Nhật ký tường tận một ca sinh thường có chồng chứng kiến của mẹ Việt

T.Q,
Chia sẻ

Một tiếng "bốp" rất to, nước lênh láng, chồng mình hết hồn luôn. Cùng lúc đó, lại có cảm giác rặn rất mạnh nhưng mình cố kiềm chế vì cổ tử cung chưa mở trọn.

Từng trải qua lần đầu sinh mổ, chị Trần Nữ Hồng Nhung (hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) vẫn còn nhớ như in cảm giác phải nằm cách ly con suốt 7 tiếng đồng hồ và hành trình gian nan khi nuôi con đầu. Vì sinh mổ nên con chị ban đầu uống sữa công thức, khi về với mẹ, việc bú mẹ gặp nhiều khó khăn, cộng với việc không nắm vững các kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ nên chị đã phải bổ sung thêm sữa công thức cho con ngay từ 21 ngày tuổi...

Những vất vả và ám ảnh ấy đã thôi thúc chị quyết tâm sinh thường ở lần thứ 2 và chị đã thành công nhờ chuẩn bị tâm lý, tài chính, kiến thức kĩ càng cùng với sự tự tin vào bản thân. Chị Hồng Nhung chia sẻ: “Mình đã sinh thường sau 1 lần sinh mổ không dùng thuốc giảm đau và nhờ thế có khởi đầu thuận lợi trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, lại có thể giảm bớt chi phí đi đẻ”.

Sinh thường
Trước khi sinh, chị Hồng Nhung cùng chồng đã lên kế hoạch rất chi tiết cho lần vượt cạn thứ 2 của mình.

Trước khi sinh bé thứ 2, chị Hồng Nhung đã tìm đọc rất nhiều sách về việc cho con bú và càng đọc, chị lại càng có hứng thú tìm hiểu thêm về sinh nở tự nhiên theo chỉ dẫn của sách. Và chị đã nghĩ rằng mình hoàn toàn có khả năng sinh thường thành công sau 1 lần sinh mổ, bởi chị luôn tin vào sức mạnh của bản thân.

Để “mẹ tròn con vuông” bằng phương pháp sinh thường không dùng bất cứ biện pháp can thiệp giảm đau nào sau 1 lần sinh mổ, chị đã hoàn toàn chủ động trong việc sinh con lần 2. Cụ thể, trước khi sinh, chị và chồng còn lên kế hoạch vô cùng chi tiết cho ca sinh nở của mình và làm việc nghiêm túc với bác sĩ. Kết quả là mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch đến 99%.

Sau khi sinh, bà mẹ hai con này đã kể lại trải nghiệm hành trình sinh thường đầy dũng cảm của mình, trước hết là để lưu giữ nhật kí đi sinh cho bản thân, sau nữa chị muốn truyền cảm hứng và sự tự tin cho các mẹ đã, đang và sẽ mang thai có động lực để vượt cạn bằng phương pháp tự nhiên.

Trước dự sinh vài ngày, mình xuất hiện những cơn đau bụng dưới như khi đến tháng. Đúng ngày dự sinh 21/1, mình đã có những cơn gò nhẹ cách nhau 10 phút từ buổi sáng, mình có thể kiểm soát được bằng cách sinh hoạt bình thường và hít thở sâu, lâu lâu mới phải chống tay vào tường chờ cơn đau qua. Các cơn gò cứ đến và đi, có khi cách nhau 5 phút thôi, nhưng mình cảm thấy vẫn chịu được nên chưa vào viện kiểm tra. 

Sáng hôm sau 22/1, mình kịp ăn 1 tô hủ tiếu trong cơn đau. Về nhà còn nhấn nhá vài hoạt động thường ngày, đến khoảng 10h sáng khi đi vệ sinh thì phát hiện ra chất nhầy. Thế là đi xuống lầu kêu chồng và mẹ vào viện.

Sinh thường

Sinh thường
Trong giai đoạn chuyển dạ, chị vẫn tươi cười chụp hình khi mới nhận phòng.

Chỉ mất 5 phút đến bệnh viện. Trước tiên, y tá cho đo tim thai và kiểm tra cơn gò xem có cần nhập viện không. Kết quả đủ cơn gò, cổ tử cung đã mở được 3cm, bác sĩ nói quá thuận lợi, cho nhập viện luôn. Sau đó mình làm thủ tục nhập viện. Nhìn đồng hồ đã là 11h45, tranh thủ ăn bánh và uống nước mát để lấy sức "chiến đấu". Sau đó mình theo chồng lên phòng luôn, nữ hộ sinh dặn khi nào đau quá không chịu nổi thì mới cần xuống phòng sinh.

Lần sinh mổ trước, khi vào phòng chờ sinh đồng nghĩa với việc mình bị cách li với người nhà, không được ăn uống, phải đo tim thai liên tục, cứ cách nửa tiếng hay 1 tiếng lại phải leo lên bàn để kiểm tra cổ tử cung (thủ tục này không cần thiết và nên tránh vì khiến sản phụ căng thẳng, đau đớn). Lần sinh này, mình cứ tìm đủ tư thế và phối hợp bài thở sâu, thở nhanh để điều tiết cơn đau gò với cường độ đau ngày càng tăng. 

Học thở rất quan trọng, nó giúp mình vượt qua được cơn đau, khi cơn gò bắt đầu thì thở sâu, lúc cơn đau tăng dồn dập đến đỉnh thì thở nhanh, khi kết thúc cơn gò thì lại thở sâu. Sau đó uống nước mát vì thở khiến miệng rất khô. Ăn uống trong chuyển dạ giúp cơ thể không bị mất sức và mất nước. Ngồi lên trái bóng thể thao, nhún nhún cũng giúp giảm đau được 1-2 cơn, sau đó nó không hiệu quả với mình nữa. Lâu lâu nhờ chồng mát xa cũng hiệu nghiệm.

Sinh thường
Ngồi lên trái bóng thể thao - một trong những phương pháp giúp chị giảm đau khi chuyển dạ.

Mỗi một sản phụ sẽ tự tìm cách giúp mình thư giãn và vượt qua cơn đau nếu chuẩn bị tâm lí tốt. Đau đẻ không đáng sợ. Đó là cách tạo hoá định sẵn để mọi cơ quan, mọi hooc-môn trong cơ thể bạn hoạt động hiệu quả chào đón em bé ra đời. 

Đến khoảng 15h, thì mình cảm thấy quá đau nên xin xuống phòng sinh. Tự đi bộ được chứ không dùng xe đẩy. Khi ấy cổ tử cung mở khoảng 5-6cm. Đợi đến lúc cổ tử cung mở 10cm, mình cũng tự xoay sở với chồng đủ tư thế, nhất quyết không chịu nằm trên giường sinh. Khi cổ tử cung gần mở trọn cũng là lúc cơn đau đến với cường độ mạnh hơn và tần suất dày hơn, mình quyết định quỳ gối trên giường, 2 tay bám vào thanh đầu giường. 

Sinh thường

Sinh thường

Sinh thường
Chị tìm đủ tư thế để có thể dễ chịu khi cơn gò đến.

Thú vị nhất là khi vỡ ối, vì mình yêu cầu để ối vỡ tự nhiên, một tiếng "bốp" rất to, nước lênh láng, chồng mình hết hồn luôn. Cùng lúc đó, lại có cảm giác rặn rất mạnh nhưng mình cố kiềm chế vì cổ tử cung chưa mở trọn. Khi đó đầu em bé đã lọt qua xương chậu, tụt xuống cửa mình nên chồng mình thấy được cái chỏm đầu toàn tóc của con nhô ra ngoài. 

Tới lúc vỡ ối cũng là khi cổ tử cung mở 9cm, nữ hộ sinh lúc này mới gọi bác sĩ vào. Mình bị buộc nằm xuống giường. Nữ hộ sinh hỏi mình để đeo dây quanh bụng đo tim thai em bé. Khi cổ tử cung mở trọn 10cm, thì mình hoàn toàn tự rặn theo dấu hiệu cơn gò, lúc nhớ thì mình lấy sức thở, lúc đau quá lại quên. 

Đầu con trồi ra lại tụt vào, chồng mình dù đã được dặn trước tình huống này cũng rất hồi hộp. Khi đó cơn đau đỉnh điểm, mình cứ vặn vẹo người, bác sĩ phải nhắc đừng có vặn kẻo em bé cũng xoay theo, có nguy cơ đổi tư thế thì khó ra hơn. Mình mong muốn không bị rạch tầng sinh môn, nhưng tình thế lúc đó mình không thể kiểm soát được việc thở để rặn hiệu quả mà không bị rách, bác sĩ cũng thấy nguy cơ rách nên phải rạch liền, chồng mình ghê nhất và căng thẳng nhất đoạn này. 

Không lâu sau đó, sau nỗ lực rặn hết sức theo dấu hiệu cơn gò của cơ thể, mình có thể cảm nhận được cả người con trôi ra ngoài nhanh chóng. Nữ hộ sinh lên tiếng: “17h15 nha ba”. Rồi con được đặt trên ngực mẹ, cả người xám xịt chứ chưa hồng hào, 2 mắt thì cứ nhắm tịt theo tiếng khóc oe oe... Cảm giác không tả được bằng lời.

Sinh thường
Bé được da tiếp da với mẹ ngay sau khi sinh.

Sinh thường
Lần sinh này của chị Hồng Nhung không có sự can thiệp của thuốc men hay thủ thuật nên mẹ và con rất khỏe, mẹ phục hồi nhanh.

Sau đó chồng mình lóng ngóng cắt dây rốn cho con sau khi dây rốn ngừng đập. Rồi bác sĩ yêu cầu ê kíp tiêm oxytocin để sổ nhau, khâu tầng sinh môn. Nữ hộ sinh thông báo để hút mũi cho con. Con nằm trên ngực mẹ rất lâu đến lúc y tá thông tiểu cho mẹ thì con được đưa ra cân (3.56kg), vệ sinh sơ bộ, tiêm vitamin K và mặc áo bệnh viện. Lúc đó phải dứt ti và rời mẹ nên khóc quá trời, đến khi được ba ẵm nói chuyện thì im re và có vẻ hóng hớt như rất quen thuộc.

Mẹ con về phòng lúc 20h30. Cuộc sinh lần này không có sự can thiệp của thuốc men hay thủ thuật nên mẹ và con rất khoẻ. Mẹ phục hồi nhanh hơn rất nhiều so với lần sinh anh hai.

Mình mong muốn có thể truyền cảm hứng cho các bà đẻ với thai kì khỏe mạnh đều có thể vượt cạn tự nhiên như thế hệ mẹ chúng ta ngày trước. Cuộc sinh thuận lợi và thành công lần này có thể do những nguyên nhân sau mà mình muốn đúc kết:

1. Các mẹ phải tự tìm hiểu kiến thức. Mình tự đọc sách về nuôi con bằng sữa mẹ và sinh nở tự nhiên, kiến thức đem lại 90% sự tự tin. 

Sinh thường
Bé Kim nằm ngoan ngoãn trong vòng tay ba sau khi được da tiếp da trên ngực mẹ.

2. Có điều kiện các mẹ nên học yoga trước khi sinh, giúp các cơ phối hợp tốt, có sức khoẻ và quan trọng biết cách điều hoà hơi thở của cơ thể. Đối phó các cơn đau, các mẹ đừng nên la to, vừa mất sức mà khiến cơn đau khó chịu đựng, chính xác là chỉ nên rên rỉ, la nhưng ở âm vực thấp, vừa đỡ mất sức lại giúp các mẹ dễ chịu hơn. Mình không thể sắp xếp học yoga nhưng bù lại mình vận động trong khi mang thai rất nhiều nên có thể nhờ đó, mình tăng chỉ gần 10kg khi mang bầu và cơ thể rất khỏe trừ mấy tháng đầu bị nghén.

3. Nên đi học một lớp tiền sản uy tín, mang tính thực tiễn cao. 

4. Chuẩn bi kế hoạch sinh và bàn bạc kĩ với bác sĩ. 

5. Quan trọng không kém là có sự ủng hộ và có mặt của chồng từ khi mang thai, khi chuyển dạ và sinh con.

6. Cuối cùng nhưng không thể không nhắc đến là kế hoạch tài chính cho thai kì và sinh nở. Sẽ hoàn toàn xứng đáng để bạn đầu tư cho một thai kì khỏe mạnh và một cuộc sinh tự nhiên mẹ tròn con vuông; tạo tiền đề thuận lợi cho việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sau này mà lợi ích của nó không thể đong đếm bằng tiền được.
Chia sẻ