Những lầm tưởng về "nuôi con kiểu Tây" nhìn từ vụ bé trai 16 tháng tuổi gào thét, sợ hãi khi học bơi

BN,
Chia sẻ

Nhìn những em bé Tây biết bơi từ vài tháng tuổi, có người đã nghĩ rằng các bố mẹ Tây rèn còn rất khắc nghiệt, toàn "ném" con vào bể bơi cho tự bơi.

Xung quanh clip bé trai 16 tháng tuổi học bơi gây bức xức dư luận nhưng ngày qua, nhiều người lầm tưởng rằng đó là kiểu học bơi sinh tồn rất phổ biến ở các nước phương Tây. Là một bà mẹ có con nhỏ đã sinh sống ở nước ngoài, từng cho con đi học bơi từ 8 tuần tuổi, chị Quỳnh Anh (28 tuổi, hiện đang sống tại Anh), mẹ bé Emma (1,5 tuổi) khẳng định: "Mình đã sinh sống ở nước ngoài 12 năm nay và chưa từng thấy kiểu học bơi nào mà trẻ gào khóc, sợ hãi như clip lan truyền trên mạng mấy ngày qua".

Từ vụ việc gây bức xúc dư luận trên, chị Quỳnh Anh cũng chia sẻ quan điểm của mình về 1 số lầm tưởng mà nhiều người vẫn nghĩ về cách "nuôi con kiểu Tây":

1. "Bố mẹ Tây rèn con khắc nghiệt lắm, toàn ném thẳng vào bể cho tự bơi"

Có thể bạn nhìn thấy điều này ở các resort, nơi có rất nhiều khách du lịch nước ngoài, và đúng là họ có làm như vậy. Nhưng bạn không biết rằng đứa trẻ đó chắc chắn đã được rèn luyện bài bản trước đó. Nó biết cách ngã, biết cách nín thở và lấy hơi sao cho không bị sặc hay chấn thương.

Những lầm tưởng về "nuôi con kiểu Tây" nhìn từ vụ bé trai 16 tháng tuổi gào thét, sợ hãi khi học bơi - Ảnh 1.

Bé Emma học bơi cùng bố lúc 2 tháng tuổi. (Ảnh: NVCC)

Điều rõ nhất bạn có thể thấy là những đứa trẻ đó chắc chắn không gào khóc, ngược lại chúng còn rất thích thú. Với chúng, trò chơi này vui bởi vì chúng có đủ kĩ năng để không gặp nguy hiểm. Rèn luyện không phải là ném con vào nguy hiểm mặc cho chúng gào khóc, sợ hãi. Có rất nhiều cách rèn luyện tốt hơn mà không cần đứa trẻ phải bị sang chấn tâm lý.

2. "Bố mẹ Tây toàn mặc kệ con. Tự ngã thì tự đứng dậy. Không việc gì phải dỗ"

Không phải là mặc kệ, mà là đứng từ xa quan sát thay vì can thiệp ngay lập tức. Việc bố mẹ đứng từ xa quan sát sẽ giúp trẻ có cơ hội luyện tập cách tự giải quyết vấn đề trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng khi trẻ đã tìm đến người lớn để cầu cứu, nhất định phải giúp con.

Tình huống cụ thể: Con bị bạn xô ngã hay tự ngã ở sân chơi. Con khóc vì bị đau. Bố mẹ thường có các cách giải quyết sau:

- Chạy ngay ra la mắng đứa trẻ vừa xô con mình, hoặc la mắng con mình vì chơi mà không cẩn thận.

- Mặc kệ con, tự chơi được thì phải chấp nhận bị ngã. Cuộc đời sau này còn nhiều thứ khắc nghiệt hơn.

- Quan sát con, nếu một lúc sau con có thể tự đứng lên chơi tiếp thì thôi, tức là con không đau lắm và chính con cũng không bận tâm lắm. Nếu con nhìn mình với ánh mắt cầu cứu, hay chạy tới cầu cứu, sẽ ôm con vào lòng, đồng cảm với việc con bị đau. Khi con bình tĩnh lại thì giải thích cho con nên làm gì để tránh tình huống tương tự lặp lại.

Những lầm tưởng về "nuôi con kiểu Tây" nhìn từ vụ bé trai 16 tháng tuổi gào thét, sợ hãi khi học bơi - Ảnh 3.

"Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, đến cuối cùng chỉ có bạn mới biết điều gì là phù hợp nhất với con mình" (Ảnh: NVCC).

Cách thứ nhất là kiểu ứng xử của bố mẹ châu Á. Cách thứ hai là cách nhiều người tưởng rằng cha mẹ Tây thường làm như vậy. Nhưng cách thứ ba mới là cách tất cả chúng ta nên làm.

3. "Bố mẹ Tây không chiều con đâu. Bố mẹ ăn gì con ăn đấy, làm gì có chuyện suốt ngày cháo nọ cháo kia như mình"

Đây là quan niệm đúng mà cũng sai. Đúng ở chỗ bố mẹ Tây luôn tạo điều kiện cho con trưởng thành và thích nghi với cuộc sống. Nhưng chuyện một em bé đang trong giai đoạn ăn dặm mà phải ăn như người lớn thì hoàn toàn không đúng. Trẻ đang ăn dặm vẫn phải có thức ăn riêng, đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp với kĩ năng cũng như độ tuổi. Việc ăn cùng bố mẹ, ăn chung thức ăn với bố mẹ chỉ như một cách học ăn, thử nếm mùi vị khác nhau của thức ăn, ăn cho vui vậy thôi.

Việc những người mẹ, người bà có thể hằng ngày đổi món, nấu nhiều món ngon cho trẻ ăn là một việc cực kì đáng tuyên dương chứ không phải là chỉ trích. Đa phần các gia đình có con nhỏ ở nước ngoài cũng đều cố gắng làm như vậy, nhưng vì quỹ thời gian không cho phép nên họ buộc phải đơn giản hoá. Chuyện nuôi con thật ra không có khái niệm đúng sai, chỉ có phù hợp hay không phù hợp.

4. "Bố mẹ Tây toàn cho con nghịch bẩn, ăn mặc phong phanh để rèn luyện đề kháng. Không như mình suốt ngày nuôi con trong lồng kính"

Có thể thấy khí hậu các nước châu Âu phần lớn là khí hậu ôn đới, độ ẩm trong không khí khá thấp và ổn định. Vì thế cũng ít vi khuẩn và dịch bệnh hơn các nước nhiệt đới, đặc biệt là nhiệt đới gió mùa nồm ẩm như Việt Nam. Cơ thể và đề kháng của trẻ rất mong manh, Tây họ cho trẻ thích nghi với bên ngoài sớm vì môi trường của họ an toàn để làm như vậy. Việc các bà mẹ Việt giữ con trong nhà cho đến khi con đủ cứng cáp cũng hoàn toàn không phải việc gì đáng chê trách. Tất nhiên cái gì cũng nên cân bằng.

Những lầm tưởng về "nuôi con kiểu Tây" nhìn từ vụ bé trai 16 tháng tuổi gào thét, sợ hãi khi học bơi - Ảnh 5.

"Trẻ con là những cá thể chưa hoàn thiện, vì thế mới cần đến sự hướng dẫn của người lớn chúng ta" (Ảnh: NVCC).

Nhân vụ việc bé trai 16 tháng tuổi đi học bơi trên, bà mẹ trẻ Quỳnh Anh cũng gửi lời nhắn nhủ tới các cha mẹ rằng: "Trong xã hội đầy rẫy thông tin như hiện nay, mình chỉ muốn nói rằng các mẹ hãy tin vào bản năng và linh cảm của mình. Nếu linh cảm của bạn cho thấy điều gì đó không ổn, dù sách vở đều bảo ổn, thầy giáo cũng bảo ổn, thì cũng hãy tin linh cảm của mình. Bởi vì mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, đến cuối cùng chỉ có bạn mới biết điều gì là phù hợp nhất với con mình. Trong tất cả các khoá học mình từng tham gia, câu nói này và tinh thần này luôn được nhắc đi nhắc lại với các bậc cha mẹ: "Trẻ con là những cá thể chưa hoàn thiện, vì thế mới cần đến sự hướng dẫn của người lớn chúng ta".

Chia sẻ