“No” mất khôn!

Trang My,
Chia sẻ

Khuya, Thắng trở về thường trực với tiếng thở dài, nhưng nhà tối om... trên bàn, chùm chìa khóa nhà và một tờ giấy nhắn: “Mẹ con em đi đây!” khiến Thắng choáng váng...

Thắng loạng choạng bước vào nhà, gã cười nhếch mép nhìn vợ đang lụi cụi “đánh vật” với hai đứa con. Người đàn bà trước mắt Thắng vốn xinh đẹp, thon thả ngày nào giờ đây trông nhếch nhác, lôi thôi khiến Thắng hoảng loạn: Sao người ta lại thay đổi đến chóng mặt thế?! Chiếc quần xắn cao đến đầu gối, gương mặt lấm tấm mồ hôi, vết chân chim cộng với nước da đã sạm đi... khiến Thắng chán nản, thở dài đến thượt rồi lủi vào phòng, đóng cửa, nằm dài ra giường, ngủ thiếp đi...

Thắng tỉnh dậy vào lúc trời chạng vạng, vợ Thắng vẫn “đánh vật” với “hai thằng quỷ nhỏ”, con khóc, mẹ mắng mỏ, ầm ỏm cả nhà. Thắng bực bội vì giấc ngủ bị phá bĩnh, đẩy cửa đi ra, mặt nhăn nhó: “Mẹ con cô làm cái gì mà gào thét lên thế? Muốn nghỉ ngơi một lát cũng không xong. Đúng là rặt một đám...”. Thắng bỏ ngỏ câu nói trước sự sững sờ của vợ, cũng không màng để ý tới nơi khóe mắt vợ đang hấp háy, đỏ hoe và rịn ướt nhòe. Thắng đưa tay với cái điều khiển tivi, bật volume to gần như hết cỡ để lấn át đi tiếng hai đứa con đang khóc ngặt vì bị mẹ mắng. Nhưng rồi có vẻ không chịu đựng nổi, Thắng đùng đùng đứng bật dậy, vớ cái chìa khóa xe lúc chiều, khi say mềm đã quẳng ở góc bàn... Thắng nổ xe và đi thẳng không nói một lời nào với Liên.
 

Liên rũ người, ngồi bệt xuống nền nhà, nước mắt rơi lã chã. Cuộc sống bộn bề, một nách với hai đứa con không được chồng đồng cam chia sẻ. Liên không biết phận mình may mắn hay khốn khổ nữa! Trời cho cô cái vẻ ngoài hấp dẫn, thu hút được bao gã trai khi còn là một cô gái quê, học hành lỡ dở phải lên thành phố xin vào xưởng may làm công nhân nuôi hai đứa em ăn học. Rồi cơ duyên cho Liên gặp Thắng, một anh chàng hào nhoáng, giỏi tán tỉnh và hiểu biết. Liên choáng ngợp trước vẻ đạo mạo cái gì cũng biết và sẵn sàng chỉ dạy cho Liên của Thắng. Thắng không chê Liên nghèo, học ít, Thắng thích gương mặt thánh thiện, vẻ nhẫn nhịn và có chút cam chịu của Liên và hơn hết, Thắng tự hào khi mọi ánh mắt ngưỡng mộ phải đổ dồn về phía Thắng mỗi khi thắng tay trong tay với Liên đi dạo phố...

Sau đám cưới, Thắng chủ động “ra lệnh” cho Liên ở nhà, Thắng muốn Liên chỉ toàn tâm toàn ý chăm sóc chồng, sinh và nuôi nấng dạy dỗ con cái. Bản thân Thắng đã dư sức mang lại cho Liên cuộc sống đầy đủ thì đồng lương công nhân may không bõ bèn càng là lý do khiến Thắng buộc vợ phải ở nhà. Cuộc sống ban đầu của vợ chồng son chỉ hưởng thụ và tối tối Liên chờ chồng về, cả hai cùng ăn cơm, đi dạo, có hôm đi tiếp khách với chồng... Rồi hai đứa con lần lượt ra đời, vóc dáng Liên không còn thon gọn, việc chăm bẵm con cái cũng khiến cô không còn thời gian chăm sóc cho mình. Đứng với Thắng lúc này trông Liên như một người giúp việc, tất tưởi, lu bu hơn là vợ Thắng.

Những lo toan hằng ngày với hai đứa trẻ cũng làm cho Liên không còn đủ sức để suy nghĩ phải chăm sóc đời sống vợ chồng, lúc nào Thắng có “nhu cầu” thì Liên đáp ứng, cô không bao giờ để ý đến việc làm mới mình để tạo cảm giác thú vị, hấp dẫn cho Thắng, đơn giản cô nghĩ rằng là vợ chồng với nhau, thấu rõ đến từng đường tơ kẽ tóc thì mặc nhiên cần gì phải khách khí... Cứ thế, Thắng đâm ra chán Liên, chán cái vẻ đơn điệu, chán cái dáng vẻ bà mẹ hai con sồ sề, chỉ biết cắm đầu chăm con và cơm nước, chợ búa, nhẫn nhịn ngồi ngủ gục bên bàn ăn chờ chồng đến khuya...
 
 
Rồi nghiễm nhiên Thắng tự cho mình cái quyền được “thay đổi không khí”, chỉ cần vài ba món quà bắt mắt, Thắng có thể mời chào bất cứ cô gái nào vui vẻ với mình. Thắng vui, Thắng không còn để ý đến việc vợ đang ngồi ngủ gật bên mâm cơm, chốc lát lại choàng tỉnh vì tiếng con khóc mơ hoặc tiếng động ngoài cổng vọng vào.
 
Cho đến một hôm, Liên lao đao, khốn khổ vì thằng cu đầu sốt, ngất ở trường, gọi điện kiểu gì cho chồng cũng không được. Một mình hốt hoảng bế sốc con vào viện, lại tất tả gửi gắm y tá rồi lật đật đi đón đứa kia để rồi choáng váng, ngã quỵ khi thấy chồng tay trong tay với một cô gái thản nhiên đi mua sắm.

Liên tỉnh dậy trong bệnh viện khi bên cạnh đứa con trai bé bỏng đang gào khóc, lay lay gọi mẹ. Phải mất một lúc chị mới định thần được mọi việc đã diễn ra. Ngay chiều tối hôm đó, Liên về nhà, thu dọn quần áo của ba mẹ con... Khuya, Thắng trở về thường trực với tiếng thở dài, nhưng nhà tối om... trên bàn, chùm chìa khóa nhà và một tờ giấy nhắn: “Mẹ con em đi đây!” khiến Thắng choáng váng.

Chia sẻ