Những đứa trẻ không được xã hội thừa nhận và bi kịch chất chồng của những bà mẹ đơn thân, không chồng mà chửa ở Trung Quốc

Diệp Lục,
Chia sẻ

Những bà mẹ đơn thân sinh con ngoài giá thú ở Trung Quốc đang chật vật đấu tranh từng ngày, đặc biệt là họ luôn khát khao cho con có một cuộc sống tốt đẹp hơn, được xã hội thừa nhận.

Có một nghịch lý đang tồn tại trong xã hội Trung Quốc đó là trong khi tỷ lệ sinh thấp, khiến nhà nước phải thực hiện chính sách hai con thì chính quyền lại bỏ qua các quyền thai sản cơ bản của những bà mẹ đơn thân, có con ngoài giá thú. Việc những người phụ nữ chưa chồng mà có con vẫn bị coi là một "vết nhơ" trong xã hội và trở thành nỗi xấu hổ, tai tiếng cho cha mẹ.

Câu chuyện về những người phụ nữ có con mà không chồng trong xã hội Trung Quốc vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Cha mẹ Trung Quốc vẫn can thiệp sâu vào việc kết hôn và sinh con của con mình. Việc có một bà mẹ đơn thân trong gia đình là một sự sỉ nhục ê chề đối với nhiều người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn Trung Quốc, nơi vẫn còn duy trì những quan niệm truyền thống. Nhiều người đã phải bỏ làng quê lên thành phố để sinh nở và nuôi con, tránh những lời dị nghị, bàn tán của mọi người.

Một người phụ nữ độc thân vẫn có thể sinh con ở bệnh viện, nhưng cô ấy phải tự chi trả mọi thứ vì không có bảo hiểm thai sản hay chi phí hỗ trợ nào cho phụ nữ độc thân. Cô Chris Zou vừa chia tay bạn trai thì mới biết rằng mình có thai. Cô đã thông báo tin này cho bố của đứa bé nhưng anh này đã chối bỏ, phản đối việc Chris Zou giữ lại cái thai này.

92446eda-d43e-11e9-a556-d14d94601503_image_hires_065922

Cô Chris Zou và con trai Xinxin.

Tuy nhiên, bản năng của một người mẹ đã làm cho Chris Zou quyết tâm giữ lại đứa trẻ và cô trở thành một bà mẹ đơn thân. 3 năm sau, cô Chris Zou, 43 tuổi, đang tìm cách đấu tranh cho quyền lợi của những bà mẹ đơn thân như cô.

Zou là một nhân viên giàu kinh nghiệm tại một công ty đa quốc gia ở Thượng Hải. Cô đã rất chật vật để nuôi con trai Xinxin lớn lên trong sự phân biệt đối xử của xã hội. Zou không nhận được tiền bảo hiểm thai sản của công ty. Khi cô gửi đơn yêu cầu đến chính quyền địa phương, họ nói rằng đơn của cô chỉ được chấp thuận khi cô cung cấp giấy chứng nhận kết hôn và thông tin chi tiết về cha của đứa trẻ.

"Tôi không thấy có bà mẹ đơn thân nào như tôi dám khởi kiện công ty. Vì vậy, tôi nghĩ mình nên làm điều đó", Zou cho hay.

Dù Zou thắng hay thua thì câu chuyện của cô cũng đã gây được sự chú ý của công chúng và chính quyền, nói lên phần nào thực trạng của những bà mẹ đơn thân hiện nay và sự mâu thuẫn trong luật pháp của Trung Quốc. Luật hôn nhân quy định rằng, những đứa trẻ như Xinxin được hưởng các quyền lợi giống như những đứa trẻ được sinh ra có đầy đủ cha mẹ kết hôn theo luật pháp. Trong khi đó, luật dân số và kế hoạch hóa gia đình đã áp dụng một khoản tiền phạt đối với cha mẹ chưa kết hôn mà đã có con.

ư

Luật bảo hiểm xã hội quy định rằng những bà mẹ được hưởng bảo hiểm thai sản do người chủ cung cấp nhưng các quy định chi tiết của luật pháp ở cấp tỉnh yêu cầu người phụ nữ muốn hưởng bảo hiểm thai sản thì phải cung cấp bằng chứng là họ đã lập gia đình, có giấy chứng nhận kết hôn và thông tin về cha đứa trẻ.

Ngoài ra, các bà mẹ đơn thân ở Trung Quốc cũng phải đối mặt với một vấn đề cấp bách và đầy chông gai khác đó là làm thế nào để đăng ký hộ khẩu cho con của họ. Xiaojun, một bà mẹ đơn thân có con ngoài giá thú đã chia sẻ nỗi lo lắng ấy của mình như sau: 

"Con tôi không được cấp giấy khai sinh và không thể đăng ký được hộ khẩu. Phòng kế hoạch hóa gia đình đã đưa ra mức phạt cho trường hợp của tôi. Họ nói rằng nếu tôi không trả hết tiền phạt, con tôi sẽ không thể đăng ký được hộ khẩu. Con gái tôi giờ đã gần 3 tuổi và sắp đi học mầm non. Không có hộ khẩu, việc đi học sẽ trở thành một vấn đề lớn của con bé trong tương lai".

Đối với những bà mẹ sinh con mà chưa kết hôn, khoản phí chịu phạt là vô cùng đắt đỏ. Nếu họ không trả hết tiền phạt, con cái họ sẽ không thể đăng ký được hộ khẩu và không có quyền công dân. Chúng sẽ không đủ điều kiện để nhận được các phúc lợi xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. Thậm chí, chúng sẽ gặp khó khăn khi mua vé tàu và máy bay để đi du lịch.

06china-600

Nhiều đứa trẻ sinh ra là con ngoài giá thú phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Lu Xiaoquan, một luật sư thuộc Công ty Luật Qianqian có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết các điều luật liên quan về gia đình cần được thay đổi, nhất là tạo điều kiện cho những bà mẹ đơn thân.

"Sinh con ngoài giá thú là một sự tồn tại khách quan của xã hội. Nó không gây hại gì cho đất nước, xã hội hay bất kỳ cá nhân nào. Vì vậy, không có gì bất hợp pháp về điều đó. Việc phạt những người có con mà không kết hôn mới là điều bất hợp pháp", ông Lu cho hay.

Trong khi những bà mẹ đơn thân đang chờ luật pháp thay đổi thì một bộ phận xã hội cũng đang có những suy nghĩ tiến bộ và hiện đại hơn. Vào năm ngoái, chính quyền ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã bãi bỏ việc thu tiền phạt đối với những người mẹ không xuất trình giấy chứng nhận kết hôn khi đăng ký giấy khai sinh cho con.

Cô Zou đã được các cán bộ địa phương miễn trừ tiền phạt. Cô và con trai Xinxin đã được đăng ký thường trú, điều mà trước đây những đứa trẻ sinh ngoài giá thú đều không được công nhận. Về phần mình, cô Zou cho hay bản thân cô không bao giờ phản đối chuyện kết hôn.

"Tôi không ghét hôn nhân. Tôi sẽ suy nghĩ kỹ điều này khi có một người đàn ông phù hợp, nhưng tôi biết cơ hội đó rất mong manh", cô Zou nói.

kh-1

Nhiều bà mẹ đơn thân mong muốn xã hội và luật pháp sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Những bà mẹ đơn thân ở Trung Quốc đều hy vọng rằng các chính sách của chính phủ sẽ thay đổi, tạo điều kiện để họ dễ dàng đăng ký hộ khẩu cho các con. Bên cạnh đó, việc nhận được sự thừa nhận và hỗ trợ của xã hội sẽ là một điều tốt hơn nữa.

"Chỉ cần nuôi một đứa trẻ là đã gặp muôn vàn khó khăn. Các bà mẹ đơn thân không có phương tiện hỗ trợ nào để bảo vệ mình", Gezi, một bà mẹ đơn thân cho hay.

Trên thực tế, hầu như không có tổ chức nào giúp đỡ các bà mẹ đơn thân vì hiện nay việc sinh con ngoài giá thú ở Trung Quốc vẫn bị coi là bất hợp pháp. Nhiều bà mẹ đơn thân đã tìm cách liên kết, hỗ trợ nhau để cùng khẳng định giá trị của mình và thúc đẩy sự thay đổi của xã hội trong cách nhìn nhận về mẹ đơn thân. Họ mong chính quyền và xã hội hiểu họ hơn và tôn trọng quyết định sinh con của họ. Các tổ chức chính phủ và phi chính phủ sẽ cung cấp hỗ trợ về mặt tài chính cũng như tinh thần cho các bà mẹ đơn thân và trẻ em nghèo sau này.

Mặc dù để luật pháp có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn sẽ mất một khoảng thời gian khá dài nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc lựa chọn trở thành mẹ đơn thân khi chưa kết hôn. Hầu hết họ đều trên 30 tuổi, có học thức, có công việc ổn định và có chỗ đứng nhất định trong xã hội. Họ là những người sống trong thời đại mới, họ thách thức các quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình. Họ cũng mong muốn một hệ thống xã hội và pháp lý thực sự để hỗ trợ họ quyền sinh con nếu như họ muốn.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ