Những đứa trẻ bị "nhốt" trong... "lồng kính"

Theo Tiền Phong,
Chia sẻ

Nghỉ hè vốn được coi là khoảng thời gian quý giá với trẻ em sau một năm học. Tuy nhiên, thay vì các em được vui chơi, giải trí thì thực tế rất nhiều trẻ thành phố hoặc bị nhốt trong nhà, hoặc cả ngày theo cha mẹ lên cơ quan; ở những vùng nông thôn trẻ đối mặt nguy cơ đuối nước...

Thiếu sân chơi, môi trường sống an toàn đang tác động tiêu cực, gây thiếu hụt, thiệt thòi khó đong đếm cho trẻ em. Nhóm PV thực hiện loạt bài viết quanh kỳ nghỉ hè của trẻ em tại các vùng miền trên cả nước.

Những đứa trẻ bị
Chỉ một bộ phận trẻ thành phố được cha mẹ cho vui hè thế này.
 (Ảnh chụp tại bể bơi Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nghỉ hè, nhiều đứa trẻ thành phố bị “nhốt” trong 4 bức tường bí bách. Ghi nhận những ngày đầu kỳ nghỉ của trẻ em Hà Nội.

Đừng để ong đốt con

Nghe tiếng gõ cửa, bé Nguyễn Hà Ngọc Linh, 6 tuổi (tổ dân phố 39, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) giành mẹ lao ra mở cửa. Thấy chúng tôi, Ngọc Linh hớn hở ra mặt. Hôm nay, chị Hà Thị Nga, mẹ Ngọc Linh phải nghỉ làm ở nhà trông con. Hơn 3 giờ chiều, trên bàn ăn, mâm cơm vẫn còn đầy, một ít cơm và thức ăn bị vung vãi xuống nền nhà.

“Con bé lười ăn lắm. Cháu ăn từ 12 giờ trưa đến giờ vẫn chưa hết một bát cơm. Cháu đi học, có bạn bè còn ăn uống được thêm chút, chứ ở nhà là cháu bỏ cơm luôn. Cháu nghỉ học là tôi bị stress đủ đường”, chị Nga than thở.

Chị Nga cho biết, con chị nghỉ hè đến giữa tháng 7 mới bắt đầu trở lại trường. Trong gần 2 tháng nghỉ hè, chị sẽ cho con về nhà ngoại ở Hải Dương chơi hai tuần, sau đó cho con lên Hà Nội học thêm.

Những đứa trẻ bị
Nhiều trẻ em tại các khu đô thị Hà Nội chỉ được ra ngoài chơi
khi bố mẹ đi làm về - Ảnh: Cẩm Kỳ.

“Cả năm con học hành vất vả rồi, hè tôi chỉ muốn cho con nghỉ ngơi, không muốn tạo áp lực học hành cho con nhưng mà không cho con học thêm thì chẳng biết gửi con ở đâu. Bắt con ở nhà một mình tội lắm”, chị Nga nói.

Nghe mẹ nói đến học thêm, Ngọc Linh khóc lóc, năn nỉ: “Con không đi học thêm đâu. Hè năm trước, con ở nhà một mình mãi có sao đâu. Năm nay, con cũng sẽ ở nhà một mình, học bảng nhân, học viết chữ nghiêng”.

Không thấy thái độ phản đối của mẹ, cô bé tiếp tục nũng nịu: “Nhưng mà con ở nhà một mình thì mẹ nhớ đóng kín cửa cho con mẹ nhé. Chứ con sợ con ong lắm! Con ong nó vào trêu con, rồi nó đốt con sưng hết tay, đau lắm!”.

Nghe con nói vậy, chị Nga ôm con vào lòng phân bua: “Ở tầng trên có gia đình nuôi tổ ong vàng. Hè năm ngoái, Ngọc Linh ở nhà một mình, tôi chủ quan không đóng cửa nên có mấy con ong bay vào nhà đốt cháu. Từ đó, cháu rất sợ ong”.

Con trai 5 tuổi chuẩn bị nghỉ hè, chị Vũ Ngọc Thoa, Mễ Trì Thượng, huyện Từ Liêm gọi bà ngoại từ quê lên trông con. Do bà ngoại mới lên Hà Nội chưa quen đường sá nên cả ngày hai bà cháu “nhốt” nhau trong căn nhà 3 tầng. Không được ra ngoài giao lưu, cậu bé khó chịu quấy khóc ầm ĩ, cứ lao đến cánh cửa giật giật lấy ổ khóa đòi ra ngoài. Chơi đồ chơi mãi cũng chán, cậu bé đập vỡ hết đồ chơi.

“Nhiều lúc nhìn cháu tôi đau lòng lắm. Tuổi thơ như chúng nó lẽ ra phải được giao lưu, chạy nhảy với đám bạn bên ngoài chứ giờ bị cầm tù thế này làm sao nó chịu được? Nhiều khi cháu ngồi buồn, không chịu ăn, uống gì, nó khóc, tôi cũng khóc theo cháu”, bà Trần Thị Thanh, mẹ chị Thoa tâm sự.

Dắt con cùng đi làm


Những đứa trẻ bị
Trẻ em Hà Nội tham gia cuộc thi vẽ tranh “Ước mơ của bé” - Ảnh: P.H.

Không có người trông nom, cũng không đành lòng nhốt con trong nhà cả ngày, nhiều ông bố, bà mẹ chọn giải pháp mang con lên cơ quan để vừa làm, vừa trông. Bàn làm việc của anh Nguyễn Đức Mạnh (Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) được chia đôi, bố ngồi một góc, cậu con trai 5 tuổi ngồi một góc.

Bố cắm cúi vào máy tính làm việc, cậu con dán mắt vào chiếc máy tính bảng Ipad chơi điện tử. Khi thấy chúng tôi đến, anh Mạnh nghiêm giọng nhắc con: “Cún (tên gọi ở nhà của con), con đã chào cô chưa?”

Cậu bé ngoan ngoãn: “Con chào cô ạ”, miệng chào nhưng mắt cậu bé thì vẫn dán chặt vào chiếc Ipad. Anh Mạnh phân bua: “Bất đắc dĩ lắm tôi mới phải đưa con lên cơ quan thế này. Vợ thì công việc bận bịu, không dám xin nghỉ, ông bà nội ngoại đều già yếu không thể lên trông cháu. Để con ở nhà một mình thì sốt ruột, không thể yên tâm, sợ nó sẽ xem ti vi, chơi điện tử quá đà, hay nghịch dại đến điện đóm nguy hiểm…”.

Giờ đưa con trai lên cơ quan, anh quản con bằng cách cho con chơi điện tử mỗi ngày 1 giờ đồng hồ, thời gian còn lại cho con đi lại trong phòng làm việc nhưng với điều kiện không được ồn ào gây ảnh hưởng đến các cô chú xung quanh.

Nhiều lúc thấy con bị gò bó quá, anh gửi con xuống phòng bảo vệ, nhờ các chú bảo vệ trông hộ để cậu bé được thỏa sức tung tăng, reo hò. Buổi trưa, hai bố con mua cơm hộp về ăn. “Mang con lên cơ quan chỉ là giải pháp tạm thời. Tôi đang tìm lớp học kỹ năng nào đó hợp lý, giá cả phải chăng để gửi con vào, chứ thế này thì thiệt thòi cho con lắm”, anh Mạnh nói.

Bà Trần Thị Thanh kể "Tuổi thơ như chúng nó lẽ ra phải được giao lưu, chạy nhảy với đám bạn bên ngoài chứ giờ bị cầm tù thế này làm sao nó chịu được? Nhiều khi cháu ngồi buồn, không chịu ăn, uống gì, nó khóc, tôi cũng khóc theo cháu".

Góp tiền xây khu vui chơi cho con

Bí bách không có không gian chơi cho con, chị Bảo Linh cùng một số phụ huynh ở phố Giáp Nhị, Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai bàn nhau cùng góp tiền xây dựng một khu vui chơi riêng.

Chị Linh có hai con, cháu lớn 8 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi. Hè, cháu nhỏ vẫn gửi học trong trường mầm non tư thục, còn cháu lớn nghỉ ở nhà. Cả khu phố không có khu vui chơi, ngõ nhỏ, xe cộ đi lại thường xuyên nên để đảm bảo an toàn, không có sự lựa chọn nào khác, chị Linh phải “nhốt” con trong nhà cả ngày, chỉ đến khi bố mẹ đi làm về cháu mới được đưa ra ngoài chơi.

Trước sự bí bách đó, chị Linh cùng một số phụ huynh trong phố Giáp Nhị đang bàn nhau góp tiền xây khu vui chơi trên bãi đất trống rộng 200m2 cạnh nhà chị, để các cháu nghỉ hè có điểm chơi an toàn, lành mạnh, không bị gò bó trong bốn bức tường.

“Khi mang điều này ra bàn, chúng tôi nhận được sự ủng hộ tích cực từ các bậc phụ huynh trong khu phố. Tuy nhiên để ước muốn trở thành hiện thực, chúng tôi đang phải tìm hiểu và đàm phán thêm. Hy vọng rằng mọi việc sẽ được trôi chảy. Các con tôi, có chỗ vui chơi đúng nghĩa”, chị Linh nói.

Chia sẻ