Những khó khăn ngày đầu con vào lớp Một
Đi học lớp 1 là điều không hề dễ dàng đối với các con và cả bố mẹ, nhưng chỉ với một vài sự chuẩn bị nho nhỏ, cha mẹ sẽ giúp trẻ không còn cảm thấy lo lắng khi ngày đầu bước chân vào lớp 1 nữa.
Nếu con bạn có một số kỹ năng thực hành cần thiết thì ngày đầu đến lớp của trẻ sẽ không còn là sự lo lắng của các bậc phụ huynh nữa. Tiến sỹ Pat Spungin, chuyên gia nuôi dạy con cái cho biết: “Trẻ nên học cách ngồi yên, chờ đợi và lắng nghe. Tuy nhiên điều này có vẻ hơi khó đối với các bé trai vì chúng hơi hiếu động”.
“Trẻ cần phải biết cách tự cởi và mặc quần khi đi vệ sinh. Vì vậy, khi con bạn đã sẵn sàng, bạn nên yêu cầu trẻ tự làm những việc trên, nếu không bạn nên dạy trẻ những kỹ năng chăm sóc bản thân trước khi vào tiểu học”.
“Trẻ có thể sẽ cảm thấy hơi lo lắng khi chuẩn bị vào lớp 1, nhưng bạn không thể nói trước được rằng trẻ nào có thể hoà nhập và trẻ nào không thể. Một đứa trẻ hoà đồng không nhất thiết phải hoà nhập ngay lập tức mà cũng cần có thời gian”.
“Khái niệm “ngôi trường lớn” có thể sẽ có sức hấp dẫn với trẻ nhưng cũng có khi là nỗi sợ hãi của trẻ. Sẽ rất hữu ích nếu để trẻ biết điều gì sẽ diễn ra ở trường mới bằng cách đọc cho chúng nghe những câu chuyện về trường học và giải thích cho chúng hiểu. Điều này sẽ làm giảm bớt sự lo lắng của trẻ.
Bất kỳ những phản ứng nào của trẻ ở trường học, các bạn cũng nên nhớ rằng giáo viên là người hiểu những điều này hơn ai hết vì họ đã có rất nhiều kinh nghiệm về vấn đề này. Trường học sẽ trở nên quen thuộc với tất cả các trẻ ngay cả đối với những bé đã từng cảm thấy rất lo lắng trong những tuần đầu tiên của mình.
Những tuần đầu ở trường
Không phải trẻ nào cũng cảm thấy dễ dàng với môi trường mới, do vậy trong những tuần đầu tiên, cha mẹ cần phải trò chuyện với con nhiều hơn và để ý bất kỳ biểu hiệu khác lạ nào của con mình.
Trẻ không muốn đi học trong tuần thứ 2 là điều bình thường. Những háo hức ban đầu đã giảm xuống và trẻ thì vẫn cảm thấy hơi lo lắng.
Cha mẹ nên quan sát những biểu hiện của trẻ cũng như là lắng nghe những điều mà trẻ chia sẻ. Tiến sỹ Spungin gợi ý: “Bạn hãy để ý những hiểu hiện của con vào các buổi sáng khi bạn chuẩn bị đưa con đi học. Con có nhanh nhẹn, vui vẻ hay không, hay trông chúng có vẻ hơi ủ rũ. Con phản ứng như thể nào khi bạn hỏi về trường học”.
Cha mẹ hãy hỏi những câu hỏi đơn giản: “Thật khó để một đứa trẻ 6 tuổi có thể trả lời một câu hỏi rằng liệu nó có vui vẻ ở trường hay không. Bạn sẽ có được nhiều thông tin hơn khi hỏi những câu hỏi cụ thể như: ở lớp con chơi với ai? Con ăn trưa cùng bạn nào? Trong lớp con có bạn nào nghịch ngợm không?
Trao đổi với giáo viên
Giáo viên luôn là người đầu tiên bạn cần liên lạc nếu bạn nghĩ rằng có điều gì đó không ổn đối với con mình. Bắt đầu bằng cách xem xét lại những gì con bạn nói với bạn. Ví dụ: bạn hãy nói với giáo viên rằng lúc đầu, con bạn rất hào hứng đi học nhưng bây giờ lại thấy sợ hãi vì đã có bạn nào đó bắt nạt. Hay nói rằng con bạn nói là nó không có bất kỳ người bạn nào. Có như vậy, giáo viên sẽ biết được tình hình và tìm hướng giải quyết.
Khi lần đầu trông thấy con đứng xếp hàng ở sân trường, chắc chắn bạn sẽ có cảm giác rất khó tả. Đây là bước đầu tiên để con bạn tự lập. Đó sẽ là một thế giới mà chúng hiểu rất rõ còn bạn thì không. Khi chúng ổn định và hào hứng đi học bạn sẽ thấy rằng bạn đã nuôi dạy chúng tốt như thế nào vì vậy hãy cố gắng để nhìn nhận mọi việc một cách tích cực bạn nhé!