Nhầm tưởng bản thân mắc viêm vú do cho con bú, người phụ nữ té ngửa khi nhận được kết quả chẩn đoán ung thư vú

Mai Nhung,
Chia sẻ

Các chị em phụ nữ đừng nên chủ quan về những thay đổi bất thường ở vú, đặc biệt trong thời kỳ mang thai và cho con bú, vì đó hoàn toàn có thể là dấu hiệu ung thư vú.

Vào tháng 10 năm 2019, Rucha Depina, sau khi trở thành bà mẹ của ba con, nhận thấy ngực phải thay đổi bất thường. 2 bên ngực của cô trở nên đỏ hơn, nóng rát khi chạm vào và bề mặt sần sùi như vỏ cam. Sau khi tìm hiểu và hỏi ý kiến từ một người bạn đang làm y tá, cô cho rằng bản thân đang phải đối mặt với bệnh viêm vú.

Người phụ nữ này đã thử dùng thuốc hạ sốt Tylenol, chườm ngực và thậm chí nghe theo lời khuyên trên mạng là cuốn lá bắp cải xung quanh vú. Tuy nhiên, những việc làm này không hề đem lại hiệu quả. Vài tháng sau, vú phải của Depina ngày càng lớn hơn bình thường và trở nên mềm đến mức cảm thấy đau rát mỗi lần mặc áo ngực. 

Sự chủ quan

Nhầm tưởng bản thân mắc viêm vú do cho con bú, người phụ nữ này té ngửa khi nhận được kết quả chẩn đoán ung thư vú dạng viêm - Ảnh 1.

Ung thư vú dạng viêm có xu hướng xuất hiện ở phụ nữ lớn tuổi, đã trải qua thời kỳ mang thai.

Tháng 12 năm ngoái, dù biết bản thân cần đi khám bác sĩ, tôi vẫn chần chờ vì bận rộn với công việc gia đình và chăm sóc cả 3 đứa con đang mắc nhiễm trùng đường hô hấp. Chúng bị ốm trong ba tuần rưỡi. Sau đó, đại dịch tấn công nên việc gặp bác sĩ thậm chí càng trở nên khó khăn hơn đối với tôi.

Tới đầu tháng 1 năm 2020, một hạch bạch huyết xuất hiện trên cổ tôi. Nó nằm cùng phía với bên vú bị viêm. Điều này thực sự đáng báo động nên tôi đã lên lịch hẹn gặp bác sĩ. Tại phòng khám, bác sĩ nghi ngờ tôi đang mắc viêm vú và kê thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, cô ấy cũng ngay lập tức yêu cầu tôi đi chụp X-quang tuyến vú và siêu âm để loại trừ khả năng ung thư.

Ban đầu, tôi không hề nghĩ bản thân mắc ung thư. Tôi đã biết cách tự kiểm tra vú khi còn học ở trường và hiểu bản thân phải chụp X-quang tuyến vú định kỳ, bắt đầu từ độ tuổi 40. Trước đây tôi còn nghe được thông tin nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho trẻ mà còn mang lại lợi ích cho các bà mẹ, trong đó có giảm nguy cơ mắc ung thư vú.

Do mới 30 tuổi, không có tiền sử mắc bệnh, tôi phải chờ tới tận tháng 2 để làm xét nghiệm. Sau khi xem kết quả, một bác sĩ chụp X-quang nghi ngờ và khuyên tôi nên quay lại để làm sinh thiết.

Sự thật bất ngờ

Nhầm tưởng bản thân mắc viêm vú do cho con bú, người phụ nữ này té ngửa khi nhận được kết quả chẩn đoán ung thư vú dạng viêm - Ảnh 2.

Do ung thư vú dạng viêm thường ảnh hưởng đến phụ nữ dưới 40 tuổi, không phải lúc nào cũng gây ra khối u và không hiển thị trên hình ảnh chụp X-quang tuyến vú, bệnh này có xu hướng khó chẩn đoán.

Ngày hôm sau, tôi nhận được cuộc gọi từ bệnh viện và họ muốn tôi đến ngay lập tức. Ban đầu, sinh thiết da cho thấy kết quả âm tính. Tuy nhiên, các lần sinh thiết khác, sau khi ngừng dùng kháng sinh, lại là dương tính. Vào ngày 4 tháng 3 năm 2020, bác sĩ chẩn đoán tôi mắc ung thư vú dạng viêm (IBC).

Khi được biết bản thân mắc ung thư vú giai đoạn III, tôi hoàn toàn bối rối. Giống nhiều người khác, tôi chưa bao giờ nghe nói đến ung thư vú dạng viêm. Trên thực tế, đây là một căn bệnh hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1-5% trong tổng số các ca mắc ung thư vú. IBC là một loại ung thư mạnh và đa số các trường hợp mắc đều được phát hiện muộn, khi tế bào ung thư đã phát triển vào da.

Trong khi xuất hiện cục u thường là triệu chứng cảnh báo ung thư vú, các dấu hiệu ban đầu của IBC lại hoàn toàn khác và tương tự như viêm vú. Hơn nữa, do nhiễm trùng vú khá phổ biến, các bác sĩ dễ chẩn đoán sai và kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị.

Các dấu hiệu của IBC bao gồm sưng đỏ, ngứa, mềm bất thường, đau, núm vú bị thụt vào trong và nếu ung thư đã lan rộng, hạch bạch huyết sẽ xuất hiện dưới cánh tay hoặc gần xương đòn, khu vực giữa vai và cổ.

Khi bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh của mình, tôi đã rất tuyệt vọng khi phát hiện điều trị IBC khó khăn hơn các bệnh ung thư vú khác. Tôi sợ mình sẽ chết và bỏ lại các con.

Hành trình điều trị

Vào tháng 3, tôi làm hóa trị, phẫu thuật rồi xạ trị. Tôi cũng dần giới thiệu với người con trai lớn về thuật ngữ “ung thư” và giải thích rằng có những tế bào tốt và xấu đang chiến đấu trong cơ thể mình.

Do COVID-19, tôi phải điều trị một mình tại bệnh viện. Đội ngũ y bác sĩ thật tuyệt vời đã làm tôi với đi phần nào nỗi nhớ gia đình trong những ngày ở đây. Mỗi đợt hóa trị đều là thử thách. Một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất trong cuộc đời tôi là cuộc phẫu thuật cắt bỏ vú vào tháng 8.

Tôi luôn nghĩ mình còn trẻ, mới 30 tuổi và như những phụ nữ khác, tôi cũng muốn mình sở hữu một thân hình gợi cảm. Vì vậy, cắt bỏ vú thực sự là lựa chọn vô cùng khó khăn. Sau đó, bác sĩ khuyên tôi nên đợi một năm hoặc lâu hơn để tái tạo vú, cho đến khi ung thư thực sự biến mất.

Thông tin tích cực

Vào ngày 19 tháng 8 năm 2020, tôi rất vui khi nhận được báo cáo bệnh lý mới nhất cho thấy ung thư đã được loại bỏ. Nói cách khác, phương pháp điều trị đã có hiệu quả. Tôi dự kiến hoàn thành kế hoạch điều trị của vào mình trước tháng 7 năm 2021.

Từ những gì bản thân đã trải qua, tôi muốn mọi người lưu ý hơn tới sức khỏe vú, nên tiến hành tự kiểm tra thường xuyên và khám định kỳ, đặc biệt sau khi mang thai. Tôi đã lưu ý điều này với bạn bè của mình và dự định sẽ cảnh báo cho các con khi chúng trưởng thành.

Theo Womenhealth

Chia sẻ