Những người trẻ muốn lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng phải nhớ 7 điều quan trọng này

An Du,
Chia sẻ

Quản lý tài chính khôn ngoan là một trong những phần quan trọng để bạn quản lý và làm chủ cuộc đời mình tốt hơn.

Lập ngân sách là một hành động thực tế gần như không có phương án thay thế, nếu bạn muốn nắm chắc chi tiêu, bảo đảm tiền của mình được sử dụng một cách hợp lý và thông minh nhất.

Hiện nay, có khá nhiều ứng dụng hỗ trợ bạn rất tốt trong việc lập ngân sách. Mỗi khi bạn chi tiêu một khoản nào đó, hãy nhập chúng vào danh mục tương ứng trong ứng dụng, ví dụ như “quần áo”, “siêu thị”, “chăm sóc trẻ em”, “bảo hiểm y tế”… Các ứng dụng này còn có khả năng quét chi tiêu của bạn trong quá khứ, từ đó ước tính số tiền bạn sẽ tiêu trong tương lai.

Hoặc bạn cũng có thể lập ngân sách một cách thủ công. Hãy rà soát lại chi tiêu của mình trong những tháng gần đây, sau đó bạn cân đối với thu nhập và đặt ra các danh mục chi tiêu phù hợp với chính mình.

Khi đã hoàn thành việc lập ngân sách, bạn hãy xem xét và tìm ra những khoản tiêu dùng có thể cắt giảm. Điều này đặc biệt cấp bách nếu bạn đang chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Thu lớn hơn chi thì ưu tiên hàng đầu của bạn sẽ là phải cắt giảm. Hoặc trong trường hợp gia đình gặp khó khăn, bạn nên phân bổ lại một số khoản chi tiêu của mình.

Lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng phải nhớ 7 điều “tối quan trọng” này để luôn thành công - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Để ngân sách không bao giờ bị phá vỡ, bạn hãy luôn nhớ đến 7 điều tối quan trọng sau đây:

1. Đề phòng rò rỉ tiền mặt

Nếu tiền mặt rút từ máy ATM bốc hơi khỏi túi bạn nhanh chóng mà không có lời giải thích rõ ràng, vậy thì đã đến lúc cần phải thực hiện tốt hơn công việc ghi chép chi tiêu.

Nói chung, nếu bạn cảm thấy mình quay trở lại cây ATM sớm hơn so với dự định để rút tiền, bạn phải ngay lập tức kiểm tra xem số tiền trước đó đã đi đâu.

2. Cẩn thận chi tiêu vượt quá giới hạn

Thực tế có nhiều cá nhân/hộ gia đình đang chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Đó là một hành vi tài chính khiến bạn trở thành ứng cử viên cho bi kịch mang tên phá sản.

Khi chi tiêu vượt quá giới hạn, đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn cần thực hiện một số thay đổi lớn để cắt giảm chi tiêu.

3. Coi chừng những khoản tiêu dùng xa xỉ

Nếu thu nhập của bạn không đủ trang trải chi phí, rất có thể bạn đang dành một phần tiền lương của mình cho những thứ xa xỉ, không thật sự cần thiết trong cuộc sống.

Hãy cắt bỏ những khoản mua sắm đó, để đảm bảo ngân sách của bạn luôn nằm trong tình trạng ổn định và an toàn.

4. Tự đặt mục tiêu cho bản thân

Lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng phải nhớ 7 điều “tối quan trọng” này để luôn thành công - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Mỗi người nên tự đặt ra những mục tiêu cho bản thân, ví dụ như lập ngân sách chi tiêu chỉ trong khoảng 60% - 70% thu nhập.

Mức lương cũng như hoàn cảnh cá nhân của mỗi người khác nhau, tuy nhiên bạn đừng bao giờ chi tiêu quá 90% thu nhập của mình. Hãy cố gắng đảm bảo bạn luôn có tối thiểu 10% tiền lương để tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính khác.

5. Đừng trông chờ vào sự may rủi

Khi tính toán các khoản thu nhập, bạn chớ nên liệt kê những khoản tiền mà mình không chắc chắn nhận được, ví dụ như tiền thưởng cuối năm, tiền lãi từ đầu tư…

Nếu chúng ta thống kê cả những khoản tiền ấy với tâm lý may rủi, nó có thể xuất hiện trong tài khoản của bạn hoặc không, ngân sách rất dễ bị phá vỡ.

6. Cẩn thận với chi tiêu leo thang

Khi thu nhập hàng năm của bạn tăng lên, do được tăng lương hoặc tiền lãi từ đầu tư thông minh, bạn đừng dại mà chi tiêu cho những thứ xa xỉ. Tốt hơn cả là bạn hãy sử dụng các khoản thu nhập tăng thêm ấy để tiết kiệm nhiều hơn.

7. Không được nản lòng

Khi đã lên kế hoạch thu chi, lập ra ngân sách thì bạn hãy cố gắng thực hiện đúng và liên tục. Đừng nản lòng, bạn cần biến việc lập ngân sách trở thành một thói quen tài chính tốt trong cuộc sống. Quản lý tài chính khôn ngoan là một trong những phần quan trọng để bạn quản lý và làm chủ cuộc đời mình tốt hơn.

Theo: CNN

Chia sẻ