Nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi nào cần trì hoãn tiêm vắc-xin Covid-19?

D.Thu,
Chia sẻ

Nhóm trẻ chống chỉ định tiêm vắc-xin Covid-19 là người có tiền sử phản vệ với các thành phần của vắc-xin hoặc trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn...

Liên quan đến việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết thông qua việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 ở các quốc gia đối với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cho thấy các phản ứng xảy ra không có sự khác biệt nhiều so với nhóm trẻ lớn từ 12 đến dưới 18 tuổi và người lớn.

Tuy nhiên, trước khi tiêm vắc-xin cho nhóm trẻ này phải khám sàng lọc kỹ sức khoẻ. Theo đó, nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chống chỉ định tiêm chủng là nhóm có tiền sử phản vệ với vắc-xin Covid-19 hoặc các thành phần của vắc-xin.

Nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi nào cần trì hoãn tiêm vắc-xin Covid-19? - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em - Ảnh: M.Quyết

Đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng là nhóm trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn.

Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư,… cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính.

Cũng theo bác sĩ Ngãi, Hội đồng tư vấn khuyến cáo với trẻ từng mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm trong thời gian 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh. Tuy nhiên, tùy từng tình huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian 3 tháng hay không. Nhưng việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc.

"Thời gian gần đây đã xuất hiện một số trẻ sau mắc Covid-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C (tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa). Với những trường hợp này Hội đồng tư vấn khuyến cáo, khi trẻ bị MIS-C, cần trì hoãn đến khi bệnh nhi hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này" - bác sĩ Ngãi nói.

Ngoài ra, những đối tượng phải khám, sàng lọc, tiêm tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên là trẻ từng có hội chứng MIS-C; trẻ mắc bệnh bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường hoặc khi khai thác tiền sử thấy trẻ có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào (thức ăn, thuốc,…).

Liên quan đến các phản ứng sau tiêm chủng, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết theo báo cáo trên thế giới, hầu hết trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 chỉ gặp các phản ứng thông thường. Một số trường hợp có phản ứng bất thường nhưng tỉ lệ rất nhỏ.

Đối với vắc-xin Pfizer, các phản ứng rất thường gặp khi tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là: Đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm... Các phản ứng rất thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi là: Buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm;

Nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi nào cần trì hoãn tiêm vắc-xin Covid-19? - Ảnh 2.

Vắc-xin Moderna được sử dụng tiêm cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi

Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.

Đối với vắc-xin Moderna: các phản ứng rất thường gặp là: Sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: Ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn/nôn mửa, sưng/đau ở nách, sốt, ban đỏ tại vị trí tiêm, sưng tại vị trí tiêm và đau khớp.

Phản ứng thường gặp là: Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp là: Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng rất hiếm gặp là: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhà sản xuất, đến nay gần 70 quốc gia/vùng lãnh thổ đã cấp phép lưu hành và sử dụng vắc-xin Pfizer cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi.

Một số quốc gia đã triển khai tiêm điển hình là Mỹ, Úc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Nhiều quốc gia châu Âu đã tiêm vắc-xin Pfizer và Moderna cho trẻ nhóm tuổi này.

PGS-TS Dương Thị Hồng cho biết việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sẽ được tổ chức tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động. Cụ thể, triển khai trước cho nhóm tuổi lớn từ 11 tuổi (học lớp 6), sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc-xin được cung ứng.

Sau khi tiêm vắc-xin, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế phát hiện sớm các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; và tiếp tục theo dõi trong 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. "Trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng, trẻ phải luôn có người hỗ trợ, theo sát 24/24 giờ, tránh vận động mạnh"- PGS Hồng lưu ý.

Chia sẻ