Nhật Bản vượt ngưỡng 80.000 người trên 100 tuổi

Ban Thời sự,
Chia sẻ

Ngày 15/9, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết, số người từ 100 tuổi trở lên ở nước này đã vượt ngưỡng 80.000 người.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đạt con số trên kể từ khi nước này bắt đầu thống kê vào năm 1963. Điều này cho thấy, người dân Nhật Bản sống ngày càng thọ, nhưng cũng báo hiệu tình trạng lão hóa dân số diễn ra ngày càng nhanh tại quốc gia này.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, số người từ 100 tuổi trở lên ở Nhật Bản là 80.450 người, tăng 9.176 người so với năm 2019. Đây là năm thứ 50 liên tiếp con số thống kê này tăng. Các cụ bà chiếm hơn 88% tổng số người trên 100 tuổi với 70.975 cụ. Trong khi đó, số cụ ông là 9.475 người, chiếm 11,8% và tăng 1.011 người.

Vào năm 1963, khi bắt đầu có thống kê, Nhật Bản có 153 người trên 100 tuổi. Con số này vượt ngưỡng 1.000 người vào năm 1981 và 10.000 vào năm 1998, chủ yếu nhờ những tiến bộ về y học.

 - Ảnh 1.

Cụ bà Kane Tanaka. (Ảnh: Kỷ lục Guinness Thế giới)

Tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật Bản là 87,45, trong khi của nam giới là 81,41. Hiện nay, cụ bà Kane Tanaka, năm nay 117 tuổi, là cư dân của tỉnh Fukuoka, được ghi nhận là cụ bà cao tuổi nhất Nhật Bản và là người cao tuổi nhất thế giới được ghi nhận trong kỷ lục Guinness. Trong khi đó, cụ ông Mikizo Ueda, năm nay 110 tuổi, cư dân của tỉnh Nara, là cụ ông cao tuổi nhất Nhật Bản.

Tính theo địa lý, tỉnh Shimane ở phía Tây Nhật Bản là địa phương có tỷ lệ người từ 100 tuổi trở lên/100.000 người cao nhất ở Nhật Bản (127,6), tiếp theo là các tỉnh Kochi (119,77) và Tottori (109,89).

Việc đẻ ít con hay lối sống cô đơn vẫn luôn là những vấn đề gây đau đầu ở Nhật Bản. Nguyên nhân là do thực trạng người cao tuổi ngày càng nhiều, lực lượng lao động trẻ bị thiếu hụt sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển.

Chia sẻ