Những tin đồn "chết người" từ mạng xã hội

NN (TH),
Chia sẻ

Mới đây trên Facebook xuất hiện một bài toán "tảo hôn" khiến dư luận dậy sóng. Thế nhưng khi truy tìm nguồn gốc bài toán đó thì lại... bặt vô âm tín. Những trò đùa hay tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội đang trở thành "vũ khí" nguy hiểm!

Từ vấn đề an toàn thực phẩm...

Vào tháng 10 vừa qua, cộng đồng mạng lan truyền chóng mặt thông tin nước lèo hủ tiếu gõ được hầm bằng… chuột cống. Tin đồn bắt nguồn từ một bài viết không rõ nguồn gốc với tựa đề "Hủ tiếu gõ được nấu bằng thịt chuột cống" xuất hiện trên một số trang mạng. Nội dung kể về việc phát hiện 5 con chuột cống nằm trong thùng nước lèo của một hàng hủ tiếu gõ trên địa bàn TP.HCM.

Theo bài viết trên, người bán hủ tiếu đã thừa nhận dùng chuột cống để ninh nước dùng cho ngọt. Tuy kể lại khá chi tiết và “rùng rợn” nhưng trong bài viết lại không hề có một tấm ảnh hoặc chứng cứ xác thực nào để chứng minh.

Những tin đồn
Thông tin thiếu căn cứ về hủ tiếu gõ dùng thịt chuột cống làm nước lèo trên mạng xã hội

Mặc dù vậy, những thông tin vô căn cứ đó khi được một số cư dân mạng đăng tải trên mạng xã hội, trang cá nhân, diễn đàn cũng đã ít nhiều làm một bộ phận người dân, những người không nắm rõ thông tin hoang mang, e ngại khi muốn ăn hủ tiếu gõ. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc kinh doanh của những người bán hủ tiếu gõ – vốn cũng không khá giả gì.

Trước đó, hàng loạt thông tin sữa có đỉa, mỳ tôm có đỉa... không chính xác đã làm người tiêu dùng nhiều phen khiếp vía, không dám dùng sản phẩm. Không ít doanh nghiệp, hộ sản xuất cũng lao đao vì thị phần giảm nghiêm trọng.

Những tin đồn
Thông tin sữa có đỉa từng được cư dân mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt

Hầu hết những sự việc chưa xác định được thực hư, mới chỉ là tin đồn thổi nhưng lan truyền rất nhanh, nhiều người không dám cho con uống sữa tươi, không dám ăn thực phẩm chế biến sẵn… Thậm chí, những thông tin này còn được các trang web, Facebook chia sẻ với tốc độ chóng mặt, khiến không ít người hoang mang, lo lắng.

Bộ Y tế sau đó đã phải lên tiếng trấn an dư luận và khẳng định, thông tin mỳ tôm có đỉa là không chính xác. Sản phẩm mỳ tôm được sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín với những yêu cầu nghiêm ngặt về đảm bảo an toàn thực phẩm. Để tạo ra sản phẩm mỳ tôm cần phải trải qua công đoạn hấp chín ở 100ºC và chiên trong dầu ở nhiệt độ 150°C nên không có sinh vật hay ấu trùng nào có thể sống được.

Tin đồn sữa có đỉa cũng được nhiều nhà chuyên môn khẳng định là phi lý, vì trong môi trường của sữa, đỉa không thể tồn tại. Thế nhưng, tin đồn lan rộng khiến các doanh nghiệp sữa, mỳ tôm vẫn gặp không ít phen điêu đứng.

... Cho đến tin đồn trong vấn đề giáo dục

Vào cuối tháng 10, cư dân mạng đăng tải một đề Toán vô lý khi Nam 4 tuổi có bố 16 tuổi, mẹ 12 tuổi.

Đề bài như sau: “Hiện nay Nam 4 tuổi. Tuổi bố gấp 4 lần tuổi Nam. Tuổi mẹ gấp 3 lần tuổi Nam. Hỏi bố Nam bao nhiêu tuổi, mẹ Nam bao nhiêu tuổi?”

Đề được chụp lại cùng lời giải của học sinh đăng tải trên mạng xã hội. Đáp án là bố Nam 16 tuổi, mẹ Nam 12 tuổi.

Những tin đồn
Đề Toán tìm tuổi của bố mẹ gây tranh cãi trên mạng.

Bài toán nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ với thắc mắc: Kết quả số tuổi của bố Nam là 16 tuổi và mẹ Nam là 12 tuổi. Trong khi đề bài cho biết Nam 4 tuổi, vậy khi Nam thì bố Nam mới 12 tuổi và mẹ là 8 tuổi. Vậy nghĩa là bố mẹ Nam tảo hôn. Đề Toán được cho là của học sinh lớp 3 với những dữ kiện, kết quả thiếu hợp lí đã trở thành đề tài bàn luận của những người quan tâm tới giáo dục.

Trước đó, vào năm 2012, cộng đồng mạng cũng lan truyền trên Facebook, các diễn đàn bài toán "chặt tay" rùng mình dành cho học sinh lớp 1.

“Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay” – Đó là một ví dụ ở trang 11 trong tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100, in logo Nhà xuất bản Trẻ. Bài toán còn có phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên.

Những tin đồn
“Bài toán rợn người” in trong cuốn sách.

Nhiều phụ huynh biết tin đều giật mình và đau đớn khi có một sản phẩm giáo dục "nhuốm màu bạo lực" như cuốn sách này được lưu hành trên thị trường.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, các đề toán gây tranh cãi này đều không có nguồn gốc chính thống. NXB Trẻ sau khi nhận thông tin về Tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100 có tên tác giả Hoàng Long, in logo NXB Trẻ đã kiểm tra hồ sơ giấy phép lưu trữ và phát hiện mã số giấy phép xuất bản ghi trên tập sách trên thực chất cấp cho một đầu sách khác. Giấy phép thuộc loại kế hoạch B - tức được cấp cho đối tác có liên kết thực hiện sách. Đại diện NXB Trẻ đã khẳng định “cuốn sách trên đã mạo danh NXB Trẻ”.

Những tin đồn
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời trong chương trình “Dân hỏi - bộ trưởng trả lời”

Trong khi đó, trả lời trong chương trình “Dân hỏi - bộ trưởng trả lời” của Đài truyền hình VN phát sóng tối 24/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Những tài liệu này do những người viết không đủ kiến thức về khoa học giáo dục, kiến thức về thực tiễn, thiếu trách nhiệm được nhà xuất bản (NXB), nhà in xuất bản, chạy theo đồng tiền đơn thuần đã đưa ra thị trường, xâm nhập vào hệ thống nhà trường”.

"Share có ý thức" vì tin đồn trên mạng là vũ khí giết người

Những trường hợp kể trên chỉ là ví dụ trong số rất nhiều tin đồn "ảo" thiếu căn cứ lan truyền trên mạng nhưng lại gây ra những tác hại không nhỏ ngoài đời thực. Đó là hậu quả của việc nhiều người dù chưa biết thực hư, đúng sai của thông tin đã vội vàng chia sẻ lại cho người khác, thậm chí là bị lôi kéo theo tâm lý đám đông một cách mù quáng.

Trong trường hợp tin đồn về hủ tiếu gõ nấu bằng chuột cống, chỉ đến khi báo chí chính thống vào cuộc tìm hiểu, khẳng định không có chuyện dùng chuột cống nấu nước lèo thì vụ việc mới tạm lắng xuống. Nhưng trước đó, tin đồn này đã nhận được hàng chục nghìn lượt chia sẻ trên Facebook, thậm chí nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay hủ tiếu gõ. Hệ quả của nó là làm ảnh hưởng đến hàng trăm số phận đang mưu sinh khó nhọc ở Sài Gòn bằng xe hủ tiếu gõ.

Tương tự như vậy, những tin đồn về sữa, đỉa cũng khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Doanh thu giảm, thị trường tăng trưởng khó khăn và đặc biệt là việc lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng không phải dễ. Dù cơ quan chức năng vào cuộc, có thông tin rõ ràng nhưng trước đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp, hộ sản xuất đã thiệt đơn, thiệt kép.

Còn những bài toán chưa rõ nguồn gốc gây tranh cãi được lan truyền trên Facebook cũng làm cho bao bậc phụ huynh phải lo lắng, hoang mang về tình hình giáo dục con em mình ở trường học.

Trước rất nhiều các vụ việc nói trên, không ít người sử dụng Facebook bắt đầu cảm thấy bức xúc không chỉ với người tạo ra tin đồn mà cả với những cái click "like" hay chia sẻ thông tin vô tội vạ, thiếu kiểm chứng. Mỗi cái click chuột như vậy tưởng chừng như vô hại lại có thể gây ra hậu quả khôn lường. Một người "ném đá" thì có thể chưa gây hại gì nhưng cả nghìn người cùng ném thì có thể trở thành thứ vũ khí nguy hiểm.

Những tin đồn
Chiến dịch "Share có ý thức" đang được cộng đồng mạng lan truyền

Và thời gian gần đây, trên Facebook đang lan truyền chiến dịch "Share (chia sẻ) có ý thức", nhằm kêu gọi mọi người tỉnh táo trước các thông tin chưa rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng trên mạng. Qua đó, chiến dịch cũng nhắn nhủ cộng đồng mạng trước khi chia sẻ nội dung gì thì nên tìm hiểu để xem nó có gây hại cho ai đó hay không.

Thành viên Tuấn Hoàng chia sẻ: "Một thông tin nhảm nhí không rõ nguồn gốc, không hình ảnh, nguồn tin rõ ràng, vậy mà cộng động Facebook lại thi nhau like, chia sẻ, rồi còn kêu gọi, hô hào mọi người làm giống như mình. Họ không biết rằng hành động thiếu suy nghĩ ấy có thể chính là sự tiếp tay cho tội ác".

Trong khi đó, nhiều người tỏ ra bực bội vì sự cả tin và dễ bị lôi kéo bởi đám đông của những người góp tay tạo nên tin đồn. Bạn Xuân Mai bình luận: "Mình không hiểu sao nhiều người lại ngốc nghếch đến mức tin vào việc có đỉa trong sữa hay trong mỳ tôm được. Chỉ cần vận dụng một chút suy luận và tìm hiểu qua thông tin trên báo chí là có thể biết ngay đó chỉ là thông tin nhảm được dựng lên với mục đích không tốt hoặc đơn giản là một cách câu view, câu like rẻ tiền. Tốt nhất mọi người nên tự trang bị cho mình kiến thức để có cách đánh giá sáng suốt và chính xác, tránh biến mình trở thành người tiếp tay cho những kẻ xấu".
Chia sẻ