Những thói quen tưởng vô hại nhưng nếu không điều chỉnh sớm sẽ khiến răng trẻ xô lệch, khấp khểnh

Hòa Nguyễn,
Chia sẻ

Có nhiều thói quen xấu phổ biến ở trẻ nhỏ có thể gây ra hiện tượng răng khấp khểnh, hô, cắn hở và phải nhờ đến can thiệp y tế mới có thể nhai nuốt như bình thường.

Không chỉ ăn kẹo, uống nước ngọt hay lười đánh răng mới gây ra sâu răng và tình trạng răng miệng kém ở trẻ nhỏ. Nhiều thói quen tưởng như vô hại không chỉ ảnh hưởng răng sữa mà còn tác động cả đến răng vĩnh viễn của trẻ.

1. Ngậm ti giả quá nhiều

Nguyên nhân: Ngậm ti giả có thể khiến răng chen chúc, di chuyển xô lệch và hình thành hàm răng khấp khểnh.

Những thói quen tưởng vô hại nhưng nếu không điều chỉnh sớm sẽ khiến răng trẻ xô lệch, khấp khểnh - Ảnh 1.

Thói quen ngậm ti giả hơn 6 tiếng một ngày có thể khiến răng bé bị lệch (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Rob Schwartz, người phát ngôn của hiệp hội răng hàm mặt Úc cho biết nếu ngậm ti giả hơn 6 tiếng mỗi ngày sẽ gây ra tình trạng trên. "Nguyên tắc cơ bản ở đây là nếu có một vật gì đó ở trong khoang miệng hơn 6 tiếng mỗi ngày, dù là núm ti giả hay ngón tay tác động đến các mô mềm thì có thể gây ra những thay đổi vĩnh viễn. Còn nếu ít hơn thì các mô sẽ tự trở lại vị trí ban đầu".

Nên làm gì: Trong nhiều trường hợp, những thay đổi này có thể đảo ngược được. Trẻ nhỏ sẽ bỏ ngậm ti giả khi đến một độ tuổi nào đó, răng miệng sẽ tự điều chỉnh lại vị trí ban đầu. Tuy nhiên, một số trường hợp cần sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để lắp miếng chặn lưỡi cố định, khiến cho răng sớm quay lại vị trí ban đầu, thường thì vài tuần hoặc vài tháng.

2. Mút ngón tay lâu

Nguyên nhân: Làm răng cửa nhô ra gây răng hô và cắn hở.

Tương tự núm ti giả, mút ngón cái là thói quen giúp các bé nằm ngoan chơi một mình nhưng sẽ là thói quen khó bỏ.

Những thói quen tưởng vô hại nhưng nếu không điều chỉnh sớm sẽ khiến răng trẻ xô lệch, khấp khểnh - Ảnh 2.

Áp lực từ ngón tay cái có thể ảnh hưởng vị trí và phương hướng mọc của răng (Ảnh minh họa).

Nên làm gì: Thường thì các bé sẽ không mút ngón tay nữa khi lên 2-4 tuổi. Tuy nhiên, nếu tình trạng vẫn tiếp diễn thì có thể khiến răng cửa bị hô và làm hẹp hàm trên. Áp lực từ ngón tay cái có thể ảnh hưởng vị trí và phương hướng mọc của răng. Dần dần, khi ngậm miệng lại thì răng cửa hàm trên và hàm dưới không khớp nhau nữa, không chỉ mất thẩm mỹ mà còn khó khăn khi ăn uống. Niềng răng là giải pháp cho những trường hợp răng đã bị xô lệch, khấp khểnh. Với trường hợp hẹp hàm thì cần lắp dụng cụ nới rộng hàm và kéo lui răng về phía sau.

3. Thường xuyên đẩy lưỡi

Nguyên nhân: Tật đẩy lưỡi là tật đẩy răng cửa ra ngoài khi nói, nuốt thức ăn hoặc khi lưỡi ở trạng thái nghỉ. Tật này có thể gây ra các vấn đề về nhai nuốt và nói chuyện.

Những thói quen tưởng vô hại nhưng nếu không điều chỉnh sớm sẽ khiến răng trẻ xô lệch, khấp khểnh - Ảnh 3.

Khi răng đã bị lệch thì cần lắp tấm chặn lưỡi để ngăn trẻ đẩy lưỡi (Ảnh minh họa).

Đẩy lưỡi là thói quen hình thành sau ngậm ti giả và mút ngón tay cái. Lưỡi đang quen với khoảng trống mà trước đó là núm ti giả hoặc ngón cái. Trong một số trường hợp thì lưỡi đẩy là do tự nhiên. Thói quen này chỉ thành vấn đề nếu thời gian đẩy lưỡi vượt quá 6 tiếng.

Nên làm gì: Lắp tấm chặn lưỡi trong miệng để giúp trẻ bỏ thói quen này và để răng mọc tại vị trí tự nhiên.

4. Thở bằng miệng hoặc ngáy

Nguyên nhân: Có thể khiến răng lệch hoặc mọc chen nhau.

Theo bác sĩ Schwartz, khi trẻ thở bằng miệng hoặc ngáy thì trẻ mở đường thở và đẩy lưỡi ra ngoài.

Những thói quen tưởng vô hại nhưng nếu không điều chỉnh sớm sẽ khiến răng trẻ xô lệch, khấp khểnh - Ảnh 4.

Khi trẻ thở bằng miệng hoặc ngáy thì trẻ mở đường thở và đẩy lưỡi ra ngoài (Ảnh minh họa).

Nên làm gì: Có nhiều nguyên nhân gây thở bằng miệng kéo dài ở trẻ, trong đó có dị ứng, viêm amidan, sùi vòm họng hoặc ngưng thở khi ngủ. Các bậc cha mẹ nên trao đổi với các chuyên gia răng hàm mặt để tìm ra nguyên nhân. Sau khi nguyên nhân đã rõ thì sẽ đưa ra biện pháp điều trị thích hợp với từng trẻ.

5. Lệch hàm

Nguyên nhân: Hai hàm không đều có thể gây ra hiện tượng răng hô và cắn hở.

Tự nhiên đã thiết kế để có một vị trí phù hợp giữa hàm trên và hàm dưới giúp thức ăn được nhai tiện nhất và đồng thời để răng không bị mòn, lệch nhau. Nếu hàm không ở vị trí này có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.

Nên làm gì: Bác sĩ Schwartz cho hay "Đa số vấn đề lệch hàm là do di truyền. Nếu hàm trên hoặc hàm dưới quá to so với hàm còn lại, hầu như các bác sĩ không thể can thiệp, đặc biệt nếu trẻ đã lớn. Nếu như độ chênh lệch chỉ khoảng 4-6 mm thì chúng tôi có thể kéo răng hàm trên về phía sau cho ngang bằng với răng hàm dưới bằng cách dùng niềng răng dù vẫn giữ nguyên vị trí của hàm".

6. Thói quen ăn uống xấu

Nguyên nhân: Sâu răng sữa có thể gây ra thiếu chỗ mọc răng vĩnh viễn và mọc chen chúc nhau.

Những thói quen tưởng vô hại nhưng nếu không điều chỉnh sớm sẽ khiến răng trẻ xô lệch, khấp khểnh - Ảnh 5.

Nếu răng sữa bị rụng quá sớm, những răng bên cạnh có thể đẩy sang và tranh mất chỗ của răng vĩnh viễn chưa mọc (Ảnh minh họa).

Nhiều người nghĩ răng sữa như nào cũng không sao bởi sau này trẻ thay răng vĩnh viễn, tuy nhiên có những hậu quả ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn nếu răng sữa gẫy quá sớm hoặc có nhiều khoảng trống do răng sâu không được chữa trị. Răng sữa giống như vật giữ chỗ cho răng vĩnh viễn. Nếu răng sữa bị rụng quá sớm, những răng bên cạnh có thể đẩy sang và tranh mất chỗ của răng vĩnh viễn chưa mọc. Răng sữa cũng giúp giữ cho hàm khỏe mạnh. Đó là lí do vì sao cần giữ vệ sinh răng miệng từ khi còn nhỏ để tránh phải nhổ răng sớm.

Nên làm gì: Nếu răng sữa đã rụng thì cần theo dõi và đặt vào vị trí đó một miếng giữ chỗ để đảm bảo răng vĩnh viễn có thể mọc lên mà không bị các răng bên cạnh xô đẩy.

Nguồn: Baby

Chia sẻ