Nhà Tuck bất tử - Khi cái chết là một phần của sự sống

Hải Hoàng,
Chia sẻ

Cuộc sống sẽ như thế nào nếu con người trở nên bất tử? Có bao giờ bạn đặt câu hỏi đó cho riêng mình?

Nhà Tuck bất tử

Tác giả: Natalie Babbitt

Dịch giả: Đan Linh

NXB Văn Học
Giá bìa: 32.000
 
 
Trường sinh bất lão có lẽ là một mơ ước viển vông chỉ hay được nhắc đến trong những câu chuyện cổ tích. Nhưng nếu một ngày ước mơ ấy thành hiện thực, bạn có bao giờ tưởng tượng ra cuộc sống trước mặt sẽ như thế nào? Không còn lo lắng gì về việc thời gian trôi nhanh hay chậm, bạn được sở hữu cuộc đời bạn, vĩnh viễn. Sẽ vui hay buồn, hạnh phúc hay bất hạnh? Đó là vấn đề mà Natalie Babbitt đặt ra trong tác phẩm của mình – “Nhà Tuck bất tử” – một cuốn sách dành cho thiếu nhi nhưng lại có nhiều điều để người lớn phải suy ngẫm.
 
“Nhà Tuck bất tử” giống như một câu chuyện cổ tích. Chuyện xoay quanh gia đình nhà Tuck, bao gồm bố, mẹ và hai cậu con trai. Cuộc sống vẫn yên ổn và diễn ra bình thường cho đến một ngày, khi cả gia đình họ cùng nhau uống nước ở một con suối nhỏ trong khu rừng. Thứ nước kỳ diệu ấy đã khiến họ trở nên bất tử. Không một ai trong gia đình nhà Tuck già đi. Không một thứ gì trên đời có thể làm hại đến họ.
 


Nhưng đó cũng là lúc những người xung quanh trở nên xa lánh họ. Người ta đồn gia đình nhà Tuck là phù thủy. Từ đó, ông bà Tuck và hai cậu con trai sống cuộc đời nay đây mai đó, họ không thể ở một nơi nào đó quá 20 năm, cũng không thân thiết với ai. Họ cứ đến và đi, không một ai nhớ đến. Không họ hàng thân thích, không bạn bè. Thứ duy nhất họ có trên đời là thời gian. Họ là những người thừa thời gian. Cuộc sống trường sinh bất lão từng là ao ước của bao người bây giờ trở thành nỗi bất hạnh của họ. Thậm chí ông Tuck đã từng tuyệt vọng đến nỗi tự tay bắn vào đầu mình. Nhưng ông không thể chết. Ông đã không còn cơ hội “được” chết.
 
Và cuộc sống nhàm chán của họ sẽ vẫn cứ đều đều trôi đi như thế nếu không có một ngày, cô bé Winnie Foster đã tình cờ phát hiện ra bí mật của họ. Và họ buộc phải tạm thời bắt cóc cô bé để giải thích tường tận cho cô mọi chuyện. Họ muốn Winnie giữ bí mật về dòng suối trường sinh, bởi hơn ai hết, họ hiểu, nếu bí mật bị tiết lộ, tất cả loài người sẽ phát điên. Thế giới sẽ đảo lộn. Và nhân loại sẽ tự đẩy mình vào một bất hạnh triền miên trước khi ý thức được hành động của mình.
 


Mọi chuyện càng trờ nên rắc rối khi có mặt của một kẻ thứ ba. Một kẻ cả đời quyết tâm đeo đuổi ước mơ về một phương thuốc trường sinh, và cũng phát hiện ra bí mật của gia đình nhà Tuck…
 
Với “Nhà Tuck bất tử”, Natalie Babbitt đã đặt ra một vấn đề không mới nhưng luôn đáng để suy ngẫm trong cuộc sống này - vấn đề sự sống và cái chết. Cuộc sống này giống như một vòng xoay của tạo vật. Tất cả đều biến đổi, hình thành, sinh sôi và phát triển. Luôn chuyển động đi tới. Có sinh thì phải có tử. Đó là quy luật. Và đó mới thực sự là sống. Gia đình nhà Tuck đã phá vỡ quy luật đó. Họ sinh ra mà không chết đi. Họ bị tách khỏi vòng xoay của sự sống. Họ bị mắc kẹt và cố gắng vùng vẫy, nhưng không thể thoát ra được. Và họ hiểu, đó chính là bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời – bất hạnh “không thể chết”. Đó cũng là những lời khuyên mà ông Tuck dành cho cô bé Winnie:
 


“Nhưng chết đi chính là một vòng xoay thời gian, ngay liền kề sự sinh ra. Con không thể cứ chọn những phần mình thích mà vứt bỏ cái còn lại được. Được trở thành một vòng xoay, đó là hạnh phúc. Nhưng nó lại lướt qua chúng ta, nhà họ Tuck này. Sống là điều nặng nhọc, nhưng mặt khác, như nhà bác bây giờ, sống còn là vô ích nữa. Chẳng có nghĩa lý gì cả. Giá mà bác biết được làm cách nào để quay trở lại cái vòng xoay đó thì bác sẽ làm ngay. Con không thể sống mà không chết. Không thể gọi đó là sống được, cái mà nhà bác hiện có bây giờ ấy. Gia đình bác chỉ hiện hữu, chỉ tồn tại, như những hòn đá bên vệ đường”.
 
Bằng một câu chuyện mang hơi hướng cổ tích, Natalie Babbitt đã truyền tới người đọc một thông điệp đầy ý nghĩa rằng, đừng e sợ cái chết, bởi cái chết là một phần của sự sống, là một phần của vòng tuần hoàn bất tận bao bọc lấy cuộc đời của mỗi con người. Và sự thực là nhờ có cái chết, con người ta mới học được cách sống có ý nghĩa hơn. Nhờ có sự hữu hạn của thời gian, con người ta mới biết cách kiếm tìm những giá trị đích thực ở trong đời.
 

Phim chuyển thể từ sách Nhà Tuck bất tử

Và tôi tin, cô bé Winnie trong câu chuyện, hơn ai hết, là người hiểu rõ điều ấy, khi cô quyết định ở lại trong vòng xoay của tạo hóa. Cô đã quyết định không uống thứ nước trường sinh để tận hưởng một cuộc đời trọn vẹn, từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Cô đã từ chối lời đề nghị lãng mạn của chàng trai Jesses Tuck, là sẽ sống mãi với tuổi 17, sẽ cùng nhau nắm tay đi khắp thế gian, để tận hưởng cuộc đời dài rộng này.

Cái chết, biết đâu chưa phải là kết thúc, khi nó tạo cơ hội để mở ra một cuộc sống mới, một tương lai mới?

Chia sẻ