Những sai lầm khi uống nước vào buổi sáng có thể khiến người Việt hại gan, tổn thương thận, gây bệnh ung thư
Ly nước đầu tiên trong ngày rất quan trọng, thế nhưng nhiều người lại không biết uống đúng cách.
Thói quen uống một cốc nước vào sáng sớm đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Uống nước khi vừa thức dậy giúp bổ sung lượng nước bị mất do quá trình trao đổi chất khi ngủ. Hơn nữa, thói quen này còn làm giảm độ nhớt của máu, thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường sức khỏe tim mạch và mạch máu não.
Ly nước đầu tiên trong ngày rất quan trọng, thế nhưng nhiều người lại không biết uống đúng cách. Nếu bạn mắc phải những sai lầm dưới đây thì việc uống nước sẽ phản tác dụng, hủy hoại cơ thể, thậm chí hình thành bệnh ung thư.
Những sai lầm khi uống nước vào buổi sáng:
1. Nước quá nóng, quá lạnh.
2. Uống quá nhiều nước.
3. Uống trà thay nước lọc.
4. Uống mật ong khi bụng đói.
4 sai lầm khi uống nước vào buổi sáng
1. Uống nước quá nóng hoặc quá lạnh
Vào buổi sáng, bạn không nên uống nước quá lạnh vì dễ gây kích ứng ruột và dạ dày, làm co nhanh các mạch máu niêm mạc dạ dày, gây khó chịu đường tiêu hóa, nặng hơn là gây bệnh tiêu chảy. Những người có dạ dày không tốt, người có bệnh về đường ruột càng cần lưu ý điều này để không gây tổn hại đến sức khỏe. Người mắc bệnh tim mạch không nên uống nước quá lạnh vào buổi sáng để phòng ngừa tình trạng đau tim cấp.
Ngoài ra, uống nước quá nóng cũng đem lại nhiều rủi ro không kém. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp các loại nước nóng trên 65 độ C vào nhóm chất gây ung thư 2A. Nguyên nhân là do màng nhầy trên bề mặt thực quản rất mỏng manh và dễ vỡ, dưới tác động của nhiệt độ cao khi uống nước thì có thể bị bỏng. Nếu bộ phận này bị bỏng trong thời gian dài sẽ hình thành các tế bào bất thường, gây bệnh ung thư.
Chính vì vậy, sau khi vừa thức dậy, uống một ly nước ấm, không quá 50 độ C - chính là lựa chọn hoàn hảo nhất.
2. Uống quá nhiều nước
Mặc dù thói quen uống nước buổi sáng là rất tốt nhưng mọi người cũng cần lưu ý về lượng nước mà cơ thể hấp thụ. Uống quá nhiều nước cùng một lúc sẽ làm loãng máu, tăng gánh nặng cho tim. Trong khi đó, buổi sáng là thời điểm có tỷ lệ nhồi máu cơ tim và đột quỵ rất cao.
Tốt nhất, bạn không nên uống quá 150ml nước khi bụng đói. Khi uống thì nên chú ý uống từng ngụm và uống từ từ.
3. Uống trà thay cho nước lọc
Người Việt thường có sở thích uống trà vào bữa sáng. Tuy nhiên, trà đặc thường chứa nhiều florua, nếu uống thường xuyên uống lúc bụng đói có thể gây hại cho thận bởi thận là cơ quan bài tiết chính florua. Khi cơ thể thu nạp lượng florua vượt quá khả năng bài tiết của thận sẽ khiến chất này tích tụ trong cơ thể và ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Ngoài ra, trong trà xanh có chứa chất tannin. Việc sử dụng quá nhiều trà xanh sẽ dẫn tới gan phải làm việc quá tải, gây ra tổn thương gan.
4. Uống nước mật ong khi bụng còn rỗng
Uống một cốc nước mật ong vào sáng sớm giúp làm sạch dạ dày, đồng thời loại bỏ chất thải trong cơ thể. Tuy nhiên, chưa ăn gì đã uống nước mật ong thì lại có thể tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa, đối với người không dung nạp đường fructose còn có thể gây đau bụng, tiêu chảy.
Bệnh nhân tiểu đường mà sử dụng mật ong vào thời điểm đói bụng thì sẽ gây tăng đường huyết. Bệnh nhân dạ dày mà uống chanh mật ong lúc này thì sẽ gây đau, gây viêm loét dạ dày.
Vào buổi sáng, tốt nhất bạn nên uống 1 cốc nước lọc. Ăn nhẹ nhàng rồi hãy uống mật ong hay chanh mật ong.