“Những gì người lớn đang làm thật khủng khiếp!”

Theo Seatimes,
Chia sẻ

Nếu trẻ con có thể tư duy, diễn đạt rõ ràng về cảm nhận của mình, tôi nghĩ rằng các con sẽ nói điều đó. Làm sao có thể dọa trẻ con theo kiểu “đừng ra ngoài người ta bắt đấy!” “Nghịch bẩn à, eo ơi, có con giun nó cắn chết đấy!”

Ai đẩy con vào sợ hãi?

Từ một cậu bé nhanh nhẹn hoạt bát, con trai gần 2 tuổi của tôi trở nên sợ hãi co cụm trong vỏ ốc bé nhỏ, sợ đi bộ, sợ người lạ, sợ kết bạn, và sợ nhiều , rất nhiều thứ khác..

Mỗi buổi sáng phải bế con đi chợ, đôi tay tôi rã rời mà cậu bé vẫn bám riết lấy mẹ không chịu đứng xuống đất lấy một lần. Đôi mắt sợ hãi của con mỗi khi nhìn người bán hàng hay người đi đường qua lại làm lòng tôi quặn thắt. Tôi biết mình không được nói câu "Có gì đâu mà sợ", tôi chỉ có thể vuốt tóc con và nói:"Con đang sợ à? Có mẹ đây, con hãy yên tâm nhé!". 

“Những gì người lớn đang làm thật khủng khiếp!” 1
Nếu trẻ con biết nói rõ ràng ý kiến của mình, các con sẽ nói: Những gì người lớn đang làm thật khủng khiếp!

Tôi đã đưa con đến khu vui chơi có nhiều trẻ con, cầu trượt và xích đu, nhưng con chỉ đứng nép bên tôi nhìn xung quanh một cách rụt rè. Thỉnh thoảng có đứa bé nào chạy lại trêu con, con lại hét lên và đòi mẹ bế.

Ở nhà cũng thế, ngoài trừ bố mẹ ra, ông, bà, cụ, bác, anh họ đều không trò chuyện được với con. Dường như trong mắt con, họ đang ẩn giấu sự châm chọc, sự đe dọa và điều đó làm con khó chịu. Con càng khó chịu và tránh xa họ, họ lại cho rằng con là đứa trẻ không thân thiện, không yêu quý ông bà và người thân.

Họ nào biết rằng chính họ đã gieo rắc vào đầu con những nỗi sợ hoang đường không có thật. Để ngăn con ra ngoài chơi, mọi người nói rằng "đừng ra ngoài không người ta bắt đấy"? Chỉ vì con nghịch nước, nghịch bẩn, mọi người nỡ nói rằng: " Eo ơi kinh quá khiếp quá, nghịch bẩn eo ơi, có con giun nó cắn chết, sợ lắm!"

Không cần phải hét toáng lên hay đe dọa. Trẻ con chỉ cần một lời giải thích rõ ràng, một cái ôm, một sự an ủi hay khuyên nhủ nhẹ nhàng.

Và còn hàng loạt những câu từ kinh khủng mà người lớn đã gán cho môi trường mà con trẻ đang cố gắng hòa nhập, tìm hiểu và học hỏi từng ngày. Liệu rằng mưa, nắng, xe cộ, côn trùng, nước lạnh... có thật sự đáng sợ nhất trên đời không? Có thật cần phải hô toáng lên để ngăn chặn con trẻ không?

Con chỉ cần một lời giải thích rõ ràng, một cái ôm, một nụ hôn, một sự an ủi hay khuyên nhủ nhẹ nhàng thôi mà, thế là đủ. Không cần to tiếng, không cần quát mắng, không cần đe dọa. Nhưng không một ai hiểu được con, tất cả đều nghĩ rằng: con cần phải biết sợ thì mới dạy con được.

Chiến đấu cùng con

Sau tất cả nước mắt và đau lòng, tôi đã quyết tâm giải cứu con thoát khỏi vỏ ốc đó. Tôi đã chiến đấu với chính bản thân mình để tìm ra một hành trình thích hợp nhất cho con.

Tôi không thể tách con ra khỏi gia đình, con cần người thân cho dù họ chính là nguyên nhân làm con sợ hãi. Chính vì thế, tôi đã học cách cảm thông thay vì trách hờn họ.

Tôi giúp con hiểu rằng ông bà dọa con nhưng luôn yêu thương và muốn tốt cho con. Con cứ tự do khám phá mọi thứ mà không phải sợ hãi gì cả!

Mỗi lần con bị dọa, bị mắng, tôi thủ thỉ vào tai con rằng:"Con dũng cảm lắm. Con hãy cứ tự do tìm hiểu thế giới xung quanh. Mẹ sẽ giúp con biết được điều đúng và điều sai. Và con cũng cần học cách vâng lời mọi người con nhé. Mọi người luôn yêu thương và muốn tốt cho con." Tôi lặp lại những lời đó mỗi ngày, để con trai tôi hiểu rằng: Ông bà hay ai đó ngăn cản con nhưng không ai ghét con. Con có quyền tự do tiếp tục học hỏi mà không cần sợ hãi điều gì cả.

“Những gì người lớn đang làm thật khủng khiếp!” 2
Nỗi sợ của con giảm đi từng ngày. Ảnh minh họa: Internet.

Tôi không còn đưa con đến những nơi đông người như trước nữa. Tôi chỉ đưa con đi dạo, cho con nhìn mọi người đi bộ trên đường, cho con nhìn đủ loại xe qua lại. Vừa đi tôi vừa thì thầm vào tai con: "Con xem, mọi người đang đi bộ đấy, họ thật vui vẻ. Nếu có ai cười với con, con hãy cười đáp lại con nhé. Những chiếc xe ô tô đẹp quá con nhỉ? Có giống ô tô của con hay chơi ở nhà không? Sau này con sẽ lái ô tô chở mẹ đi chơi nha.."

Khi có người lạ đi ngang qua nhìn con, con lại sợ và đòi bế. Tôi nhẹ nhàng vuốt ve con: "Con sợ vì cô ấy nhìn con hả? Con yên tâm, cô ấy nhìn con vì thấy con mẹ đáng yêu quá, lúc nãy mẹ thấy cô ấy mỉm cười với con đấy, mẹ đoán cô ấy cũng rất yêu quý con" Và con đã lặp lại với tôi "Cô cười, cô quý con"

Một tuần sau đó, con đã có thể cười đáp lại mỗi khi có ai đó cười với con. Con đã có thể tự đến bắt chuyện và làm quen với một nhóm bạn mà con thích. Con đã áp dụng rất tốt cách mà tôi dạy con: " Khi con muốn làm quen với bạn ấy, con hãy đến cười với bạn ấy và nói "Chào bạn, mình tên Long" . Thật ngoài dự đoán của tôi, con làm rất tuyệt, con đã khiến những đứa trẻ khác thích thú với gương mặt vui vẻ của con .

Tối tối, khi hai mẹ con nằm cạnh nhau, tôi khen ngợi con về những biểu hiện đáng yêu ban ngày. Tôi áp dụng “5 phút gợi ý” của Shichida để thì thầm vào tiềm thức của con: " Long ơi, mẹ yêu con rất nhiều, vì con là một đứa trẻ ngoan ngoãn và lễ phép."/ "Long ơi, mẹ luôn ở bên cạnh con, nên không có điều gì làm con lo lắng hay sợ hãi cả."

Giờ đây, con đã có thể cùng mẹ đi bộ 2km/ ngày. Con không còn hoảng sợ nhiều khi gặp người lạ nữa. Con đã có thể tự tin kết bạn với bất cứ đứa trẻ nào và nhanh chóng hòa nhập vào trò chơi của các bạn. Con đã có thể tiếp nhận thông tin nhạy bén, ghi nhớ lâu, cảm nhận được nội dung của abif hát. Tôi tưởng chúng tôi sẽ mất một thời gian dài để giúp con thoát khỏi vỏ ốc ấy, nhưng sự hồn nhiên và mạnh mẽ của con đã chiến thắng mọi sợ hãi!

Một lần, khi nghe những ca khúc về tình mẹ, con đã bất chợt ôm hôn mẹ và nói" Con nhớ mẹ". Vào thời khắc ấy, tôi đã sẵn sàng đánh đổi cả thế giới để được ở bên con!

Những câu chuyện mang tính chất miêu tả sự vật sự việc đã khiến cho nỗi sợ của con thuyên giảm đi từng ngày. Con bắt đầu chịu đứng xuống đất và đi một quãng ngắn.

Đôi khi người lớn vẫn thường có thói quen nói chuyện với trẻ bằng giọng rất to, không to như quát nhưng đủ to vì mong muốn trẻ hướng sự chú ý của nó vào nội dung mình đang nói. Qua giai đoạn khủng hoảng nhẹ về tâm lý này của con, tôi nhận ra rằng lời thì thầm cũng là một yếu tố giúp bố mẹ có thể kết nối với con cái. Lời thì thầm như một dòng suối nhỏ, sẽ nhẹ nhàng thấm sâu vào tâm trí trẻ, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ.


Chia sẻ