"Nín thở" xem bác sĩ xoay chuyển thai nhi ngôi mông sang ngôi đầu cho sản phụ đang ở tuần thứ 40 của thai kỳ

HỒNG HẠNH ,
Chia sẻ

Nhìn từng động tác của bác sĩ, người xem không khỏi lo lắng hồi hộp không biết liệu thủ thuật này có thành công hay không.

Khi còn bé tí, thai nhi rất hay xoay chuyển trong tử cung của mẹ, và tùy sự chuyển động của thai nhi mà vị trí ngôi thai sẽ liên tục thay đổi. Tuy nhiên, khi đã bước đến tuần thứ 28 của thai kỳ, em bé sẽ tự động quay đầu về phía trước khung chậu của mẹ để đến ống dẫn sinh và ra khỏi cơ thể mẹ trong quá trình sinh nở. Và đây được xem là ngôi thai thuận.

Song, không phải em bé nào cũng quay đầu thành ngôi thuận như thế. Trên thực tế, có những trường hợp thai ngôi mông, ngôi ngang, hay ngôi phức tạp. Và nếu đến tuần thứ 34 của thai kỳ mà em bé vẫn chưa chịu về ngôi thuận, thì các bác sĩ sẽ phải hướng dẫn mẹ cách để xoay ngôi cho con. Tuy nhiên, có những em bé nhất quyết không chịu xoay ngôi, trong khi rất khó có thể thay đổi ngôi thai nếu đã bước đến tuần thứ 37.

Clip bác sĩ thực hiện xoay ngôi thai cho sản phụ.

Mới đây, trang fanpage Grossesse chuyên cung cấp thông tin cho các bà mẹ mang thai với hơn 86.000 người theo dõi, đã "gây sốt" khi đăng tải đoạn clip bác sĩ can thiệp xoay chuyển ngôi mông sang ngôi đầu thành công cho một sản phụ đang ở tuần thứ 40 của thai kỳ.

Được biết, đây là phương pháp xoay ngôi ngược bằng kỹ thuật y khoa, gọi là thủ thuật ECV (External Cephalic Version). Nghĩa là các bác sĩ sẽ cố gắng xoay chuyển em bé từ ngôi ngược sang ngôi thuận bằng những lực tác động lên bụng người mẹ.

Quy trình thực hiện thủ thuật ECV

"Nín thở" xem bác sĩ xoay chuyển thai nhi ngôi mông sang ngôi đầu cho một sản phụ đang ở tuần thứ 40 của thai kỳ - Ảnh 1.

Đây là phương pháp xoay ngôi ngược bằng kỹ thuật y khoa, gọi là thủ thuật ECV (Ảnh minh họa).

Đầu tiên, các bác sĩ sẽ tiêm cho sản phụ thuốc giảm co để tử cung mềm, nới lỏng ra nhưng không gây ra hiện tượng co bóp, đồng thời bác sĩ cũng đo nhịp tim và theo dõi tình trạng sức khỏe của bé từ 20 - 30 phút trước khi làm thủ thuật.

Sau đó, các bác sĩ sẽ dùng hai tay nắn trên bụng của mẹ để tìm đầu và mông của thai nhi và cố gắng lăn bé thành tư thế cúi đầu. Tiếp theo, bác sĩ sẽ cố gắng xoay em bé bằng cách ấn mạnh bàn tay của họ vào bụng dưới của mẹ, và di chuyển em bé từ từ.

Trong quá trình thực hiện thủ thuật, người mẹ sẽ cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn do tử cung co lại. Và trong trường hợp sản phụ không thể chịu đựng được cơn đau, các bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp gây tê màng cứng để giúp mẹ thư giãn.

Tỷ lệ thành công của thủ thuật xoay ngôi thai ngược này là 58% và nó sẽ cao hơn nếu đó là lần mang thai thứ 2. Nhưng thủ thuật ECV không được thực hiện khi mẹ bị chảy máu, lượng nước ối thấp hơn bình thường hoặc mẹ mang thai đôi.


Chia sẻ