Nhật Bản: Người trẻ đổ xô ra nước ngoài, người già chật vật bù đắp thiếu hụt lao động
Sự sụt giá gần đây của đồng yên đã khiến thị trường lao động Nhật Bản gặp phải những thách thức lớn nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Lao động nước ngoài không muốn đến Nhật
Kể từ tháng 10/2022, đồng tiền của Nhật Bản đã chạm mức thấp nhất trong ba thập kỷ so với đồng USD, đồng thời giảm giá trị so với một số loại tiền tệ của các nước Châu Á khác, trong đó bao gồm cả Việt Nam.
Bloomberg đưa tin, anh Trần Trọng Đại, kỹ sư phần mềm 29 tuổi người Việt Nam chia sẻ về tình hình lao động tại Nhật hiện nay: “Những người bạn từng học tập và làm việc tại Nhật Bản của tôi cho rằng mọi người không nên đến xứ sở hoa anh đào làm việc vào thời điểm này, vì mức lương hiện tại đang thấp hơn 1/4 so với trước". Dù đang kiên trì với kế hoạch công tác tại Nhật vào năm tới, anh Đại đã không còn quá hy vọng vào số tiền thu nhập như lúc ban đầu.
Theo ông Phạm Đức Mạnh, trưởng bộ phận tuyển dụng và nhân sự của công ty FPT Japan, số lượng ứng viên Việt Nam cho các vị trí làm việc tại Nhật có thể giảm đến 40% trong nửa cuối năm nay, với nguyên nhân chủ yếu là do tỷ giá hối đoái.
Chính phủ Nhật Bản vốn luôn duy trì tỷ lệ nhập cư thấp trong những năm gần đây nay đã dần mở cửa cho người lao động nước ngoài nhằm bù đắp cho dân số đang suy giảm. Ước tính cho thấy số lượng người lao động nước ngoài đến Nhật Bản đã tăng gấp 3 lần so với thập kỷ trước vào năm 2019. Và trong số đó, Việt Nam là một trong những quốc gia cung cấp nguồn lực lao động lớn nhất từ các ngành nông nghiệp, sản xuất chế tạo đến công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, giá trị đồng tiền sụt giảm mạnh đã khiến nhiều người lao động tỏ ra e dè. Đoàn Ngân, 31 tuổi, là lao động Việt Nam hiện đang làm việc cho nhà máy chế biến thực phẩm tại Nhật Bản cho biết đồng yên trượt giá khiến thu nhập theo ngày của chị bị giảm đến 200.000 đồng so với trước đó. Điều đó đồng nghĩa với việc chị phải làm thêm một thời gian dài nữa thì mới có đủ tiền để trả khoản vay 105 triệu đồng cho phí môi giới và đào tạo.
Bên cạnh đó, người lao động cũng thường phải đối mặt với những hành vi bóc lột sức lao động, bao gồm trả lương thấp hơn mức hứa hẹn và điều kiện làm việc vô cùng nguy hiểm. Đó là những sự thật đằng sau cái gọi là chương trình thực tập dành cho nhiều lao động trẻ khi đến Nhật Bản.
Chính vì thế, các nhà tuyển dụng Nhật cũng đang mở rộng thị trường lao động ở các nước có dân số trẻ, đông đảo như Indonesia và Ấn Độ. Tuy nhiên, họ lại phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn từ Hàn Quốc và Mỹ, những nước vốn có lợi thế hơn về tiền lương. Ngay cả quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan cũng đang nỗ lực tìm kiếm những chuyên gia có tay nghề cao từ nước ngoài.
Người trẻ đổ xô ra nước ngoài làm việc
Trong lúc người lao động nước ngoài hạn chế đến Nhật Bản làm việc, thì lực lượng lao động trẻ nội địa cũng đang có xu hướng "thoát ly" khỏi quốc gia của mình.
Theo một bài báo trên Japan Today, vào tháng 4/ 2021, khi đại dịch Covid vẫn còn đang hoành hành khắp thế giới, thì một cơ hội lớn đã đến với Toru. Các mối quan hệ của Toru đã kết nối anh với một công ty thiết bị y tế có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan, nơi đang tuyển dụng vị trí quản lý với mức lương khởi điểm là 50.000 baht/tháng (khoảng 34 triệu đồng) và tăng lên mức 60.000 baht (khoảng 41 triệu đồng) ở thời điểm hiện tại, cao hơn nhiều so với mức lương cho cùng chức vụ đó tại Nhật.
Với mức chi phí sinh hoạt tương đối thấp tại quốc gia Đông Nam Á này, vị giám đốc kinh doanh trẻ có thể tiết kiệm được số tiền lên đến 70.000 yên Nhật (khoảng 12 triệu đồng) mỗi tháng.
Không chỉ riêng Toru, những người lao động khác cũng tìm thấy hướng đi cho riêng mình bên ngoài quê hương. Yoshida, một lao động người Nhật hiện đang làm việc tại một nông trại trồng chuối ở Úc cho biết với lịch làm việc chỉ 9 giờ/ngày và 4 ngày/tuần, anh đã được nhận mức lương tối thiểu là 2.000 yên/giờ (khoảng 350.000 đồng). Đó là mức lương tối thiểu ở Úc, nhưng lại lớn hơn gấp đôi so với mức lương tại Nhật Bản, và có lẽ chính điều đó đã thu hút anh đến với quốc gia này bất chấp vốn tiếng Anh vô cùng hạn chế.
Trước tình hình đó, có lẽ Nhật Bản sẽ phải tìm cách giải quyết những rào cản trong thị trường lao động nếu vẫn muốn giữ những người giàu năng lực và tính sáng tạo ở lại với quê nhà.
Người lớn tuổi chuẩn bị cho một cuộc sống không có nghỉ hưu
Nhiều người lớn tuổi ở Nhật Bản đang phải chuẩn bị cho một cuộc sống bận rộn ở tuổi xế chiều trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dân số gây áp lực lên thị trường lao động và hệ thống an sinh xã hội.
Koichi Kashiwa là người từng làm trong ngành xuất bản với tổng số thu nhập lên đến 30 triệu yên (hơn 5 tỷ đồng)/năm. Số thu nhập khổng lồ đó cho phép ông chi tiêu thoải mái vào những sở thích của mình, như sưu tầm đồ cổ hay cá cược đua ngựa. Và cũng chính điều đó đã khiến ông nợ nần chồng chất và kiệt quệ về tài chính ở tuổi 65.
Người đàn ông 76 tuổi này đã trải qua một cơn đột quỵ nhẹ vào năm ngoái, nhưng điều đó cũng không thể ngăn ông tiếp tục làm việc. Ở nửa cuối của cuộc đời, ông vẫn phải làm việc 8 tiếng/ngày ở vị trí điều tiết giao thông tại công trường xây dựng.
Tuy nhiên, Kashiwa chỉ là một trong số hàng triệu người Nhật Bản đang chật vật kiếm sống ở những năm tháng xế chiều của cuộc đời. Những công việc này đa số thiếu ổn định và đòi hỏi nhiều về mặt thể chất như bảo vệ, nhân viên dọn dẹp các tòa nhà,... Đó là tình trạng thực tế của quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới.
Vào tháng 10, Bộ Nội vụ và Truyền thông thông báo rằng những người từ 75 tuổi trở lên đang chiếm 15% dân số, trong khi những tỷ lệ người lao động trên 65 tuổi đã đạt 29,1%, cao nhất thế giới. Không dừng lại ở đó, con số này dự kiến sẽ đạt 38,4% vào năm 2065 nếu dân số nước này tiếp tục suy giảm.
Trong khi hầu hết các công ty tại Nhật quy định tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60, một bản sửa đổi luật liên quan đến tuyển dụng có hiệu lực từ năm 2013 đã cho phép người lao động làm việc cho đến 65 tuổi, khi mọi người đã đủ điều kiện nhận trợ cấp hưu trí.
Đến năm 2021, luật này lại được sửa đổi để khuyến khích các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc đến năm 70 tuổi bằng cách bãi bỏ hoặc tăng độ tuổi nghỉ hưu, tuyển dụng lại nhân viên sau khi nghỉ hưu hoặc ủy thác một số nhiệm vụ nhất định phù hợp với từng đối tượng.
Trong bài phát biểu năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố rằng: “Sắp tới, chúng ta sẽ nỗ lực xây dựng một hệ thống an sinh xã hội hướng tới mọi thế hệ, trong đó mọi người dân từ trẻ em, những người đang nuôi nấng gia đình và cả người lớn tuổi đều có thể yên tâm".
Trong khi đó, Kashiwa vẫn đang vật lộn để duy trì cuộc sống của mình. Người vợ 71 tuổi của ông kiếm được khoảng 100.000 yên/tháng với công việc bán thời gian, nhưng cũng chỉ đủ trả khoản tiền thuê căn hộ và những chi tiêu hàng ngày. Thậm chí, đôi vợ chồng già còn phải chu cấp cho đứa con gái đang ở riêng, một người trẻ thất nghiệp và sống khép kín trong phòng trọ.
Tuy công việc hiện tại cũng mang đến cho Kashiwa nhiều lợi thế như gặp được nhiều người khác nhau, tạo điều kiện để ông rèn luyện sức khoẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là ông muốn tiếp tục làm việc quần quật cho đến hết đời.
Nguồn: Bloomberg, Japan Times