Nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo

Thạch Anh,
Chia sẻ

Bức ảnh chụp chung giữa 2 huyền thoại túc cầu - Messi và Ronaldo, đã tạo nên cơn sốt khắp thế giới. Louis Vuitton thì có chiến dịch lịch sử; người đam mê trái bóng được dịp hú hét vì thần tượng; nhưng có một người sẽ cười tươi hơn tất cả: Nữ nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz.

Từ nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo tới chiêm nghiệm vẻ đẹp căn tính đàn ông - Ảnh 1.

Năm 2007, trong một căn phòng của Điện Buckingham, Thủ đô London, Vương quốc Anh.

"Thần nghĩ trông sẽ đẹp hơn nếu không có vương miện. Có thể thử không đội vương miện không? Trông sẽ... bớt trịnh trọng hơn. Bởi vì cái áo choàng quý tộc garter đã hơi...".

Trước khi nhiếp ảnh gia kịp kết thúc câu nói, người phụ nữ có sức ảnh hưởng hàng đầu thế giới lên tiếng cắt ngang:

"Bớt trịnh trọng đi?" Nữ vương lộ rõ vẻ không hài lòng trên cả khuôn mặt và giọng nói; "Ngươi nghĩ đây là cái gì...?".

Trong khi không phải ai cũng có cơ hội quan sát lại đoạn video quý báu đó giữa vị quân chủ đáng kính của nước Anh với một nhiếp ảnh gia, không ít sẽ đặt câu hỏi: Là ai? Ai mà dám kêu một vị quân chủ phải bỏ cả chiếc vương miện - tượng trưng cho vương quyền xuống ngay giữa buổi chụp hình?

Bất ngờ hơn là sau đó bà vẫn đồng ý với một thỏa thuận làm hài lòng đôi bên.

Nhưng cởi vương miện đã là gì? John Lennon còn phải "cởi hết" và phô bày trần trụi nhưng diễm lệ vẻ đẹp của đàn ông, khai mở một cuộc thảo luận thời đại về căn tính và bản chất tính nam. Ngôi sao nhạc rock không phải người duy nhất, mà còn có các chính trị gia, cựu Tổng thống, vận động viên...

Từ nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo tới chiêm nghiệm vẻ đẹp căn tính đàn ông - Ảnh 2.

Bạn nghĩ nhiếp ảnh là gì?

Đó là giơ máy ảnh lên, kêu người được chụp tạo dáng, sau đó bấm nút, để chiếc máy làm phần việc của nó, giao phần còn lại cho một chuyên gia chỉnh sửa, đồ họa, trong lúc hò hét các nhân viên hỗ trợ studio và ánh sáng?

Không. Với Annie Leibovitz, nhiếp ảnh chính là kể chuyện.

Một người kể chuyện tận tụy, một "thợ ảnh" trên mọi thợ ảnh, một nghệ sĩ trên mọi nghệ sĩ, và một tiếng nói có tri giác về các vấn đề mà cả thế giới cùng quan tâm. Con người đó, người dám "yêu cầu" cả vị quân chủ nước Anh một đề nghị kỳ khôi - chính là huyền thoại Annie Leibovitz chứ không ai khác.

Cả thế giới sáng nay (20/11) cùng đồng loạt sửng sốt, hò reo, vui sướng và chảy nước mắt vì bức ảnh chụp chung đầu tiên giữa 2 huyền thoại của làng túc cầu ngay trước thềm giải đấu danh giá nhất cấp hành tinh trong sự nghiệp của họ.

Câu chuyện về bóng đá và những người đàn ông, những người đứng trước ống kính... hãy nhường phần cho những người đam mê trái bóng tròn vì họ còn cả một mùa lễ hội phía trước. Hôm nay, chúng tôi muốn nói về người phụ nữ đứng sau ống kính, trong một câu chuyện không chỉ của phụ nữ, mà còn của đam mê và tài năng, của một cái "ngông" độc nhất vô nhị, hơn nữa, là cái nhìn của một người phụ nữ như thế với cánh đàn ông.

Từ đầu tiên trong từ điển của một nghệ sĩ: Ngông

Nghệ sĩ là gì nếu không phải người làm công việc mình yêu thích và đặt toàn bộ tâm hồn, câu chuyện của mình vào đó? Với một người kể chuyện qua hình ảnh, có lẽ Annie hiểu điều đó hơn ai hết.

Sự nghiệp của nhiếp ảnh gia người Mỹ sinh năm 1949 bắt đầu khi bà mới là sinh viên 21 tuổi tại tờ Rolling Stone (đừng nhầm với ban nhạc Rolling Stones). Và người ta không thể ngừng nghĩ cô sinh viên 21 tuổi có gì mà người ta giao ngay cho "nhiệm vụ" đầu tiên khi ấy là chụp hình một huyền thoại đương đại của mọi thế hệ suốt 60 năm qua: John Lennon - người lãnh đạo của ban nhạc The Beatles.

Rock 'n' roll vào thời kỳ hoàng kim của nó, những năm 70, với những Lennon, Keith Richards hay Mick Jagger là những cơ duyên đầu tiên của một sự nghiệp nhiếp ảnh chói sáng hơn nửa thế kỷ qua. Nhìn lại thì, bức ảnh để đời đầu tiên của Annie với John Lennon không có gì quá "điên rồ" hay khiến người ta phải "wow" lên.

Từ nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo tới chiêm nghiệm vẻ đẹp căn tính đàn ông - Ảnh 3.

John Lennon và Mick Jagger, chụp lần lượt năm 1970 và 1975.

Nhưng chừng đó đủ làm đà phóng nữ "thợ ảnh" vươn lên cương vị nhiếp ảnh gia trưởng của một trong những tạp chí danh giá nhất khi mới 24 tuổi. Suốt nhiều năm nữa, Annie tiếp tục săn đuổi và để lại các tác phẩm giá trị cho nhiếp ảnh đương đại và rock, với đỉnh cao có lẽ là buổi chụp hình năm 1981 với John Lennon và người tình Yoko Ono chỉ vài giờ trước khi ông bị ám sát.

Bức ảnh Lennon khỏa thân, tạo dáng như một bào thai ôm người phụ nữ đang mặc đầy đủ quần áo của mình mang tính biểu tượng tới mức cần những cái đầu thực sự am hiểu thời cuộc hay rock để giải mã. Đó không chỉ là một bức ảnh, mà còn là một câu chuyện - một câu chuyện sống động, có linh hồn, có chiều sâu và có cả một phần của Annie.

10 năm sau khi làm nhiếp ảnh gia trưởng của Rolling Stone, Annie đi tìm vùng trời mới thoát khỏi địa hạt rock. Gia nhập Vanity Fair, bà mở rộng "đối tượng" sang ngôi sao điện ảnh, vận động viên và nhân vật chính trị. John Lennon "mở bát" không tồi đâu!

Từ nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo tới chiêm nghiệm vẻ đẹp căn tính đàn ông - Ảnh 4.

Louis Bourgeois - đạo diễn người Mỹ gốc Pháp qua ống kính Annie Leibovitz.

Chụp hình những nhân vật tầm cỡ thì phong cách nào là hợp lý? Có gì phải nghĩ nhỉ? Phong cách của nhiếp ảnh gia tự chọn là hợp lý nhất. Làm việc với họ, "xông" vào cuộc sống của họ, trò chuyện cùng họ, quan sát họ như một đối tượng trọng tâm trong câu chuyện để chưng cất bằng cả nghệ thuật lẫn kỹ thuật ra những tuyệt phẩm của ánh sáng, bố cục, chiều sâu, nội dung... là công việc thường ngày của Annie. Những bức ảnh của bà không đi theo con đường bình dị mà trái lại, được biên tập, đạo diễn và sắp xếp với ý đồ rõ ràng, táo bạo, điên rồ, khôn khéo và tài tình.

Nhưng tại sao lại là ngông?

"Những khó khăn thường không liên quan nhiều đến đối tượng chụp. Thứ vấn đề là những cái như thời tiết. Trời quá nắng hoặc quá tối. Bạn chưa chụp xong và mặt trời đang lặn. Nếu đó là một sản phẩm lớn, bạn có thể có ai đó tóc xấu. Trang điểm xấu. Đèn nhấp nháy không sáng đủ nhanh hoặc hoàn toàn không sáng. Đó là những vấn đề thực sự. 

Nhưng chắc chắn có những người rất khó làm việc cùng. Tôi có mà điên nếu kể tên họ ra. Bạn không thể ăn nói hớ hênh trong ngành này. Nói thế thôi, theo kinh nghiệm của tôi, những người khó tính nhất là những người đã hoạt động trong ngành giải trí lâu nhất. Đặc biệt là những người đã tham gia showbiz từ khi còn nhỏ. Tất nhiên, không phải tất cả họ, nhưng một số trong số đó hoàn toàn mất kiểm soát. Họ đã được phục vụ quá lâu nên họ có nhận thức rất kém về thực tế".

Đó là câu trả lời của Annie khi được hỏi ai là những người khó làm việc cùng nhất. Làm việc với những người không bình thường mà mong muốn vẫn được bình thường thì là ảo tưởng - như bà vẫn nói: "You have to be insane, obsessed. You have to live it and eat it…" (Tạm dịch: "Bạn phải điên rồ, ám ảnh. Bạn phải sống với nó và ăn trọn nó").

Chính cái ngông đó khiến Annie "moi" bằng được hình ảnh hậu trường và câu chuyện thực sự của các nhân vật ra để kể, bất chấp việc họ có dựng lên một hình ảnh hoàn hảo và không tì vết đến mức nào với công chúng. Chúng ta là con người và có khiếm khuyết, thế nên câu chuyện Annie kể mới thú vị. 

Từ nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo tới chiêm nghiệm vẻ đẹp căn tính đàn ông - Ảnh 5.

Tất nhiên, là một người yêu ảnh, Annie không từ chối cơ hội lưu giữ lại những khoảnh khắc đời thường nhất với gia đình hay bản thân, cộng sự và những người bình thường. Khác biệt cơ bản giữa người nổi tiếng với phần đa chúng ta, theo bà, đó là đã có những cảm quan và nhận thức nhất định về con người của họ thông qua những bức ảnh quá khứ.

Chất ngông không vô căn cứ

Điều gì là sự khác biệt cơ bản giữa một nghệ sĩ tài năng bậc thầy và một kẻ ảo tưởng? Chính là tài năng. Sở dĩ gọi Annie là nghệ sĩ chứ không đơn thuần là người chụp ảnh bởi bà có sự bất chấp nhất định với kết quả. Như đã nói, những bức ảnh của bà có tính dàn dựng cao và không hề che giấu. Thậm chí, photoshop còn được ứng dụng triệt để nhằm tạo ra hiệu ứng như ý. Chiếc máy ảnh là cây cọ vẽ, tấm phim hoặc cảm biến là tấm canvas, và ánh sáng cùng phần mềm chính là màu sắc.

Cũng không có gì bất ngờ khi ngay sau lúc bức ảnh huyền thoại giữa Messi và Ronaldo được đăng tải, các đoạn video hậu trường lộ ra cho thấy cả hai không hề có mặt ở studio cùng nhau và ngồi cạnh nhau.

Nghệ thuật sắp đặt và thao túng cũng cần một loại tài năng thuyết phục. Không quan trọng bức ảnh có thật hay không, hàng trăm triệu fan túc cầu đã đủ nức nở.

Tôi không bao giờ cố làm cho bất cứ ai thoải mái.

Annie Leibovitz

Nhưng bố cục và nội dung thì là của chủ thể. Người “họa sĩ” hiểu được chủ thể cần dày công nghiên cứu. Nghệ thuật là góc nhìn chủ quan của nghệ sĩ, nhưng cũng là trần thuật trung thực của chính đối tượng.

Khi tôi chuẩn bị chụp ảnh Carla Bruni, phu nhân của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, trong Điện Élysée, tôi đã xem những bức ảnh về cung điện. Tôi xem ảnh của những người khác đã từng sống trong cung điện. (Cả) hình ảnh cặp đôi yêu nhau. Những bức ảnh mà các nhiếp ảnh gia khác đã chụp Bruni. Tôi biết bà ấy là một nhạc sĩ nổi tiếng, và tôi đã nghe nhạc bà ấy”.

Từ nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo tới chiêm nghiệm vẻ đẹp căn tính đàn ông - Ảnh 7.

Và khi có cả chất ngông lẫn tài năng, đó là công thức cho sự tự tin không gì xô đổ được - một đặc điểm nữa phân biệt nhiếp ảnh gia giỏi và nhiếp ảnh gia xuất sắc. Một người chụp giỏi sẽ cố gắng tìm kiếm một bức ảnh “đẹp, dễ coi”, nhưng Annie thì không thế. Bà tìm kiếm điều gì đó hơn thế.

"Tôi không bao giờ cố làm cho bất cứ ai thoải mái. Tôi luôn nghĩ đó là chuyện của họ. Họ cảm thấy thoải mái hoặc không. Đó là một phần thú vị về một bức ảnh. Giúp mọi người thoải mái không phải là một phần công việc của tôi. Câu hỏi giả định rằng một người đang tìm kiếm một bức ảnh “đẹp”, nhưng một nhiếp ảnh gia chân dung giỏi tìm kiếm thứ khác. Nó có thể là một bức ảnh đẹp và nó có thể không. Tuy nhiên, tôi biết rằng tôi khiến mọi người cảm thấy thoải mái vì tôi rất thẳng thắn. Tôi ở đó chỉ đơn giản là để chụp ảnh và thế là xong.

Hầu hết mọi người không thích bị chụp ảnh. Đó là một khoảnh khắc căng thẳng, tự đối đầu chính mình. Một số người giỏi hơn những người khác. Tôi làm việc tốt nhất với những người có thể tự dự đoán, nhưng nhiều người không thể làm được điều đó. Hoặc họ không muốn. Họ không cảm thấy hài lòng về bản thân. Hoặc họ cảm thấy quá tốt về bản thân họ. Tôi không giỏi nói chuyện với mọi người lắm, và tôi chắc chắn không thể nói chuyện với mọi người và chụp ảnh cùng một lúc. Điều khác người là, tôi nhìn qua kính ngắm khi làm việc. (...) Hầu hết các nhiếp ảnh gia chân dung tuyệt vời đều không có máy ảnh trước mặt. Nó ở bên cạnh họ khi họ nói chuyện".

Thừa nhận mình không phải người nói chuyện giỏi nhất, thậm chí còn có phần hơi “vụng” khi khiến Nữ vương Anh phải trợn mắt, chau mày, nhưng một điều không thể phủ nhận là Annie có bộ kỹ năng riêng của mình. Có người giỏi giao tiếp, còn bà giỏi việc “moi” ra những khoảnh khắc tự nhiên và chân thật nhất trong một bối cảnh và thông điệp có sắp xếp. Hãy so sánh nó với một nhà văn chuyên viết hồi ký - bảy thực ba hư, đúng, nhưng người xem thích vậy, và có lẽ bản thân người được chụp cũng thích vậy.

Chừng đó là đủ cho một nhiếp ảnh gia thế kỷ.

Trở lại căn tính đàn ông

Trong sự nghiệp nhiếp ảnh đương đại của mình, bản chất giới tính và vẻ đẹp giới là một chủ đề được thảo luận nhiều trong các phân tích về Annie Leibovitz. Người ta không ngừng đặt câu hỏi điều gì khiến bà có những ý tưởng táo bạo như bức ảnh năm 1981 của John Lennon trên bìa Rolling Stone, hay sau này là cả bức ảnh gây sốt không kém của Keith Harring cũng trong trạng thái thô sơ nhất.

Từ nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo tới chiêm nghiệm vẻ đẹp căn tính đàn ông - Ảnh 8.

Lấy ví dụ, bức ảnh John Lennon ôm Yoko Ono trong tư thế nhạy cảm khi ấy có thể là ý tưởng đặt câu hỏi về vai trò giới của Annie khi để một người đàn ông vào hình thái nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất - cần nhớ, đây là một trong những người đàn ông có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến nền văn hóa đại chúng và “quyền lực” không nhỏ trong showbiz. Trong bố cục tạo dáng ấy, John ôm lấy vợ mình - một người với dáng hình vững chắc và thẳng thắn như một cột trụ sức mạnh và tình yêu thương.

Bằng cách thiết lập một vị trí phi truyền thống như thế, Annie “bắt” người xem thông thường nhất cũng phải suy nghĩ về việc đàn ông cũng có quyền được nhạy cảm và dựa vào người phụ nữ của mình.

Một ví dụ đầy quyền lực khác là bức hình đầy biểu tượng khi cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama đứng một mình, quay lưng về ống kính trong Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng hôm 19/1/2017, ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông. Chỉ vài giờ sau khi được chụp, ông Trump sẽ tiếp quản văn phòng này từ người tiền nhiệm. Bức ảnh là một chứng nhân lịch sử, nhưng đồng thời cũng kể những câu chuyện rất riêng mà mỗi người sẽ có những mối quan tâm và diễn giải riêng - chẳng hạn như cách mà một người đàn ông quyền lực cũng có những quãng lặng suy tư và đơn độc trước những thời khắc quyết định.

Từ nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo tới chiêm nghiệm vẻ đẹp căn tính đàn ông - Ảnh 9.

Một ví dụ khác mà chúng ta không thể bỏ qua có lẽ cũng lại đến từ cựu Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Bức ảnh này không phải một “cú đập” vào tâm trí bằng bố cục và tạo hình sắc sảo như các ví dụ trước, nhưng thể hiện một khía cạnh ít người nhắc đến của những người đàn ông quyền lực “đứng mũi chịu sào”: vai trò người chồng, người cha.

Sẽ là vụng về khi nói rằng Annie không có chủ ý nhất định khi để vị Tổng thống mới nhậm chức không lâu (ảnh chụp ngày 1/9/2009) tạo dáng bên gia đình nhỏ của mình. Hơn nữa, trong ảnh, ông không đứng với dáng vẻ quyền lực thông thường người ta cố tình tạo ra (chính Annie cũng làm vậy trong các bức ảnh chụp Nữ vương Anh) mà ngồi giản đơn, tay đan vào nhau với nụ cười rạng rỡ, bên lề cạnh vợ và các con.

Dù có là Tổng thống, ông vẫn là một người cha, và “Nụ cười người cha” nếu không đại diện cho vẻ đẹp thuần khiết của tính nam trong gia đình, thì cái gì mới đủ xứng đáng.

Từ nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo tới chiêm nghiệm vẻ đẹp căn tính đàn ông - Ảnh 10.

Đặt các nhân vật chính trị trong một biểu hiện nhạy cảm là một thủ pháp ưa thích của nữ nhiếp ảnh gia.

Đối diện với vẻ đẹp người cha hay sự đơn độc, là một chủ đề khác được Annie khai thác sâu rộng từ những ngày đầu sự nghiệp nhưng có tác động to lớn đến cách nhìn nhận toàn bộ công trình nhiếp ảnh bà để lại cho nhân loại: Sự bùng cháy đam mê.

Rock ‘n’ roll là một thứ nhạc với tính chất điên rồ và nổi loạn, nhưng cũng bùng cháy với linh hồn của những nghệ sĩ đại diện cho nó.

Để ví dụ cho khía cạnh này, có lẽ ít tác phẩm gây chú ý hơn khung cảnh “bùng cháy” trên sân khấu của Rolling Stones chụp trong một buổi diễn năm 1975.

Còn có vô số ví dụ khác:

Tình hảo hữu:

Từ nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo tới chiêm nghiệm vẻ đẹp căn tính đàn ông - Ảnh 11.

“Anh hùng trọng anh hùng”:

Từ nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo tới chiêm nghiệm vẻ đẹp căn tính đàn ông - Ảnh 12.

Nhạy cảm, suy tư, đôn hậu, tình cảm, táo bạo, đam mê, tình bạn… tính nam trong đôi mắt nhiếp ảnh của Annie Leibovitz không phải cái gì quá kỳ vĩ hay phức tạp - đó là chất kết tinh trong những người đàn ông thành công nhất, xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình, nhưng cũng đầy tự hào và tự tin trong một thế giới đang không ngừng đổi thay.

Nguồn: Tổng hợp

Nhiếp ảnh gia với ‘chất ngông’ đằng sau bức ảnh Messi và Ronaldo - Ảnh 13.

Chia sẻ