Những vấn đề sức khoẻ đáng lo ngại sau khi mắc COVID-19

Quỳnh Anh, Vương Cơ,
Chia sẻ

Một số nghiên cứu xuất phát từ thực tế ở nước ta, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy: có khoảng 80% bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 có ít nhất 1 triệu chứng kéo dài.

Những vấn đề sức khoẻ đáng lo ngại sau khi mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Có hàng nghìn người nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh lại phải quay trở lại bệnh viện để điều trị các triệu chứng hậu COVID-19, tình trạng này ngày càng gia tăng tại nhiều bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Theo các bác sĩ, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực.

Bác sĩ Chu Thị Quỳnh Thơ, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: "COVID-19 gây tổn thương đa cơ quan, bệnh nhân sau khi ra khỏi giai đoạn cấp tính rồi vẫn có thể có những triệu chứng tồn tại dai dẳng như khó thở, mệt mỏi, đau cơ…".

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 cho biết thêm: "Nhiều trường hợp bệnh nhân về nhà vẫn cần phải thở oxy liều thấp, sau đó làm việc "không khỏe như ngày xưa", có thể thay đổi vị giác, tâm sinh lý cũng có những bất ổn".

Đáng chú ý các triệu chứng hậu COVID không chỉ có người lớn tuổi mà ngay cả người trẻ cũng gặp phải, thậm chí người bệnh còn có thể gặp phải những triệu chứng mà khi mắc bệnh họ lại không gặp phải.

Bác sĩ Chu Thị Quỳnh Thơ cho hay: "Định nghĩa của hậu COVID-19 không phải chỉ là các triệu chứng tồn tại dai dẳng trong 4 tuần đầu mà một số bệnh nhân thậm chí giai đoạn đầu không có những triệu chứng đó, nhưng về sau lại xuất hiện những triệu chứng này. Do vậy, không phải giai đoạn này người bệnh không có những vấn đề đó thì có nghĩa là bạn không quan tâm đến hậu COVID-19".

Hiện tại, các bác sĩ Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang xây dựng các bộ công cụ để theo dõi được bệnh nhân lâu hơn, bởi thực tế có những bệnh nhân cần phải được theo dõi kéo dài đến 6 tháng, thậm chí đến 1 năm. Quá trình nghiên cứu này sẽ giúp việc tầm soát, sàng lọc những trường hợp có nhu cầu sau khi khỏi COVID-19 cần được tiếp tục can thiệp về mặt y tế kịp thời.

Chia sẻ