Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở Trung Quốc khi bố mẹ ra thành phố mưu sinh: Trầm cảm vì tổn thương, rủ nhau tìm đến cái chết

Diệp Lục,
Chia sẻ

Những đứa trẻ không cần được cơm no áo ấm, các em đơn giản chỉ cần được sống bên cạnh cha mẹ trong tình yêu thương chở che.

Trung Quốc hiện là cường quốc có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới. Đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế là những hệ lụy đáng buồn đang trở thành vấn đề nan giải, tạo nên áp lực đè nặng lên xã hội quốc gia này.

Hiện nay, người dân Trung Quốc ở các vùng nông thôn có xu hướng di cư ra thành thị để kiếm việc làm, trong khi những đứa con của họ ở với ông bà, người thân. Tại các thành phố lớn có nhiều người dân lao động nhập cư như Bắc Kinh đã từ chối cung cấp các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, chăm sóc sức khỏe đối với con cái của những người lao động này. Thu nhập thấp cùng điều kiện ở tồi tàn khiến những người lao động nhập cư không thể mang theo con lên thành phố.

Vào năm 2016, theo cuộc khảo sát dân số di cư của Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia, số trẻ em bị bỏ lại ở các vùng nông thôn là 61 triệu em dưới 17 tuổi, gần bằng dân số nước Anh. Tình trạng trẻ em bị bỏ lại ở quê nhà diễn ra phổ biến nhất ở các tỉnh An Huy, Hà Nam và Tứ Xuyên. Tại đây, có khoảng 44% trẻ em nông thôn sống mà không có mẹ hoặc cha ở bên cạnh. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia là 35,6%.

cham-1

Một người bà chăm hai cháu ở tỉnh Quý Châu khi cha mẹ chúng lên thành phố làm việc.

Việc những đứa trẻ không có bố mẹ ở bên chăm sóc và dạy dỗ, thiếu vắng hơi ấm gia đình đã đem đến những hệ lụy đau lòng, một vấn nạn nhức nhối của xã hội Trung Quốc. Vào năm 2015, Trung Quốc chấn động trước tin 4 anh em ruột trong một gia đình, từ 5 - 13 tuổi tự tử bằng thuốc trừ sâu vì bị mẹ bỏ rơi, không thể liên lạc được, trong khi người bố thì đi làm ăn xa. Ông bà của các em lại quá già yếu để có thể chăm nom chúng. Cả 4 anh em đều phải bỏ học vì gia đình khó khăn. 

Một bức thư tuyệt mệnh được tìm thấy gần thi thể của người anh trai cả, trong đó cậu bé viết rằng: "Con đã lên kế hoạch này từ lâu và bây giờ là lúc chúng con phải ra đi". Một người họ hàng của các em cho hay, những đứa trẻ không cần được ăn no mặc ấm, chúng chỉ cần tình yêu thương và chăm sóc của cha mẹ mà thôi.

Mặc dù những người làm cha mẹ ở Trung Quốc lựa chọn đến thành phố làm việc vì họ mong muốn con cái có điều kiện sống tốt hơn, không phải sống trong cảnh nghèo đói, thiếu thốn nhưng họ không ngờ rằng thứ mà những đứa con của họ cần hơn cả đó là một mái ấm gia đình trọn vẹn, được cha mẹ yêu thương, quan tâm và chăm sóc mỗi ngày. Theo các chuyên gia, những đứa trẻ bị bỏ lại ở các vùng nông thôn thường có khả năng bỏ học, gặp các vấn đề về tâm lý và hành vi, nhiều em dễ sa ngã vì thiếu sự bảo ban, dạy dỗ của người lớn.

tranh-1

Một bức tranh tường ở làng Cizhu, nơi bốn đứa trẻ tự tử vào năm 2015.

Một nghiên cứu năm 2016 của một nhà kinh tế tại Đại học Stanford cho thấy những học sinh đến từ các vùng nông thôn nghèo ở Trung Quốc có khả năng vào đại học ít hơn 7 lần và ít hơn 11 lần tại những trường đại học danh tiếng so với các khu vực khác. Nhiều trường nội trú ở những vùng nông thôn có nguy cơ phải đóng cửa khi ngày càng có ít học sinh theo học. Nhiều trường có học sinh thì đều là con của giáo viên tại đây. 

Vì thiếu sự uốn nắn, bảo ban của cha mẹ mà nhiều đứa trẻ không có khả năng học lên những bậc học cao hơn hay đơn giản là các em không có động lực để học tập, nảy sinh sự chán nản, dẫn tới bỏ học. Bên cạnh đó, vì điều kiện đi lại khó khăn, những trẻ em ở vùng sâu vùng xa không thể tiếp tục học lên cao tại các trường nội trú xa xôi.

Vào đầu năm 2018, bức ảnh cậu bé Trung Quốc tóc đông lại thành đá trắng xóa khi em đi bộ 5km để tới trường dưới trời âm 9 độ C đã gây chấn động thế giới. Câu chuyện về cậu bé nghèo, có cha mẹ đi làm ăn xa nhưng vẫn hiếu học, hàng ngày đi bộ tới trường bất kể nắng mưa, lạnh giá đã gây xúc động cho hàng triệu trái tim. Sau đó, cộng đồng mạng đã quyên góp ủng hộ và nhiều nhà hảo tâm đã tìm cách tạo điều kiện giúp đỡ cậu bé này. Tuy nhiên, trên thực tế, có hàng triệu trẻ em ở Trung Quốc đang rơi vào tình cảnh tương tự như cậu bé trên.

Một cuộc khảo sát năm 2015 với 30.000 học sinh của nhóm phúc lợi trẻ em Grow Home cho thấy gần một nửa số trẻ em ở trường nội trú tỏ ra rất bi quan, 64% các em cảm thấy cô đơn, 17,6% bị trầm cảm và 8,4% có xu hướng tự tử. Những trường nội trú cũng ở trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, thiếu thốn cơ sở vật chất, không đảm bảo dinh dưỡng cho các em học sinh tại đây. 

tải xuống

Han Jingjing là học sinh lớp 3 duy nhất trong lớp tại một trường nội trú.

wang-fuman-1(1)

Cậu bé "tóc tuyết" từng gây chấn động thế giới.

Nhiếp ảnh gia Ren Shichen trong hơn 3 năm đã đi khắp Trung Quốc để chụp lại những bức chân dung về những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi ở quê nhà. "Nhiều cha mẹ đã rời khỏi quê hương khi con cái của họ chỉ mới một hoặc hai tuổi. Sau một thời gian làm ăn xa trở về nhà, con cái không còn nhận ra cha mẹ chúng và giữa họ không còn sợi dây gắn kết tình cảm nào nữa", Ren nói.

Ren ước tính anh đã chụp hình cho hơn 100 đứa trẻ bị bỏ lại ở quê hương. Hầu hết các em sống ở tỉnh Cam Túc, nơi nghèo nhất Trung Quốc. Mỗi đứa trẻ sẽ được chụp tại lớp học, đằng sau các em là dòng thông điệp mà các em muốn gửi gắm, được viết bằng những nét phấn nguệch ngoạc nhưng đầy xúc động. 

Ren cho hay, hầu hết những đứa trẻ bị bỏ lại ở vùng nông thôn chỉ được ông bà chăm sóc về các nhu cầu vật chất như quần áo, thức ăn nhưng nhu cầu về tâm sinh lý của chúng lại bị bỏ bê. "Không ai quan tâm đến thế giới nội tâm của những đứa trẻ", Ren nói.

Vào năm 2015, Ren đã gặp một cậu bé 14 tuổi tên là Li Guojun, có mẹ đã tự tử còn người cha không biết đã đi đâu. "Mẹ hãy sống vui vẻ ở thế giới bên kia. Mẹ đã tự tử sau khi cha mẹ cãi nhau. Con rất nhớ mẹ", Li Guojun viết trên chiếc bảng học màu đen.

Wang Zixuan, 8 tuổi, đến từ trường tiểu học Gaomiao, Cam Túc, đã viết: "Cháu rất nhớ bố mẹ. Bố mẹ đều đi làm xa. Cháu đã không gặp cha mẹ suốt 3 năm qua".

cau-1

Cậu bé Li Guojun có mẹ tự tử, bố bỏ nhà ra đi cho biết cậu rất nhớ mẹ.

Vì điều kiện đi lại xa xôi, tốn kém trong khi thời gian nghỉ hạn hẹp nên nhiều cha mẹ đã không trở về quê hương trong nhiều năm liền. Chỉ một số ít những đứa trẻ may mắn sẽ được gặp cha mẹ trong dịp Tết nguyên đán hay trong những dịp nghỉ hè, các em sẽ được đưa lên thành phố chơi với cha mẹ.

Zhang Xinyi, 9 tuổi và anh trai Shizheng, 11 tuổi, sống với ông bà nội khi bố mẹ cùng đi làm công nhân ở một nhà máy ở Thâm Quyến để kiếm tiền trả nợ khoản vay xây nhà cách đây hai năm. Vào mùa hè năm 2016, Xinyin và anh trai được cha mẹ đón tới Thâm Quyến. Cô bé nói không nhớ được ăn gì ngon hay chơi chỗ nào vui mà chỉ nhớ cảm giác hạnh phúc khi được ở cùng cha mẹ suốt mấy tháng hè.

Trước thực trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp nhằm cải thiện tình hình trên như tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký tạm trú cho những người lao động di cư, cải thiện giáo dục ở nông thôn, hỗ trợ kinh phí để xây dựng thêm các trường nội trú gần hơn với những đứa trẻ phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ để đi học.

Artboard 1 copy 3

Tuy nhiên, trên thực tế, người nhập cư không đủ khả năng để nuôi con ở thành phố lớn, giá thuê nhà thì cao, lương cũng không được cải thiện nhiều. Họ không thể chi trả học phí cho việc học của các con tại các trường tư thục đắt đỏ. Trong khi đó, bản thân những ông bà được giao nhiệm vụ trông cháu cũng thừa nhận họ đã già yếu, không thể dạy dỗ, kèm cặp chúng, chỉ có thể dùng đòn roi để uốn nắn, vô tình khiến những đứa trẻ ngày một tổn thương hơn.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, điều quan trọng là cần tạo ra công ăn việc làm cho những người lao động ở nông thôn để họ không phải lên thành phố, đi làm ăn xa. Những đứa trẻ sẽ có cơ hội được ở gần bố mẹ hơn. Và có lẽ dù thế nào, tình cảm gia đình vẫn là điều trân quý và quan trọng hơn hết thảy mọi thứ.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ