi ngài để ngài rút lại lệnh đuổi ta đi”. Giật mình tỉnh giấc, sư cụ tình dậy, sáng hôm sau gặng hỏi Chổm xem cha là ai nhưng chính cậu bé cũng không biết điều này! Hỏi mẹ của Chổm thì bà sợ mà phải nói dối rằng đã bị hổ ăn thít. Cho nên Chổm hận hổ lắm, quyết tâm giết hổ để báo thù cho cha. Một hôm vào rừng, cậu bắt gặp 1 con hổ đang ngủ dưới tán cây, bèn lấy hòn đá nặng, đập vỡ đầu nó.

Nhưng không may, không biết từ đâu 1 con hổ khác xồ ra đuổi riết lấy Chổm. Trong phút nguy cấp, bỗng có 1 ông lão tóc bạc phơ hiện ra giết hổ, bảo vệ Chổm. Sau đó, dạy cho chàng 1 thân công phu để tự vệ phòng thân.

Sau này, khi binh đao loạn lạc, Chổm với tài võ nghệ đã được học cùng mưu trí hơn người của mình, lãnh đạo dẹp yên phản quân, đem lại bình yên cho đất nước. Và thuận theo lòng dân, Chổm được sắc phong lên làm Chúa.

Còn về việc vì sao “nợ như Chúa Chổm” thì có các giai thoại dân gian truyền miệng lại như sau:

Trước khi được gửi vào chùa, Chổm và mẹ phải cật lực kiếm sống nhưng vẫn khó lòng dư dả. Chổm tuổi đang ăn đang lớn nên thường hay mua thiếu, mua nợ các hàng quán, rồi hứa hẹn khi nào ăn nên làm ra, sẽ trả cả gốc lẫn lãi. Trộm vía, dù ăn thiếu nhưng cứ hàng nào Chổm ngồi thì hàng đó đắt khách, người người ra vào nườm nượp, còn lại những quán xá khác thì ế chỏng chơ. Thế nên, không những cho Chổm nợ mà các hàng quán còn mời cậu vào ăn để lấy “vía” buôn bán đắt hơn.

Nợ như Chúa Chổm - ông Chúa này là ai, tại sao lại bị ví nợ như vậy? - Ảnh 2.

(Ảnh: Internet)

Sau này, khi đã lên ngôi vua, Chổm trở lại chốn cũ từng sinh sống năm xưa. Những bà con nơi đây, năm xưa từng bán chịu cho Chổm nhận ra người quen, dù không biết chuyện gì nhưng thấy ngồi xe giá, đoán là đã giàu có nên đều chạy ra, chỉ vào Chổm mà đòi những món nợ cũ.

Lúc này Chổm không thể nhớ được đã nợ những ai cũng như nợ bao nhiêu tiền cho nên truyền chỉ miễn thuế 1 năm cho dân chúng cả làng để trừ đi số nợ năm xưa! Ngoài ra, triều đình cũng ra lệnh cấm được chỉ tay đòi nợ cho nên sau này có con đường nhỏ ở Thăng Long mang tên Cấm Chỉ.

Dù khá kịch tính như vậy nhưng câu chuyện trên vẫn mang những sắc thái dân gian, được lưu truyền qua miệng chứ chưa có tài liệu thực sự chính xác trên văn bản. Vã câu ví von “nợ như Chúa Chổm” cũng xuất phát từ đây ra.

(Tổng hợp)

Chia sẻ