Nhiều bố mẹ than phiền con lầm lì, ít trò chuyện mà không biết mình mắc phải 4 lỗi giao tiếp sau đây

Lưu Thoa,
Chia sẻ

Những đứa trẻ ít trò chuyện, tâm sự với bố mẹ sẽ từ từ khép lòng, không bộc lộ suy nghĩ thật của mình.

Trong quá trình giáo dục con cái, các bậc cha mẹ thường gặp phải những thắc mắc như "Không hiểu sao bọn trẻ không nghe lời?", "Tại sao bọn trẻ cứ lầm lì, không nói chuyện với bố mẹ ở nhà, hỏi gì thì mới nói?"… Những điều này đều chỉ ra một điểm giống nhau, đó là bố mẹ chưa giao tiếp tốt với con cái.

Đối với những đứa trẻ, từ 1-2 tuổi đến lứa tuổi lớn hơn hay vị thành niên đều có nhu cầu giao tiếp, chia sẻ và tâm sự cùng bố mẹ. Những đứa trẻ ít hay hầu như không có sự giao tiếp tốt đẹp và vui vẻ với cha mẹ sẽ từ từ khép lòng, không bộc lộ suy nghĩ thật của mình, ngày càng mất lòng tin. Mối quan hệ bố mẹ, con cái vì thế ngày càng xa cách.

4 điều bố mẹ nên tuyệt đối tránh khi nói chuyện cùng con để con không khép mình lại - Ảnh 1.

Những đứa trẻ cần người lớn hướng dẫn cách để giải quyết vấn đề, truyền đạt kinh nghiệm. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ chưa có kỹ năng giao tiếp cùng con tốt, thường sử dụng lời lẽ cằn nhằn, thuyết giảng, chỉ trích khi giao tiếp cùng con cái nên đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực.

Để giao tiếp tốt với trẻ, bố mẹ nên tuyệt đối tránh 4 điều sau khi nói chuyện cùng con:

1. Tránh dùng những câu nói trút cảm xúc tiêu cực lên trẻ

Khi trẻ khóc, mắc lỗi, bố mẹ thường tức giận và giao tiếp với con một cách vô cảm, dùng những câu nói trút cảm xúc tiêu cực lên trẻ như: "Ồn áo quá mức", "Cáu thực sự", "Khó chịu quá!", "Con có thôi ngay đi không?", "Con muốn chọc giận bố/mẹ đúng không?"…

Thực tế, tâm trạng tốt mới có thể thúc đẩy giao tiếp suôn sẻ và có lợi hơn cho việc giải quyết vấn đề. Còn khi có những cảm xúc tồi tệ, bố mẹ sẽ dễ dàng nói ra những lời không nên nói và điều đó sẽ chỉ gây thêm rắc rối và biến cuộc đối thoại thành đối đầu.

Do đó, nguyên tắc đầu tiên khi bố mẹ giao tiếp với trẻ là tiết chế cảm xúc, đợi bản thân bình tĩnh rồi hãy nói chuyện với con một cách ôn hòa, hợp tình hợp lý. Bố mẹ cần nhìn nhận rõ mục đích của cách nói chuyện là giúp trẻ phân tích vấn đề, truyền cảm hứng để trẻ nhận ra lỗi sai hoặc chỉ ra lỗi sai một cách trực tiếp và nói cho trẻ biết lý do.

Nếu bố mẹ trút ra những câu nói với cảm xúc tiêu cực sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và bối rối, sinh ra phản ứng nóng nảy, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân. 

2. Tránh dùng lời nói chỉ trích, phủ nhận trẻ

Nhiều bậc cha mẹ khi có chuyện không vừa lòng với con mình thì thường buông lời trực tiếp chỉ trích và phủ nhận con như: "Ngu như heo", "Con chả làm được việc gì nên hồn", "Suốt ngày con chơi game vậy có ích gì", "Tại sao con lại cứng đầu / không vâng lời / hèn nhát đến vậy"…

Nhiều bố mẹ than phiền con lầm lì, ít trò chuyện mà không biết mình mắc phải 4 lỗi giao tiếp cần tránh sau đây - Ảnh 2.

Thực tế, khi trẻ xấu hổ thì sẽ càng cảm thấy bực bội, cáu kỉnh và mất đi dũng khí và động lực để làm cho bản thân trở nên tốt hơn. Một khi lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương, tâm lý tiêu cực muốn chống đối sẽ xuất hiện.

Trong giao tiếp với trẻ, nếu bố mẹ muốn đưa ra lời khuyên cho con, đừng chỉ trích mà hãy tìm những mặt tốt của con. Việc được bố mẹ đánh giá cao sẽ là nguồn lực to lớn để con bạn tràn đầy tự tin vào bản thân và điều chỉnh hành vi của mình một cách có ý thức.

Ví dụ, nếu thấy con rụt rè, bố mẹ có thể nói với con: "Lần trước bố mẹ thấy con rất chủ động chơi với các bạn, rất dũng cảm, con rất giỏi đúng không".

Hay khi thấy con có điểm kém, bố mẹ có thể nói với con rằng: "Con đã cố gắng trả lời hết các câu hỏi, dù trả lời không đúng nhưng con đã suy nghĩ rất kỹ trước khi trả lời, điều đó rất đáng khen".

Bố mẹ hãy nhớ động viên và đánh giá cao luôn là vũ khí lợi hại để thúc đẩy trẻ tiến bộ và kích thích động lực bên trong của trẻ.

3. Tránh dùng lời lẽ thuyết giảng và lý luận

Nhiều bậc cha mẹ gặp khó khăn trong việc tìm ra chủ đề nói với con cái của mình. Khi nói chuyện sẽ thường nói to như thuyết giảng và hùng hồn suy luận, và không để ý xem con của mình có muốn nghe hay không.

Ví dụ: "Bây giờ con không chịu khó học hành chăm chỉ, cứ chơi điện thoại suốt ngày thế, con sẽ chẳng bắt kịp được các bạn học không dùng điện thoại cho mà coi… Con sẽ chẳng thể tìm được một công việc tốt nếu con không tốt nghiệp, ra trường đạt loại giỏi, rồi con sẽ không có tiền lấy vợ, không có tiền mua nhà, khi hối hận thì đã quá muộn... ".

Nhiều bố mẹ than phiền con lầm lì, ít trò chuyện mà không biết mình mắc phải 4 lỗi giao tiếp cần tránh sau đây - Ảnh 3.

Bố mẹ cần học cách lắng nghe những gì con cái nói để hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của chúng. (Ảnh minh họa)

Việc dùng những lời nói thuyết giáo và lý luận sẽ chỉ khơi dậy sự nổi loạn và phẫn uất của trẻ, khiến trẻ ngày càng khép mình. Bố mẹ cần học cách lắng nghe những gì con cái nói để hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của con, đồng thời trao đổi và chia sẻ quan điểm cùng con. Bằng cách giao tiếp này, trẻ cảm thấy được tôn trọng, tin tưởng, và sẵn sàng hưởng ứng những đề xuất của bố mẹ.

4. Tránh lúc nào cũng nói những câu như "muốn tốt cho con, làm vì con…"

Những bậc cha mẹ dưới biểu ngữ "tốt cho con", thực ra đang muốn con cái nghe lời, đáp ứng kỳ vọng của mình và áp đặt mong muốn của bản thân lên con cái.

Nếu thực sự muốn có trách nhiệm với con thì bố mẹ không nên nói những câu như vậy với con, tự con sẽ biết được sự vất vả và nỗ lực vượt khó khăn của bố mẹ.

Hãy tôn trọng ý kiến của trẻ, bố mẹ có thể đưa ra đề xuất nhưng quyết định cuối cùng là của trẻ, thêm vào đó, bố mẹ nhắc nhở trẻ phải có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Bằng cách này, trẻ sẽ phát triển được cả thể chất và tinh thần, có dũng cảm thử sức, khám phá và có cuộc đời huy hoàng đáng sống.

Nhiều bố mẹ than phiền con lầm lì, ít trò chuyện mà không biết mình mắc phải 4 lỗi giao tiếp cần tránh sau đây - Ảnh 4.

 

Chia sẻ