Những sự thật mà chỉ lên đại học mới biết: Ai cũng từng mua đồ "pha-kè" ở chợ Xanh, chuyện có người yêu thật hoang đường

Thanh Hương ,
Chia sẻ

Lên đại học thể nào cũng có người yêu! - Không không các em ơi, không có chuyện đó đâu!

Một mùa tuyển sinh đại học lại đến. Với những bạn thí sinh đã trúng tuyển đại học bằng các phương thức xét tuyển học bạ, chứng chỉ IELTS,... thì đây có lẽ là khoảng thời gian chuẩn bị đồ đạc và cả tinh thần cho một giai đoạn học tập mới.

Trên các nhóm mạng xã hội, không ít bạn trẻ 2k3 hào hứng xin các anh chị khóa trên review về cuộc sống đại học. Tất nhiên, "các bô lão" 2k2, 2k1 và thậm chí là 9x, 8x không ngần ngại kể những chuyện vui tới bến về thời đại học. 

Những sự thật mà chỉ lên đại học mới biết: Ai cũng từng mua đồ "pha - kè" ở chợ Xanh, chuyện có người yêu thật hoang đường - Ảnh 1.

Có những sự thật thú vị đến mức, 2k3 vừa đọc vừa cười sái cả quai hàm:

1. Hà Nội có 2 địa điểm chợ sinh viên cực kỳ nổi tiếng. Thứ nhất là chợ Nhà Xanh, thứ hai là chợ Phùng Khoang. Tại đây bày bán đủ mọi mặt hàng giá rẻ từ quần áo đến mỹ phẩm, giày dép, phụ kiện,... Tất nhiên, giá rẻ thì thường là hàng "pha - kè". Nhưng với ngân sách có hạn của sinh viên thì chợ Nhà Xanh hay chợ Phùng Khoang đúng là thiên đường mua sắm.

Lời khuyên nhỏ là sinh viên chỉ nên mua quần áo, giày dép thôi còn mỹ phẩm thì tránh xa nhé. Thỏi son MAC có 80k, lại còn được mặc cả thì bạn cũng biết chất lượng đến đâu rồi đó... Ngoài ra tiểu thương ở chợ Xanh đanh đá có tiếng. Nếu muốn mặc cả, những "tấm chiếu cũ" khuyên những "tấm chiếu chưa trải" nên đi theo nhóm đông.

Những sự thật mà chỉ lên đại học mới biết: Ai cũng từng mua đồ "pha - kè" ở chợ Xanh, chuyện có người yêu thật hoang đường - Ảnh 2.

Chợ nhà Xanh, hay "Xanh Plaza" - thiên đường mua sắm của sinh viên với những anh chị bán hàng có cổ họng siêu khỏe, hét ra rả: "Mua đi bạn ê! Giảm giá đồng loạt 50k bạn ê"...

2. "Học đại học nhàn lắm các anh chị nhỉ?" - Mơ à các em? Không có chuyện nhàn đâu nhé. Hỡi những "tấm chiếu chưa trải", các em sẽ phải thức đêm để đăng ký tín chỉ. Nhanh chân thì còn chậm chân thì mất! 

Nếu muốn có bằng Khá trở lên thì phải học chăm chỉ vào. Trước các kỳ thi phải thức đêm, thức hôm, thậm chí học xuyên đêm để sáng mai đi thi cũng là chuyện quá bình thường. Rồi đến mùa làm luận văn thì ôi thôi... Cứ gọi là bế quan tu luyện, phờ phạc cả tháng mới xong được luận văn hoàn chỉnh! Đó, các em thấy có nhàn không? 

3. Đầu tháng rủng rỉnh, cuối tháng ăn mày - đây chính là tình trạng chung của sinh viên khi tiêu hết trợ cấp của gia đình. Để sống sót qua ngày, "các tấm chiếu mới" cần có kế hoạch chi tiêu kỹ lưỡng, tránh phung phí tiền vào những khoản không cần thiết. 

Những sự thật mà chỉ lên đại học mới biết: Ai cũng từng mua đồ "pha - kè" ở chợ Xanh, chuyện có người yêu thật hoang đường - Ảnh 4.

Thương hiệu huyền thoại cứu đói bao thế hệ sinh viên.

4. Món ăn huyền thoại của sinh viên chính là mỳ gói. Bạn nào "rich kid" thì ăn Omachi, đập thêm quả trứng. Bạn nào khó khăn thì mua mỳ 6 con tôm, mỳ chũ, mỳ cân ăn dần. Ngoài ra, cá bống khô loại 13k/lạng cũng là thực phẩm được lòng anh em sinh viên. Hoặc ai rỗng túi quá thì có thể ăn cơm với rau, giả bộ mình là người thích ăn chay cũng được...

5. Lên đại học thể nào cũng có người yêu! - Không không các em ơi, không có chuyện đó đâu! Với những trường đại học nam nhiều hơn nữ, hoặc nữ nhiều hơn nam thì chỉ có chăm chỉ giao lưu với sinh viên các trường khác thì mới may ra có người yêu. Rất nhiều sinh viên thậm chí đã tốt nghiệp, đi làm rồi vẫn chưa một mảnh tình vắt vai kìa.

6. Đi chùa Hà sẽ có người yêu? Cùng tùy vào may mắn nữa cơ!

Những sự thật mà chỉ lên đại học mới biết: Ai cũng từng mua đồ "pha - kè" ở chợ Xanh, chuyện có người yêu thật hoang đường - Ảnh 5.

Một cô bạn ế suốt 4 năm đại học - người thật việc thật là đây!

7. Môn học đáng sợ nhất thời cấp 3 là Ngữ Văn, Lịch sử vì phải học thuộc nhiều. Nhưng nếu lên đại học, các em sẽ gặp một huyền thoại khác "đắng cấp" hơn nhiều. Đó chính là Triết học. 

Đọc "sương sương" cho các em nghe nội dung quy luật phủ định của phủ định này: "Quá trình phủ định của phủ định diễn ra vô tận trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng tạo nên sự vận động, phát triển vô tận của thế giới vật chất. 

Mỗi chu kỳ phát triển của sự vật, hiện tượng THƯỜNG trải qua hai lần phủ định biện chứng – tức là trải qua một quá trình phủ định của phủ định. Sự phủ định của phủ định kết thúc một chu kỳ phát triển, đồng thời lại là điểm xuất phát của một chu kỳ mới và được lặp lại vô tận".

Đó, các em đã thấy yêu thương môn Văn hơn chưa!

Đây mới là môn đáng sợ nhất nhé các em!

8. Chọn bạn cùng team thuyết trình rất quan trọng. Nếu như các em không muốn phải làm một mình cả 20, 30 trang powerpoint thì cần chọn teamwork thật tốt. Ngoài ra, chọn bạn cùng phòng cũng vậy. Nếu ở KTX thì đành chờ may rủi thôi, vì phòng do nhà trường phân.

9. KTX nào cũng có những truyền thuyết ma quỷ đáng sợ...

10. Thi vào các CLB của trường còn khó hơn cả thi vào trường. Thậm chí đội sinh viên tình nguyện của một trường từng gây tranh cãi dữ dội khi đưa ra câu hỏi cho tân sinh viên: "Nếu đội có việc gấp mà gia đình em có người đang ốm thì em sẽ chọn bên nào?".

11. Thầy/cô chủ nhiệm là một người trong truyền thuyết, chỉ xuất hiện khi lớp có biến hoặc những dịp đặc biệt quan trọng, tần suất 1-2 lần/năm đã được coi là nhiều rồi.

12. 90% con gái lên đại học rồi đều thay đổi ngoại hình. Đừng coi thường đứa bạn "hai lúa" ngồi cùng bàn, biết đâu vài năm sau cô bạn đó lại thành hot girl, thậm chí là Hoa hậu chứ chẳng đùa! 

13. Sinh hoạt theo giờ của Mỹ. Dù học sáng hay học chiều thì đêm vẫn thức qua 12 giờ mới chịu đi ngủ.

14. Nếu thấy bóng người lén trèo cổng, tường KTX thì cứ bình tĩnh, đừng vội hét lên. Chưa chắc đã là trộm đâu, có thể là ông bạn nào đó đi chơi về muộn, phải trèo cổng vào thôi.

Những sự thật mà chỉ lên đại học mới biết: Ai cũng từng mua đồ "pha - kè" ở chợ Xanh, chuyện có người yêu thật hoang đường - Ảnh 7.

17. Cách dạy của thầy cô cấp 3 hoàn toàn khác so với giảng viên ở trường đại học. Ở bậc đại học, sinh viên sẽ phải chủ động nhiều hơn trong việc học. Ngoài ra chuyện đang dạy mà thầy cô có việc bận, cho học sinh nghỉ tiết hoặc ngồi tự học là điều quá bình thường.

18. Học chung một lớp nhưng không phải ai cũng quen. Nhớ được tên nhau là tốt lắm rồi!

19. "Bạn Phạm X có mặt không?", "bạn Trần T có mặt không?", "bạn Dương N có mặt không?" - Nếu thấy một cậu bạn A trả lời tất cả câu hỏi này của giảng viên thì đừng sợ. Cậu ta không mắc chứng đa nhân cách đâu, chỉ là điểm danh hộ thôi mà.

20. Công việc làm thêm chui của nhiều sinh viên: Học hộ! 

21. Ở đại học, lý thuyết chỉ chiếm 10%, 90% còn lại là thực hành.

22. Ngoài tiền chi tiêu sinh hoạt phí, các em nên để dành thêm một khoản để đóng tiền học lại, thi lại...

23. Rất nhiều sinh viên háo hức đi làm thêm nên mắc bẫy đa cấp. Mẹo sinh tồn cần nhớ: Hãy tránh xa các anh mặc vest "made in Đồng Xuân", miệng ra rả kiếm 50 - 100 triệu đồng/tháng nhưng lại đi xe đạp, dùng điện thoại vỡ màn hình... Nếu thật sự có công việc hời như vậy, họ giới thiệu cho người nhà chứ hơi đâu giới thiệu cho các em. Nên hãy thật tỉnh táo nhé!

Chia sẻ